Khi tranh luận với bạn đời, tim của bạn có thường đập mạnh và tâm trạng rối bời?
Theo chia sẻ của hai chuyên gia tâm lý về các mối quan hệ, tiến sĩ Judith Wright và Bob Wright, đằng sau những vấn đề nhỏ thường dẫn đến tranh luận giữa các cặp vợ chồng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề khác lớn hơn, nhưng người trong cuộc ít khi nhận biết.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Chicago, Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách “Heat of the Fight” (tạm dịch: Thực chất của những cuộc tranh luận) có đưa ra một số tình huống phổ biến như sau.
Nếu vợ chồng không ngừng đổ lỗi cho nhau chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như một trong hai người không thể thu xếp công việc để tận hưởng kỳ nghỉ vào dịp cuối tuần hay cô/anh ấy đi làm về muộn khiến bạn lỡ hẹn bữa tiệc họp mặt với bạn bè, vấn đề sẽ khó được giải quyết một cách êm thắm.
Hơn nữa, điều này cho thấy mối quan hệ của bạn chưa đủ chín chắn để cả hai có thể ngồi lại, nói rõ trách nhiệm thuộc về ai. Không phải lúc nào bạn đời cũng có thể làm bạn hài lòng hay đáp ứng mọi đòi hỏi của bạn theo cách hoàn hảo nhất, bởi điều ấy là viển vông.
Thay vì đổ trách nhiệm cho nhau khi tranh luận, hãy tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra, hai người có cần tranh luận “tay đôi” với nhau hay không, làm cách nào thay đổi điều đó ngay từ bây giờ và trong thời gian tới.
- Xem thêm: Chuyện… “người ta thường tình”
Tranh luận về tiền bạc có thể “tấn công” cuộc sống vợ chồng theo nhiều góc độ tiêu cực khác nhau. Mất an toàn về tài chính nói lên sự thiếu chắc chắn của mối quan hệ.
Trong cuộc sống vợ chồng, tài chính luôn quan trọng, tượng trưng cho quyền lực và tình yêu. Việc sở hữu nguồn tài chính dồi dào đem lại cho bạn cảm giác an toàn, ngược lại, thiếu thốn thường dẫn đến mâu thuẫn, tranh luận. Dù vậy, vợ chồng có chung suy nghĩ về cách quản lý ngân sách cũng giúp giảm bớt mâu thuẫn và thâm hụt về tài chính.
Còn tranh luận về những công việc trong gia đình cho thấy một người chưa đánh giá đúng những công sức, đóng góp của người kia. Chẳng hạn như khi người chồng thiếu ngăn nắp và không bao giờ phụ giúp công việc nhà với vợ.
Những cuộc tranh chấp mang tính quyền lực và kiểm soát này thường xảy ra trong một mối quan hệ, khi mỗi người cố gắng thể hiện ưu thế của bản thân. Cách tốt nhất để hóa giải vấn đề là nói về những nhu cầu bạn cảm thấy cần thiết và yêu cầu bạn đời giúp đỡ.
Các cuộc tranh luận liên quan đến sự mật thiết thể chất thường hiếm khi xảy ra khi sống chung, nhưng những bất đồng ý kiến giữa vợ chồng có thể “bào mòn” lòng tự tin của cả hai. Hơn nữa, việc không được bạn đời đáp ứng có thể gây ra tâm lý bất ổn trong đời sống tình dục vợ chồng. Vậy nên, hãy thể hiện tình cảm trìu mến dành cho bạn đời vào bất cứ lúc nào có thể, thay vì xem tình dục là cách để thể hiện sự mật thiết vợ chồng.
Theo ghi nhận của các chuyên gia tâm lý hôn nhân – gia đình, trong mười năm đầu chung sống, những cuộc tranh luận là nền tảng để duy trì mối quan hệ lâu dài và bền vững, giúp vợ chồng có thể trở thành một “đội” hoàn hảo.
Tranh luận được chấp nhận khi bạn thực sự biết mình muốn và đang tranh luận về điều gì, củng cố mối quan hệ vợ chồng, hoàn thiện bản thân của mỗi người. Đây là một trong những “công cụ” hiệu quả nhất để vợ chồng thấu hiểu nhau, cùng tìm cách giải quyết vấn đề cả hai quan tâm, mong muốn từ tận đáy lòng.