Con người là tập hợp của những thói quen. Có thói quen tốt giúp chúng ta thành công, đạt được mục tiêu đề ra; ngược lại, thói quen xấu sẽ ngăn cản chúng ta nhanh chóng đến với thành quả. Quá trình thực hiện mục tiêu tài chính của chúng ta cũng sẽ dễ dàng hơn nếu có thêm những thói quen tốt. Bốn thói quen từ những người thành công sau đây hy vọng có thể giúp bạn tiết kiệm được tiền bạc, thời gian lẫn công sức trong việc thực hiện mục tiêu tài chính của mình.
“Hẹn hò” với những người bạn ngưỡng mộ
Andrew Carnegie, doanh nhân người Mỹ gốc Scotland, người bắt đầu hành trình kiếm tìm sự giàu có từ số không và kết thúc hành trình với vị trí là người giàu thứ ba thế giới (thời điểm ấy), được mệnh danh là ông vua thép của Mỹ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Ông có một thói quen khá thú vị, vẫn được nhiều triệu phú ngày nay áp dụng, đó là “hẹn hò” với những người chúng ta ngưỡng mộ, đặc biệt là những người thông thái trong chuyện tiền bạc.
“Thật đơn giản, khi bạn được bao quanh bởi những người thành công, tài năng và khôn ngoan trong chuyện tiền bạc, bạn rồi cũng sẽ giống họ. Bạn sẽ học được cách họ nhìn nhận về tiền bạc, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư… Điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều”.
Tuy nhiên, bởi trên đời sẽ có rất nhiều người giàu có, với nhiều cách thức và câu chuyện khác nhau, không phải trường hợp nào cũng khiến bạn ngưỡng mộ. Vì thế, theo Andrew, điều quan trọng là bạn chỉ nên kết giao với những người mình thực sự ngưỡng mộ, những người bạn thực sự muốn trở thành.
Thảo luận về tiền bạc với bạn đời
David Bach, tác giả quyển Smart Couples Finish Rich (tạm dịch: Những cặp vợ chồng thông minh sẽ kết thúc bằng sự giàu có), lại xem việc hai vợ chồng thảo luận thẳng thắn các vấn đề liên quan đến tài chính là một trong những thói quen tài chính quan trọng nhất mà chúng ta, khi có gia đình, thường hay quên hoặc không nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của nó.
“Nếu bạn đã có gia đình, một quy luật bất thành văn là bạn phải thảo luận các vấn đề về chi tiêu, tiền bạc, khó khăn trong kế hoạch tài chính… của bạn và của gia đình với bạn đời của mình. Trong gia đình, có thể bạn là trụ cột, quyết định mọi thứ quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ giải quyết mọi thứ một mình, không cần nghe lời khuyên hay không thảo luận với ai. Hãy tiết kiệm thời gian, công sức cho cả hai. Nên chia sẻ, trao đổi, tranh luận để cùng tìm ra giải pháp.
Nếu hai người không thể ngồi lại với nhau để giải quết các vấn đề tài chính, sớm hay muộn họ cũng sẽ đi theo hai hướng khác nhau, hoặc tệ hơn, theo hai đường ngược nhau. Và rồi, chẳng ai đạt được mục tiêu, chính là sự tự do tài chính cho cả gia đình”.
Sử dụng tiền mặt khi mua sắm
Theo Ramit Sethi, tác giả quyển I Will Teach You To Be Rich (tạm dịch: Tôi sẽ dạy bạn cách trở nên giàu có), khi mua sắm, bạn hãy ưu tiên sử dụng tiền mặt thay vì dùng thẻ tín dụng, thẻ ATM…
Trong một nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của người Mỹ, được Công ty Dunn & Bradstreet thực hiện, trung bình người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn 12% – 18% khi sử dụng thẻ tín dụng hoặc những công cụ khác không phải là tiền mặt. Cũng trong nghiên cứu này, chỉ tính riêng hệ thống đặt hàng tại chuỗi cửa hàng thuộc thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s, khi chỉ tiếp nhận thanh toán bằng tiền mặt, người tiêu dùng sẽ chi tiêu trung bình trong mức 4,5 USD cho một đơn hàng, còn khi họ bắt đầu tiếp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, giá trị các đơn hàng lập tức tăng lên, dao động trong khoảng 7 USD.
Có chuyện này là vì việc sử dụng tiền mặt để mua sắm không chỉ giúp bạn tự giới hạn chi tiêu cho mình mà còn giúp bạn tránh sự cám dỗ từ những chương trình khuyến mãi, ưu đãi… được đơn vị phát hành thẻ hay các cửa hàng, trung tâm mua sắm liên kết với các đơn vị này tung ra mỗi năm.
Vậy nên, hãy tập thói quen lên danh sách hoặc mường tượng những gì mình sẽ mua, để chuẩn bị một khoản tiền mặt cụ thể cho việc mua sắm. Trừ khi đó là món hàng đắt giá và tình trạng an ninh đáng lo ngại, bạn mới nên dùng thẻ tín dụng hoặc các hình thức khác không phải tiền mặt.
Ghi nhận và xem lại những gì đã chi tiêu
“Hãy viết ra các khoản chi tiêu của bạn, chọn một mốc thời gian nhất định để nhìn lại và phân tích”. Đây là thói quen của Jeremy Jacobson và Winnie Tseng, cặp đôi đã nghỉ hưu ở độ tuổi 30 với hơn 1 triệu USD trong tài khoản.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng, việc ghi nhận chi tiêu và xem lại chúng là khá… vớ vẩn. Bởi với khoản chi tiêu tương đối ít hằng tháng, chúng tôi hoàn toàn có thể nhẩm tính trong đầu! Thế nhưng khi bắt đầu theo dõi những khoản chi tiêu và ghi lại cụ thể, chúng tôi mới có cơ hội nhận ra mình đã phung phí, lặp đi lặp lại vô số lỗi chi tiêu ngớ ngẩn đến thế nào. Vì vậy, hãy tập làm quen với việc ghi lại tất cả những gì bạn đã chi tiêu hằng tháng, bằng giấy bút hay bằng bảng tính exel đều được. Chúng tôi đảm bảo, khi nhìn lại chúng, bạn sẽ tìm thấy vài khoản chi tiêu có thể bỏ đi mà chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống cả”.
- Tuấn Thành