Một tuần lễ nóng bỏng với những thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế đang gây xôn xao trong dư luận. Trước tiên là ngày 31-7, Bộ Công an đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và là bị can bị truy nã quốc tế – đã ra đầu thú tại Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an.
Trong buổi họp báo ngày 3-8, trả lời báo chí về thông tin cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị một nhóm người bắt cóc về Việt Nam khi đang lẩn trốn tại Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Thông tin công khai đã được Bộ Công an đưa ra và được báo chí đăng tải. Theo đó, ngày 31-7 Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra”.
Trước quan ngại về quan hệ chính trị – ngoại giao của Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức sẽ bị ảnh hưởng do liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức.
Hôm 3-8, ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên bản tin Thời sự VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam. Trong chiếc áo phông đỏ, gương mặt và giọng nói có phần mệt mỏi, ông Thanh cho biết “thấy mình đã làm những điều rất nông nổi, suy nghĩ không chín chắn” và “cần phải về để đối diện với sự thật”.
VTV cũng đăng tải “Đơn xin tự thú” ghi “Hà Nội ngày 31-7-2017” ký tên Trịnh Xuân Thanh, trong đó ông Thanh nhận trách nhiệm người đứng đầu trong thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đơn có đoạn viết: “Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn lại Đức. Thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng”.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, trong thời gian Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng các đồng phạm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT, cựu Tổng giám đốc PVC và ba thuộc cấp Nguyễn Mạnh Tiến – Phó tổng giám đốc, Trương Quốc Dũng – nguyên Phó tổng giám đốc, Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC, đã để công ty này thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Ngày 15-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam” và các đơn vị thành viên.
Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, ngày 16-9-2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Việt Nam xác định là một trong những đại án của năm 2016-2017. Mười người liên quan đã bị bắt, trong đó có bốn cựu lãnh đạo PVC.
Sự kiện thứ hai, diễn ra cũng trong ngày 31-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết căn cứ kết quả điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại các ngân hàng TP Bank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng, cơ quan này đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.
Ngày 1-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành quyết định và lệnh bắt đối với các bị can, trong đó có bị can Trầm Bê, sinh năm 1959, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank; cùng với bị can Phan Huy Khang, sinh năm 1973, nguyên Tổng giám đốc Sacombank, đồng thời khẩn trương điều tra mở rộng, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Động thái này được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến ông Danh, hôm cuối tháng 7 Bộ Công an khởi tố Phạm Thị Trang (tức Trang Phố Núi, 43 tuổi) với cáo buộc giúp ông Danh huy động tiền của nhiều khách hàng lớn, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng cho Ngân hàng VNCB.
Theo điều tra ban đầu, ông Trầm Bê cùng hàng loạt cán bộ của Sacombank đã cố tình lách quy định, giúp ông Danh vay tiền của ngân hàng. Trong đó, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Sacombank thời điểm tháng 4-2013 đã có chủ trương “giải ngân trước, bổ sung chứng từ sau” nên chỉ trong một ngày giám đốc các chi nhánh của Sacombank đã chuyển tổng cộng 1.800 tỉ đồng cho sáu công ty của ông Danh.
Đến ngày 24-2, ông Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa có đơn xin từ nhiệm các chức vụ tại Sacombank.
Ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004. Đến giữa năm 2012, ông và một loạt lãnh đạo từ ngân hàng này trúng cử vào Ban quản trị và điều hành Sacombank. Khi hai ngân hàng này sáp nhập, ông làm Phó chủ tịch Sacombank.
Liên quan đến vụ việc này, thông cáo báo chí của Sacombank phát đi chiều 1-8 viết: “Việc khởi tố ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với sáu công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4-2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị – điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23-2-2017 và từ ngày 3-7-2017 đối với ông Phan Huy Khang”.
Thông cáo của Sacombank cũng cho biết, ngày 30-6-2017, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016-2017 của Sacombank đã diễn ra thành công, bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 với Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Dương Công Minh đang lãnh đạo Sacombank.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vừa bất ngờ có đơn xin nghỉ việc, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố một số vi phạm của cá nhân này và đề xuất hình thức kỷ luật cụ thể.
Thế nhưng đơn của bà đã bị bác bỏ vì theo Luật Công chức, khi cán bộ đang trong quá trình bị xem xét, điều tra làm rõ các vi phạm thì sẽ không được nghỉ việc.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-8, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận và đề xuất xử lý kỷ luật, cách chức đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, nếu Ban Bí thư Trung ương đồng thuận thì các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục các bước xử lý đối với Thứ trưởng Thoa.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã kết luận bà Hồ Thị Kim Thoa có một số vi phạm, khuyết điểm, như vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỉ đồng.
Bà Thoa cũng được kết luận là thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai, trong đó có việc xử lý không đúng khoản thu 30 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất tại TP. Hồ Chí Minh.
Vi phạm của Thứ trưởng Thoa còn là mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ của công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Gia Minh
Xem thêm:
- Kỳ vọng vào Tổ tư vấn Kinh tế của thủ tướng
- Cấm dùng ngân hàng thao túng sân sau
- Lãng phí và thất thoát lớn tài sản nhà nước