Nợ công – trong đó có việc sử dụng đồng vốn ODA – luôn là một trong những mối bận tâm hàng đầu của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế. Thế nên báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài năm 2018-2020” được giới phân tích đặc biệt chú ý, nhất là với thông tin mỗi người VN có thể gánh 35 triệu đồng nợ công trong năm nay, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,3 triệu đồng).
Số liệu cụ thể cho thấy nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỉ đồng, tương ứng 63,92% GDP, gần với ngưỡng trần 64% GDP được Quốc hội cho phép. Trong đó nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỉ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỉ đồng và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP.
- Xem thêm: Khi nợ công chạm mức trần 65% GDP
Nếu xét về quy mô thì nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000-380.000 tỉ đồng. Cụ thể, nợ công sẽ tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỉ đồng và gần 4,3 triệu tỉ đồng vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỉ và 6,85 triệu tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng các dự báo về con số nợ công và kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở có tính tới rủi ro của ba yếu tố là tái cấp vốn với danh mục trái phiếu Chính phủ trong nước, lãi suất và tỷ giá.
Đến nay Việt Nam đã ký 84 tỉ USD vốn ODA, riêng hai năm 2016-2017 đã ký vay hơn 9,19 tỉ USD, trong đó gần 6,8 tỉ USD là vay ODA, vay ưu đãi 2,2 tỉ USD và viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD.
Tổng vốn vay ODA và ưu đãi hai năm qua tập trung chủ yếu vào sáu nhóm ngân hàng phát triển, chiếm 91,4%, trong đó WB là 35%, JICA 33%, ADB 14,1%. Việt Nam cũng nhận khoản viện trợ gần 137,2 triệu USD từ EU.
Bộ này đánh giá, giai đoạn 2018-2020 Việt Nam vẫn cần tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương trước nhu cầu đầu tư 35 – 40% hoặc cao hơn để đạt tốc độ tăng trưởng 6 – 8% trong giai đoạn tới. Nhưng việc huy động và sử dụng cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý với quá trình phát triển của quốc gia, lãi suất vay có xu hướng tăng dần nên nếu không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy ODA và vay ưu đãi, khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với lãi vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.
Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã ký; lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Những lưu ý này trở nên cấp bách hơn khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã nêu lên những cảnh báo về vốn vay ODA từ Trung Quốc, trong đó có việc sử dụng không hiệu quả.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc), tuy nhiên điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.
- Xem thêm: Mỗi người dân gánh 33 triệu đồng nợ công
Vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4 – 1,2% tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0 – 2% tùy theo điều kiện đấu thầu, hay Ấn Độ 1,75% một năm…
Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và năm năm. Theo nhận định của Bộ này, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp và khả năng trả nợ. Trong thực tế, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ cần xem xét và cân nhắc đối với nguồn vốn ODA từ Trung Quốc.
Cảnh báo vốn vay từ Trung Quốc thời gian sắp tới hoàn toàn có cơ sở bởi hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ cũ và thực hiện chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Thời gian qua, tại Việt Nam một số dự án có liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc đã để lại tiếng xấu và hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế. Đơn cử 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương có nhiều dấu ấn của nhà thầu – chủ thầu của Trung Quốc như: Nhà máy Đạm Hà Bắc đầu tư giai đoạn 2, Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên…
Rõ nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), một dự án vừa đội nhiều vốn lại vừa chậm tiến độ gây nhiều phiền toái cho người dân thủ đô.
Liên quan đến sử dụng vốn ODA, dự án đường sắt đô thị đội vốn thêm 132.000 tỉ đồng được xem là nghiêm trọng hơn cả.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị.
Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỉ đồng lên 51.750 tỉ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỉ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến 1, đoạn Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.387 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng.
Dự án xây dựng tàu điện ngầm số 2 TP. Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành – Tham Lương vay từ nguồn của Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỉ đồng lên 47.603 tỉ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông, với vốn vay của Trung Quốc, tăng từ 8.769 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội vay của Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro, nghĩa là đội vốn 393 triệu euro, tương đương khoảng 10.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 của TP. Hồ Chí Minh và tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) của Hà Nội hiện cũng đang trong quá trình điều chỉnh dự án.
Theo tính toán, năm dự án đường sắt đô thị nói trên đội vốn tới 132.576 tỉ đồng.
Có bốn nguyên nhân chính dẫn tới việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án này. Thứ nhất là kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí. Đây là nguyên nhân chủ quan và phổ biến nhiều trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Thứ hai là do biến động giá của nguyên, nhiên vật liệu và tăng lương tối thiểu.
Thứ ba là tăng khối lượng xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiện nay, Việt Nam chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của dự án chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á nên không đạt được độ chính xác tin cậy dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Thứ tư là năng lực tư vấn kém, các giải pháp thiết kế, tính toán chưa chính xác, phí đầu tư các hạng mục tăng, dẫn tới tổng mức đầu tư tăng.