Trong khung nền xung quanh mọi thứ đều chưa đâu vào đâu, tôi đã có rất nhiều tấm hình chụp với nhà cũ. Đó là một cô bé với chiếc váy trắng. Xung quanh nào là xe, là đồ đạc. Nền đất xi măng ở nhà cũ, chưa lát gạch bông. Ở nơi đó những trò chơi trẻ con và cả những con búp bê được mặc váy. Nền cũ mát lạnh.
Bức ảnh thôi thúc về một căn nhà xưa hiện lên trong kí ức thật đẹp. Lũ trẻ con ngày nào túm tụm bên nhau từng buổi sáng ở nhà tôi, rủ nhau tìm vào những trò chơi mới. Mẹ thường phải đóng cửa đi chợ, để chúng tôi chơi với nhau trong nhà. Lúc này dường như chỉ một nền đất thôi cũng đã mang lại bao nhiêu điều kì diệu. Ở bậc cửa ấy chúng tôi đã ngóng ra sân có cây trứng cá và sân còn lởm chởm đất đá. Trong những trưa hè đã đẫy giấc, tỉnh dậy, uống một hớp nước mát rồi bắt đầu ra nhà sau lấy chiếc xe đạp nhỏ mà tập đạp. Bên lề nhà, cả bọn xúm nhau với một chiếc xe mini, bụi tít mù.
Nhà cũ còn là cái cây. Thuở mới lớn lên nhìn những nhành cây trứng cá và những trái nhỏ ngon ngọt, lòng vô tình dậy sóng những yêu thương, thích cây thương hoa. Từ đó cứ nhìn đâu đó quanh quất, thấy cây nào nho nhỏ tôi liền mang vể trồng, mỗi chiều ngóng từ cửa sổ ra bao yêu dấu.
Không ai quên được những mùa mưa ở nhà cũ. Những mái tôn mục nát vì cái nắng hè đã mang tới cơn mưa với bao nhiêu là chỗ hổng. Và rồi xô chậu, và rồi những lần bão lớn, cúp điện cả nhà ngồi cùng nhau trên chiếc giường nhỏ, radio báo bão từng đợt, con cá mắm mặn ăn suốt mùa mưa.
Nhà cũ có nhiều phòng nhưng không liền mạch, nó cứ chắp nối dần qua năm tháng và ba mẹ tôi đã bao nhiêu lần sửa nhà. Mỗi lần sửa là một lần tôi được sống trong một cuộc phiêu lưu, bên nền nhà xi măng, những miếng lót chống trầy xước nền nhà, hoặc nép mình ở một góc nào đó. Tất cả đối với trẻ con luôn luôn là một sự biến đổi, một háo hức, một điều gì đấy hứa hẹn rất vui nhộn. Mặc dù qua những đợt sửa nhà, lòng đứa trẻ ngày ấy lại chứa bao trăn trở. Tôi luyến tiếc những ô cửa sổ cũ, tôi thương nhớ những khoảng trời mộng nhỏ nhoi nắng gắt tràn vào mà vì hồi ấy chưa đủ điều kiện nên nhà cửa còn sơ sài, trống trải. Vậy mà tôi đều thương đều nhớ biết bao. Góc nhỏ nào tôi thường ngồi tựa lưng tranh thủ đọc sách sau bữa cơm trưa, góc nhỏ nào nhìn lên bầu trời tôi mường tượng ra những đám mây nhiều hình thù kì quái. Những lần chạy nhảy từ nhà trên xuống nhà dưới, tôi đều vô tư mà nghĩ rằng lâu lâu lại sửa nhà một lần thật là vui mà đứa trẻ ngày ấy đâu biết rằng dường như sau mỗi lần sang sửa, hơi thở của ba mẹ tôi cũng trĩu nặng suy nghĩ.
- Xem thêm: Những căn nhà xưa
Tôi còn nhớ trước khi sửa căn nhà cũ nhiều năm gắn bó, tôi đã mượn điện thoại của ba để quay phim lại. Ô cửa tò vò làm tổ. Căn bếp cách nhà chính một khoảng chạy mưa rào. Và nắng tràn ngập. Căn nhà được làm nên từ những căn phòng lớn và cũng cất giấu tâm hồn từ những góc nho nhỏ thân quen. Có ai đó đã nói, vì một lần nhớ người mẹ đã mất nên đã trốn trong một góc thật kín trong căn nhà, trùm mền lại, đến khi cảm thấy thật an toàn rồi mới bắt đầu khóc.
Ai cũng có những góc để khóc một mình trong tuổi thơ đầy niềm vui nỗi buồn. Những nỗi niềm đó nếu có thể quay phim hay chụp ảnh được có lẽ người ta cũng sẽ không ngần ngại tốn kém để nhìn lại những tháng ngày trẻ dại của mình. Và bạn, có bao giờ sống lại quá nhiều điều từ một thời tuổi nhỏ trong căn nhà cũ nhiều yêu dấu qua một bức ảnh như của tôi không. Nhà cũ, chỉ cần gọi tên lên thôi là đã thấy thương rồi.
***
Chẳng có loài hoa nào trải dài trên đất nước này mà nhiều ưu thế hơn phượng khi xuất hiện trên khắp trường học, đó là một mối duyên thật vững bền. Tôi hẳn chắc rằng tuổi học trò làm sao mà thiếu nổi kí ức về một màu bông phượng. Nhưng làm sao trong cuộc đời đủ lâu để người ta thấy rằng bông phượng của tuổi mười tám là bông phượng rực màu nhất.
Đó là khi ta đã bước qua một thời nhỏ dại nhìn hoa chơi đùa rồi ngắm hoa, ép hoa hay cùng lắm là hẹn người bạn của mình dưới chùm hoa nào đó. Mùa hè của tuổi nhỏ bên bông phượng thường là một mùa hè ít nhức nhối, ít nỗi lòng. Và bởi vậy người ta thường dễ quên sự xuất hiện của bông phượng thời cấp hai như một phông nền không thể nào rực rỡ hơn được nữa.
Bông phượng ngoài phố cũng nhiều lắm, nhất là vào mùa. Bông phượng nhắc ai ngang qua rằng mùa hè đã đến bằng một cái rung rinh của làn gió nhẹ, cái uyển chuyển đưa mình làm người bớt mệt nhọc khi dừng lại giữa chốn đông người. Hình như đâu đó chỉ cần người ta nhớ ra, à phượng đến là mùa thi cũng đến, những bậc phụ huynh bồn chồn xót ruột trong lòng, và phượng đến cũng là một kí ức đến. Ai tròng lòng không sống dậy ít nhiều nỗi nhớ.
Bông phượng cuối cùng của thời cắp sách có lẽ là ở giảng đường đại học, cánh phượng này là cánh phượng khiến người ta thấy lòng chơi vơi và rộn rã. Những hành trang cho bước đầu tuổi trẻ cũng đã hoàn tất và tới lúc chúng ta lên đường. Rời xa bạn bè ư, thầy cô ư, chỉ là một lời nói để bắt đầu dấn thân vào hành trình mới mà bông phượng giờ đây chỉ còn là kỉ niệm ngày nào tản mạn từ khung cửa sinh viên nhìn ra bầu trời và nghĩ tháng ngày tới sẽ đi về đâu.
Ấy vậy mà tôi lại nhớ tới bông phượng của tuổi mười tám. Tuổi mười tám của tôi bông phượng ở đâu nhỉ. Chúng tôi không có thì giờ nhìn bông phượng. Cũng chẳng lãng mạn đến mức ngắm suốt ngày. Vì mùa thi ập đến. Vì mai này chia xa các bạn. Áo trắng đến trường rồi mai cũng chỉ dừng lại sau cánh cổng cấp ba. Vậy mà mùa hoa năm ấy lại nhức nhối và gợi nhớ gợi thương hơn bao giờ hết. Phượng à, chúng mình có còn gặp nhau nữa, lời nói thầm chất chứa cái nhìn của một người vừa muốn gần phượng vừa muốn rời xa phượng. Mùa thi này sẽ như thế nào. Sẽ qua nhanh thôi chứ. Ngày chia tay cứ thế mà đến thật nhanh và cánh phượng nào đọng trong khoé mắt bắt đầu biết cay của tuổi trẻ. Dưới cành phượng là tà áo trắng và đôi bàn tay biết nâng niu từng nhánh hoa lần đầu như thẹn thùng e ngại.
- Xem thêm: Mưa ngủ trong hồn
Trong cái nhìn ấy, phượng còn của riêng một thời ta còn mới vừa biết và tập yêu thương, riêng chỉ một người. Trên con đường đến trường của tuổi mười tám, đôi khi sánh bước bên nhau nói một câu vu vơ, phượng mùa này đẹp nhỉ. Trong câu nói đó có một nội tâm sâu thẳm. Uớc gì chúng mình giữ nhau ở lại giây phút này, mãi mãi.
Ngày cuối cùng đến lớp, có lẽ sẽ chẳng ai chê cười cái đứa học trò nào còn bẻ trộm nhánh phượng để trước rổ xe. Chở phượng là chở cả một mùa hè nung nấu. Bên phượng là bên cả những ánh mắt của bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ. Cuộc đời người ta rồi sẽ đi qua bao nhiêu loài hoa, cũng sẽ có những bông hoa khiến mình khao khát mà chinh phục, có những bông hoa khiến lòng mê đắm, thế nhưng bông hoa bền bỉ nhất, dai dẳng nhất, vô tình mà hữu ý nhất vẫn chỉ là bông phượng.
Bông phượng tuổi mười tám vì thế mà chẳng phải hoá thành người tình đầu thơ mộng của áo trắng hay sao. Hỡi những tháng năm mười tám, có phải bông phượng là dành riêng cho người…