Do xưa kia thuộc về đế chế Ottoman nên Bosnia và Herzegovina ngày nay có khá nhiều công trình kiến trúc lâu đời, trong đó có những cây cầu mang phong cách tráng lệ thời Ottoman, được thể hiện bằng những hàng cột vĩ đại, những nhịp cuốn hình tròn hơi nhọn và thậm chí cả chiều dài bề thế, nhưng được chia ra cực kỳ hài hòa, cân đối.
Đa số đều xuất hiện vào giữa thế kỷ 15, thế kỷ 16 – thời kỳ hưng thịnh nhất của đế chế này, nhờ thương mại phát triển, kéo theo cầu đường mở mang và toàn bằng đá vững chãi. Gắn bó với đời sống dân gian suốt mấy trăm năm, thế nhưng đến thế kỷ 20, nhiều cây cầu đã bị phá hủy, gây nên niềm thương tiếc khôn nguôi và thúc đẩy người dân phải giữ gìn những cây cầu cũ còn tồn tại, đồng thời phục hồi những cái đã hư hỏng, trả lại chúng vẻ đẹp cổ kính và danh hiệu “bảo ngọc quốc gia”.
Tới Bosnia và Herzegovina, bạn không thể không ghé thăm cây cầu lịch sử Brisko Corda, còn gọi là Cầu Cổ hay cầu Stari Most, biểu tượng của thị trấn Mostar. Từ thế kỷ 16, Mostar đã được đặt tên theo cây cầu này, mà cụ thể là những người canh cầu – mostari, cho thấy nó phải to lớn, xinh đẹp hoặc ấn tượng thế nào, mới được dùng làm tên cho cả một vùng.
Kỳ thực, đây là một kiệt tác của kiến trúc Hồi giáo Balkan và được xây trong 9 năm, từ năm 1557 đến năm 1566, dưới thời Suleiman Đại đế, với công trình sư là Minar Hayruddin, học trò của kiến trúc sư trưởng Mimar Sinan, người đã tạo nên nhiều công trình đồ sộ, hùng vĩ nhất vương quốc. Cầu có hình lưng gù (vòng cung tròn ở đỉnh hơn nhô một chút), dài 30m, rộng 4m, cách mặt sông 24m, với hai đầu là hai tháp canh kiên cố: Tara ở phía Tây Nam và Halebija ở hướng Đông Bắc.
Tại đây, hàng ngày lính gác đi lại rất nghiêm ngặt, giám sát từng người qua lại. Thay vì có bệ cầu, nó có chân là những khối đá vôi lớn gắn vào vách núi trên sông, cũng là hẻm Neretva. Toàn bộ thân cầu cũng được làm từ đá, song rất mảnh.
- Xem thêm: 5 kiểu cầu độc đáo ấn tượng
Được thông làn năm 1567, công trình là cầu nhịp cuốn rộng nhất bấy giờ. Trước đó, tại nơi này cũng đã từng có một cây cầu treo bằng gỗ, dây xích, nhưng rất chòng chành, nguy hiểm. Để đẩy mạnh kinh tế, nhất là khi Mostar là một tiền đồn quan trọng của Ottoman, người ta đã quyết định dựng một cây cầu mới thật an toàn, rộng rãi, mà tổng chi phí lên tới 300.000 dram (đồng bạc).
Bù lại, Stari Most ngay lập tức đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo khu vực, trước tiên là một phong cảnh vô cùng nên thơ, như thể bước ra từ cổ tích, khi đường nét cong cong- mảnh khảnh của nó, như một nét vẽ lông mày, tưởng chừng có thể sụt đổ bất cứ lúc nào, vậy mà vẫn trường tồn trước gió bão, lũ lụt. Xung quanh còn có vô số nhà cửa lô xô với những mái ngói sặc sỡ, ẩn hiện trong cây cỏ hoặc soi bóng nước huyền ảo. Thứ hai là một con đường xuyên vực, nối kết giữa hai bờ sông vốn rất dữ dội, cheo leo, nhiều khi nước lên tới 40m, đi lại phải bằng thuyền.
Vào thế kỷ 17, khi đến đây, nhà thám hiểm Evliya Celebi đã ghi lại rằng cây cầu giống như một cầu vồng, bắc qua vách hiểm. Tôi, một nô lệ đáng thương của Đấng Allah, mặc dù đã đi qua 16 quốc gia, song chưa đâu gặp cảnh tượng cầu cao đến vậy, nhô từ núi đến núi, vươn lên trời. Không chỉ có đi lại đơn thuần, vào năm 1968, trên cầu hàng năm còn có cuộc thi nhảy cầu của nam sinh, để chứng tỏ sự trưởng thành từ độ cao 24m xuống nước. Vào mùa hè, tháng 7 – tháng 8, đều có hàng nghìn người, gồm người dân lẫn du khách tụ tập tại cầu, chờ đến lượt phi xuống.
Tuy nhiên, do nước sâu và lạnh, chỉ những ai có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, biết bơi lặn mới được phép tham gia. Cũng vì địa thế chiến lược, cả thành phố sau đó đã được định danh theo cầu, rồi nhờ nó cũng trở thành đô thị lớn thứ năm đất nước, trung tâm của tổng Herzegovina-Neretva trong liên bang Bosnia và Herzegovina. Đứng vững suốt 427 năm, thì tự dưng cây cầu bị đánh phá vào ngày mồng 9.11.1993, bởi lực lượng bán quân sự trong chiến tranh Croatia-Bosnia.
Giải thích điều này, quân đội cho rằng đó là một kế hoạch chặn đường của đối phương, nhưng người dân đã kịch liệt phản đối vì Stari Most là di sản văn hóa lâu đời, tượng trưng cho sự kiên trung, sức mạnh, khối đại đoàn kết và thịnh vượng của thành phố. Người ta đã đếm được 60 quả đạn bắn vào công trình trước khi nó sụp hẳn. Sau chiến tranh, vào năm 2004, chính quyền đã quyết định tái thiết cây cầu như cũ, với sự chung tay của WB, UNESCO, quỹ văn hóa Aga Khan… và bằng hơn 15,5 triệu dollar.
Hiện giờ, cây cầu cũng đã được công nhận là Di sản thế giới. Vì nó quá nổi bật nên tới cửa ngõ Mostar, bạn đã thấy nó, và nếu may mắn còn gặp cảnh nhảy cầu vui chơi thường nhật, mà muốn xem kỹ thì phải trả tiền cho các thợ lặn chuyên nghiệp trình diễn với giá 25 euro/lần.
Ấn tượng không kém là cây cầu đá cổ- Stara Cuprija của thị trấn Konjic, cũng trên sông Neretva, và có đến sáu nhịp, ra đời năm 1683 và bị phá hủy trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai. Tọa lạc trên đôi bờ Neretva, nối hai bên Konjic, nó cũng là biểu tượng của thành phố này, hơn thế còn là nơi Bosnia và Herzegovia gặp nhau.
Cầu dài đến 101,8m, rộng 5,25m, bằng đá tufa, gồm sáu vòm, năm trụ nhô lên trên khỏi mặt sông. Kiến trúc sư của công trình là Haseq Aliaga người Blagaj, cũng có sách vở chép rằng của Ahmet-Pasa Sokolovic. Dù của ai, đây cũng là một tác phẩm tuyệt mỹ ở thời sultan Mehmed IV và thế kỷ 17, thu hút hàng nghìn du khách thập phương.
Giacomo Luccari là người đầu tiên đã giới thiệu nó với thế giới năm 1790, kế tiếp là ngài Arthur John Evans năm 1875… Sừng sững suốt mấy thế kỷ, đột nhiên vào ngày mồng 3.3.1945, nó đã bị quân Đức phá hủy khi tháo chạy khỏi Konjic. Những quả bộc phá đã làm bật tung thân cầu, song may thay các trụ cột hãy còn nguyên vẹn, và phải 60 năm sau, chính quyền mới cho tu sửa lại nó với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, và số tiền 5,3 triệu BAM. 2.408 khối đá, hơn 10 tấn chì, gần năm tấn vít thép cùng hàng tấn vôi vữa bằng cát, vôi, gạch vụn đã được dùng để dựng cầu.
Mọi thứ từ kích cỡ, hình dáng đến chất liệu đều đảm bảo như xưa. Ngày khánh thành, 16.6.2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tới dự, cùng đó là quân nhạc Mehteran, một ban nhạc quân đội lâu đời nhất thế giới, và hơn 1.500 nghệ sĩ múa hát tưng bừng bên một bản vẽ cổ kim của cây cầu.
Xuất hiện năm 1574 mang tên cầu Arslanagica, đến năm 1993 lại đổi thành Perovic, cây cầu đá hai nhịp to, hai nhịp nhỏ và kép của thị trấn Trebinje có lẽ là cầu duy nhất của nước này cùng lúc được gọi bằng hai tên. Chưa hết, đây còn là một công trình thú vị được trục vớt và tái thiết công phu. Nằm cách phía Bắc Trebinje 5km, cầu lưng đôi này là tác phẩm của kiến trúc sư Mehmed-Pasa Sokolovic, và là một công trình tiêu biểu của vùng Balkan thế kỷ 16.
- Xem thêm: Hoành tráng long xà kiều
Nó được ông xây dựng để tưởng nhớ người con trai đã tử trận trong cuộc chiến với Venice, và về giao thông thì nối kết miền Trung Bosnia với thị trấn Novi – hôm nay là Herceg Novi (Montenegro). Người ta cũng dùng nó để vận chuyển muối và nhiều hàng hóa cần thiết. Vào năm 1687, quân Venice đã chiếm Novi và đẩy người Hồi giáo ở Novi phải chạy về Trebinje.
Nhiều người đã trụ lại đây, trong đó có Arslan- aga, một địa chủ được giao trông giữ cây cầu, và sau này còn thu phí, cho nó tên gọi cầu Arslanagica; toàn bộ làng mạc quanh cầu cũng mang tên anh. Cuối Chiến tranh thế giới II, đặc biệt là năm 1944, nó đã bị oanh tạc. Vụ nổ đã làm bay cánh trái và sụp đổ hơn 8m đường cầu, về sau phải thay bằng bê tông. Đến năm 1965, vì cần một đập thủy điện (hồ nhân tạo Gorica), chính quyền cũng đã cho nước sông Trebisnjica nhấn chìm cây cầu.
Công trình phải nằm đó suốt một năm, rồi được tháo rời, đưa lên nơi ở mới, xây lại. Vì những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục to lớn của cầu Arslanagica, viện bảo tồn đã yêu cầu chính quyền đưa nó ra khỏi hồ và chuyển đến thượng nguồn, giữa Gradina bên phải sông và Police bờ trái sông Trebisnjica. Quá trình tái thiết kéo dài tới sáu năm, còn hơn cả thời gian thi công cây cầu xưa vì phải phục chế nguyên dạng.
Về phần ngôi làng bên cầu đã bị đánh chìm gần hết, chỉ còn một số mái ngói nhô khỏi mặt nước. Vào năm 1993, nó đã đổi tên thành cầu Perovic, song vì quen thuộc nên tên cũ vẫn được giữ. Nói chung, cầu Arslanagica/ Perovic dài 92,25m, rộng 3,6m, cao 15m, gồm hai vòm lớn, năm vòm nhỏ, ba cột trụ mà ở giữa đã từng có một vọng gác rất uy vũ.
Chỉ có 3 cây cầu được vào danh sách Di sản thế giới tại Bosnia và Herzegovia thì cầu Mehmed Pasa Sokolovic đứng ở vị trí đầu tiên do nó không chỉ là một kỳ quan kỹ thuật, mà còn gắn bó mật thiết cùng đời sống dân gian mỗi ngày với cả nghìn lượt người qua lại trên 180m thân, 11 nhịp cầu trên sông Drina ở thị trấn Visegrad. Ra đời năm 1577, mang tên người cho xây nó, công trình được chính Mimar Sinan- kiến trúc sư trưởng của vương quốc giám sát, vì vậy cực đẹp, lôi cuốn. Nhờ nó, nhà văn Nam Tư Ivo Andric, tác giả của cuốn tiểu thuyết Cây cầu trên sông Drina (1945) đã dành được giải Nobel Văn học năm 1961. Và cây cầu vào năm 2007 cũng được ghi danh Di sản UNESCO.
Tọa lạc ở phía Đông đất nước, cũng theo phong cách Đông phương, gồm 11 vòm đá cách nhau 11 đến 15m cùng một con dốc thoai thoải, đây là một kiệt tác thời Ottoman và thời Phục hưng của Ý. Nó được làm chủ yếu bằng đá tuffa, briga lấy từ suối khoáng Visegrad, với kích thước thực tế là dài 179,5m, rộng 6,3m, cao 15,4m tựa như một cây lược cài vào mái tóc dòng sông bồng bềnh. Để hoàn tất công trình, Mimar Sinan đã phải mất sáu năm đôn đốc, và về sau địa phương cũng phải nhiều lần tôn tạo nhằm giữ vững dáng vẻ kiêu hãnh của cầu vào các năm 1664, 1875, 1911, 1940 và 1952.
Tuy nhiên, trong Chiến tranh thế giới II, ba nhịp cuốn đã bị phá hỏng, mà để khôi phục cần có 3,5 triệu euro. Trước đây, ở trên cầu cũng đã từng mọc một ngôi nhà gỗ (điếm canh) thu phí qua lại. Song hiện giờ ngôi nhà này đã không còn, nên việc đi lại hoàn toàn thông suốt và liên tục có đông nghịt người đứng trên cầu ngắm cảnh, ban ngày đã đẹp, ban đêm còn trữ tình hơn vì được chiếu ánh đèn màu. Ai cũng ấn tượng vì hình ảnh cây cầu kiên cường và người dân quả cảm trong đại chiến thế giới, mà đến xem bằng được các chứng tích hào hùng của một thời đã qua.
Tuy nhỏ, song ra trước làm mẫu cho Stari Most, và không bị tác hại của chiến tranh nhưng lại chịu ảnh hưởng của thiên tai là cây cầu Kriva Cuprija ở Mostar. Băng qua hẻm Radobolja bên bờ phải Neretva, với một vòm cung rộng 8,56m, cao 4,15m, công trình xuất hiện năm 1558 giống hệt như Stari Most, chỉ có điều thành cầu được làm bằng đá vụn, mặt cầu cũng được lát sỏi như các lối đi khác trong ngõ xóm, và được tin để thử xem độ rắn rỏi ra sao trước thời tiết.
Vì thế, khi Stari Most bị phá hủy, mọi người đều tập trung tại đây để thương nhớ. Vào năm 2000, do một trận lũ quét, nó cũng bị sụp đổ, và một năm sau thì sống dậy nhờ tài trợ của Công tước Luxembourg. Dù xinh xắn và ở trên một lạch sông, nhưng cây cầu của kiến trúc sư Cejvan Ketoda này vẫn không thua kém Stari Most cách đó 50 km, vì gói gọn nhiều phong cảnh diễm lệ. Thay vì có những con dốc dài tới cầu, nó có những bậc thang ở đôi bên để đi lên, và đặc biệt là nhiều khách sạn, nhà hàng, quán rượu ngay sát cạnh cũng chung phong cách vảy sần như khảm.