Một điều lạ lùng đang xảy ra là vùng Bắc cực xa xôi và lạnh giá hiện thu hút được lượng du khách lớn hơn bao giờ hết. Không biết có phải vì cuối tháng 12 năm ngoái, CNN đã đưa ra danh sách 16 điểm du lịch “hot” nhất trong năm 2016 và vùng Bắc cực đứng thứ ba trong danh sách này?
Muốn thăm Bắc cực, có thể đến một trong ba vùng đất thuộc quyền sở hữu của Iceland, Greenland hoặc Na Uy. Hấp dẫn với nhóm du học sinh Việt Nam chúng tôi tại Phần Lan hơn cả chính là Greenland vì nơi này có một di sản thế giới đặc biệt và trong tháng 3 sẽ diễn ra Đại hội thể thao mùa đông Bắc cực. Hơn nữa, hành trình đến đây cũng thuận tiện. Vì thế, chúng tôi quyết định dành ba ngày nghỉ cuối tuần để làm quen với Greenland – băng đảo lớn nhất hành tinh.
Thủ phủ Nuuk
Từ cửa sổ máy bay, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi cứ ngỡ mình đang ngắm mây, nhưng đến lúc chuẩn bị hạ cánh mới hay rằng phi cơ đã lướt phía trên các đỉnh núi băng. Cú hạ cánh không được êm ả lắm nhưng lập tức mọi người được phi hành đoàn trấn an rằng hiện tượng đó là hoàn toàn bình thường ở sân bay này. Phi trường Nuuk rất nhỏ, không có quầy thủ tục hải quan lẫn an ninh, cũng chẳng có ai đóng dấu lên passport. Hành khách chỉ cần nhặt hành lý của mình và bước ra ngoài. Thế là ước mơ thăm thú Greenland của chúng tôi đã trở thành sự thật.
Trời lạnh căm căm. Gió mang những giọt mưa lất phất thổi hun hút trên mặt băng dày. Đón chúng tôi là một chàng trai trẻ tên là Peter nói tiếng Anh khá lưu loát.
Trên đường đi về khách sạn, Peter kể về lịch sử của Greenland. Theo truyền thuyết, xưa kia, một người tên là Erik Đỏ bị trục xuất khỏi Iceland vì tội giết người. Ông ta cùng gia đình và những người nô lệ đi theo hướng Tây Bắc, tìm thấy vùng đất này rồi đặt cho nó cái tên là Grønland (tiếng Anh là Greenland, nghĩa là vùng đất xanh), có lẽ để thu hút dân cư từ nơi khác đến sinh sống. Với gần 16 ngàn người, Nuuk là thành phố đông dân nhất của đảo quốc. Greenland được Quốc hội Đan Mạch trao quyền tự trị từ năm 1979, tuy nhiên nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II vẫn là quốc trưởng. Với diện tích lớn đến 2.166.086km2 và 44.087km bờ biển, nhưng băng đảo này chỉ có vẻn vẹn 57 ngàn dân. Hiện Greenland vẫn nhận một khoản trợ cấp hằng năm khoảng 3,6 tỉ kroner (chừng hơn 627 triệu USD) từ Đan Mạch chưa kể các chi phí quốc phòng, an ninh trật tự… Theo Viện nghiên cứu địa chất Đan Mạch, Greenland là một trong 20 “quốc gia mỏ” của thế giới đang được các công ty Mỹ, Anh, Úc, Trung Quốc và Hàn Quốc ra sức thăm dò và khai thác. Peter cho biết nguồn nhân lực trên đảo không đáp ứng được nhu cầu nên người lao động từ nơi khác đổ về đây rất đông, trong đó dễ gặp nhất là người Trung Quốc. Các nhà báo Đan Mạch đã gọi thủ phủ Nuuk của Greenland là “Chinatown” vì đi đâu cũng thấy người Trung Quốc!
…và văn phòng của ông già Noel!
Sau một vòng tham quan cảng cũ thời thuộc địa của Nuuk, Peter đưa chúng tôi đến nơi có một thùng thư màu đỏ khổng lồ trên đường phố. Thì ra đó là hộp thư của ông già Noel, chuyên nhận mọi ước mong của trẻ em trên toàn thế giới qua những bức thư. “Ông” (tất nhiên là một tổ chức thiện nguyện) sau khi đọc thư sẽ nhanh chóng gửi đi những phản hồi phù hợp nhất. Gần đây, “ông” đã mở rộng mạng lưới của mình, nay có tới ba dinh cơở Bắc cực, gồm Alaska (Mỹ), Lapland (Phần Lan) và Greenland. Mặc dù ngôi nhà của ông già Noel tọa lạc tại tỉnh Uummannaq ở phía Bắc Greenland nhưng tất cả thư của trẻ em từ khắp nơi trên thế giới được tiếp nhận tại vị trí này.
Điểm đến tiếp theo là nhà thờ dòng Chúa cứu thế màu đỏ tươi được xây dựng từ năm 1849, bên ngoài có bức tượng một người đàn ông nhìn ra bến cảng. Đó là Hans Egede – người có công đặt những viên gạch đầu tiên hình thành nên Nuuk từ năm 1728, khi ông từ Đan Mạch đến đây truyền giáo. Ngay tại lối vào có thể thấy mẫu vật một con tàu của dân Viking treo trên trần nhà, bên trong là bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Hans Egede đang cầu nguyện. Nội thất nhà thờ đơn giản nhưng thanh lịch với tông màu xám và vàng. Cuối mỗi hàng ghế lại có một ngọn nến. Có lẽ chưa đến giờ hành lễ nên chỉ có vài người lặng lẽ cầu nguyện trong không khí trang nghiêm.
Chúng tôi tiếp tục đi ngang qua tòa nhà Quốc hội, tòa án và các cơ quan hành pháp của Greenland. Nếu các công trình kiến trúc đó đều có dáng vẻ nguy nga và nhiều tuổi đời thì trên hai con đường khác lại có khá nhiều công trình đang xây dựng. Ở cực Bắc lạnh giá quanh năm này, người ta phải tăng tốc thi công trong mùa hè ngắn ngủi để đỡ vất vả.
Tour vòng quanh thủ phủ Nuuk kết thúc bằng việc ghé thăm Bảo tàng Quốc gia Greenland. Chỉ còn một giờ trước khi bảo tàng đóng cửa nên Peter khuyên mọi người khẩn trương, phải chấp nhận kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong khoảng 45 phút, chúng tôi có dịp làm quen với những hiện vật trưng bày giới thiệu cuộc sống, lối trang phục và các công cụ lao động người Inuit bản địa, sau đó quan sát màn hình để biết lịch sử 4.500 năm của người Inuit di cư từ châu Á qua phía Bắc Canada rồi đến Greenland, cũng như sự xuất hiện của người Bắc Âu sau đó khoảng 1 ngàn năm. Đến đây ai cũng muốn nhìn thấy xác ướp Qilakitsoq – một phụ nữ Inuit và một đứa trẻ đã sống ở Bắc Greenland hồi thế kỷ XV. Do khí hậu lạnh và có lẽ quan trọng hơn là chế độ bảo dưỡng tốt, cơ thể và các đồ đạc của họ vẫn khá nguyên vẹn.
Sau khi rời bảo tàng, trước bữa ăn tối, chúng tôi ghé vào một cửa hàng lưu niệm khá hấp dẫn. Nổi bật trong các mặt hàng trưng bày là thảm và quần áo làm từ lông thú như len từ bò xạ hương, cáo, tuần lộc và gấu Bắc cực. Chưa hết, nơi đây còn trưng bày những đồ chạm khắc và đồ trang sức làm từ xương và răng nanh hải mã, gấu Bắc cực và cá voi. Khi tìm chỗ ăn tối, ai cũng ngạc nhiên tại sao nơi chuyên về đánh bắt tôm cá lại không có nhà hàng hải sản nào cả. Thế là cả đoàn đành phải quay về khách sạn. Theo hướng dẫn, chúng tôi đến một nhà hàng… Thái cách đó hai dãy nhà! Thôi thì đành phải hài lòng với món canh chua tom yum và cà ri hải sản với vị cay cho nóng người, đỡ rét.
Đắm chìm trong vịnh băng Disko
Sau chuyến bay kéo dài hai giờ từ Nuuk, chúng tôi đến thành phố Ilulissat – nơi có vịnh băng được UNESCO đưa vào danh sách “Di sản thế giới” từ năm 2004.
Tại một khách sạn trên một ngọn đồi, cô gái phục vụ đon đả giới thiệu rằng phong cảnh ở Ilulissat thay đổi liên tục hằng ngày. Để ý, tôi thấy đúng là trong khoảng thời gian từ trưa sang chiều, ảnh chụp cảnh vật đã có sự khác biệt rõ về màu nền. Từ phòng trọ có thể thấy rõ bến cảng và một phần thành phố, đặc biệt là thấp thoáng cả vịnh Disko nổi tiếng. Tại đây du khách có thể mua vé lên du thuyền ra giữa vịnh ngắm băng trôi.
Tàu chạy khá nhanh nên cảm giác lạnh đến cũng nhanh. Chúng tôi đội thêm mũ, găng tay và khăn quàng cổ. Nói không quá lời, đi thuyền trên vịnh giống như trôi nổi trong một bảo tàng điêu khắc đá. Những tảng băng trôi đủ hình dạng và kích cỡ khác nhau. Một số to như chiếc du thuyền, mà đó mới chỉ là phần nổi trên mặt vịnh. Nếu đa phần băng có màu trắng tinh khiết thì thỉnh thoảng lại thấy có tảng mang màu xám phù sa. Băng ở đây di chuyển nhanh nhất thế giới, tốc độ đạt khoảng 35 mét mỗi ngày. Khoảng một giờ sau, thuyền trưởng tắt động cơ để hành khách ngắm cảnh quan kỳ vĩ và chính ông làm luôn công việc hướng dẫn du lịch. Ông cho biết so với 25 năm trước, Greenland nay đã ấm hơn nhiều và lượng băng trôi cũng giảm đi. Gần hơn nữa, khoảng mười năm về trước, vịnh Disko đông đúc hơn bây giờ. Ngồi trên boong tàu, chúng tôi ngắm nhìn băng trôi và chụp ảnh những tảng có hình thù kỳ dị nhất, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng ầm ầm của băng lở, đắm chìm trong lòng di sản thế giới chỉ khoảng một giờ, vậy mà có cảm giác thời gian trôi khá nhanh. Bầu trời tối dần, còn mặt trời ở đây đúng là ưa đi ngủ sớm, đang chìm dần phía xa xăm, để lại một màu cam và sắc tím lavender trên các tảng băng.
Thế rồi, bỗng một người bạn cùng nhóm la lên: “Cá voi kìa!”. Tất cả chúng tôi hướng mắt theo cánh tay chỉ dẫn của anh ta. Đúng thật, một cái lưng gù màu đen nổi trên mặt nước và một luồng nước khá mạnh phun ra từ vị trí mũi cá. Chỉ một phút sau, chú cá voi uốn cong lưng, nhẹ nhàng ẩn mình xuống dưới nước. Chiếc đuôi khổng lồ của nó nhấc lên khỏi mặt nước rồi từ từ biến mất như động tác vẫy chào tạm biệt. Đến đây, tàu cũng quay mũi đưa du khách trở về thành phố…