Những ngày vừa qua, khán giả TP.HCM đã có dịp thưởng thức hai đêm nhạc chất lượng, đó là chương trình Cung đàn xưa và Hanoi Duo. Cung đàn xưa là đêm nhạc gồm các ca khúc của hai nhạc sĩ lớn Văn Cao và Phạm Duy, còn Hanoi Duo là tour diễn của hai nhạc sĩ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang ở Hà Nội, Huế và TP.HCM. Cả hai đêm nhạc đều làm khán giả thỏa mãn vì những cảm xúc mà các nghệ sĩ đã đem đến cho mình.
Đêm nhạc Cung đàn xưa (đêm 25-2) được biểu diễn trang trọng ở Nhà hát Hòa Bình. Các điểm nhấn có thể kể đến của chương trình như là phần hòa âm của các nhạc sĩ đã thể hiện được năng lực của mình trong làng nhạc Việt: Võ Thiện Thanh, Việt Anh, Đức Trí, Hoài Sa; phần đối thoại quá duyên dáng và hóm hỉnh của hai nhạc sĩ Văn Cao – Phạm Duy; phần trình diễn tuyệt vời của ca sĩ Nguyên Thảo; tiết mục “sang” nhất là cả bốn nhạc sĩ đệm đàn cho ca sĩ Tuấn Ngọc trình diễn ca khúc Mùa thu chết. Những con người tài năng không cần tìm cách thể hiện mình thì nội lực của họ vẫn cứ tỏa ra mà đi đến với khán giả. Cho nên không lạ gì khi trong đêm nhạc đó, hai nhạc sĩ Văn Cao – Phạm Duy không hiện hữu bằng con người thật mà vẫn nhận được những tràng pháo tay không dứt. Khán giả bật cười thú vị vì những đối đáp trên màn hình của hai ông nhạc sĩ lão làng đầy tài hoa và tinh quái. Hai ông nhạc sĩ ở trên cao hẳn đã mỉm cười vì phần âm nhạc mình để lại cho đời đã được trân trọng. Các nhạc sĩ cũng đã trình bày cho khán giả thấy những bản phối đầy công phu: mới mẻ và táo bạo, đôi khi là phá cách, ví dụ như khán giả phải quên đi những âm thanh bình yên quen thuộc trước đó được phối cho bài hát Mùa xuân đầu tiên hay Còn chút gì để nhớ mà đến với những giai điệu mạnh mẽ, xáo trộn của các nhạc sĩ. Các ca sĩ cũng đã thể hiện hết mình trong từng tiết mục. Ca sĩ Nguyên Thảo chưa từng xuất hiện ồn ào trong bất cứ chương trình âm nhạc nào nhưng gần như lần nào chị cũng thể hiện trọn vẹn tình cảm của mình với tác phẩm. Lần này, Nguyên Thảo vừa liêu trai vừa mạnh mẽ đầy năng lượng với các nhạc phẩm Cung đàn xưa, Thiên Thai. Ca sĩ Tuấn Ngọc tuy không còn ở đỉnh cao, đôi lần bị hụt hơi, nhưng vẫn được khán giả nhiệt tình vỗ tay. Thế mới thấy, trong âm nhạc không phải là kỹ thuật mà là cái tình khi thể hiện tác phẩm mới là điều dễ chạm đến trái tim người nghe. Đêm nhạc Cung đàn xưa khép lại bằng tiết mục Tình ca do bốn ca sĩ Tuấn Ngọc, Tấn Minh, Hồ Trung Dũng, Đức Tuấn đong đầy cảm xúc cho khán giả trên suốt đoạn đường về nhà.
Đêm 1-3, chương trình âm nhạc Hanoi Duo ở TP.HCM được diễn ra tại khán phòng IDECAF và khán giả đã không chịu về khi tiết mục cuối cùng khép lại. Trước sự “vòi vĩnh” của khán giả, các nghệ sĩ đã nán lại để “đãi” khán giả thêm một tiết mục nữa. Lý ngựa ô, tiết mục cuối cùng đã làm nức lòng khán giả, tất cả đều đứng lên vỗ tay không ngớt làm cho các nghệ sĩ gặp khó khăn khi chào tạm biệt khán giả. Hai nhạc sĩ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang xứng đáng nhận được những tình cảm như vậy, bởi vì tài năng và tấm lòng dành cho âm nhạc Việt Nam của họ. Nguyên Lê – nhạc sĩ người Pháp gốc Việt nổi tiếng với cây đàn guitar và dòng nhạc jazz mà ông theo đuổi, còn Ngô Hồng Quang từ lúc mới gắn bó với âm nhạc đến giờ vẫn say sưa với các nhạc cụ dân tộc. Cả hai cùng gặp nhau trong ý tưởng kết hợp giữa các nhạc cụ, âm nhạc truyền thống và hiện đại, và đã trở thành cặp bài trùng trong rất nhiều sô diễn. Chính vì điều này, khán giả đã gặp những giai điệu vừa lạ vừa quen trong đêm Hanoi Duo. Khán giả ngỡ ngàng với Chiếc khăn Piêu, Lý ngựa ô vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa dân tộc vừa “quốc tế” với bộ gõ, đàn nhị, đàn tranh, guitar, sáo… Sức lan tỏa của âm nhạc được khán giả cảm nhận rõ ràng trong đêm diễn đó – các nghệ sĩ lan tỏa đến nhau, nghệ sĩ lan tỏa đến khán giả. Trong mỗi tiết mục đều có lúc hòa tấu và lúc độc tấu, khi hòa tấu các nghệ sĩ nâng đỡ tiếng đàn của nhau và khi độc tấu họ hăng say thể hiện mình khiến khán giả lúc mải mê nhịp chân theo tiếng nhạc, lúc thì nín thở cùng bộ gõ. Tài năng của bộ đôi Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang thì đã rõ và qua các “sô” diễn trước kia cũng như tour diễn lần này, công chúng thấy được sự trân trọng của hai nhạc sĩ đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng như với các loại nhạc cụ dân tộc. Họ luôn ấp ủ việc làm mới những điệu quan họ, những bài hát xẩm, kết hợp nhạc cụ dân tộc với các nhạc cụ khác trên thế giới… để âm nhạc Việt Nam dễ dàng đến với âm nhạc thế giới trong tư thế bình đẳng, một phần là để thỏa mãn sự sáng tạo của họ – những bộ óc lúc nào cũng muốn tìm kiếm cái mới. Một đêm nhạc mà nghệ sĩ thì tràn đầy cảm hứng, khán giả thỏa mãn toàn phần. Chỉ tiếc một điều là khán phòng của IDECAF quá bé cho buổi diễn này, âm nhạc ấy phải được vang lên trong khán phòng đẹp hơn, rộng hơn và đến với nhiều khán giả hơn.
Những đêm diễn như vậy luôn được khán giả chờ đón nhưng vẫn không thể diễn ra thường xuyên. Các nghệ sĩ và các nhà tổ chức luôn có cách và luôn có tấm lòng để những đêm nhạc chất lượng đến với khán giả nhưng sẽ chạnh lòng khi biết kinh phí tổ chức luôn là bài toán nghiệt ngã gây khó khăn cho họ. Bà Phan Mộng Thúy – Giám đốc Phương Nam Phim – cho biết: “Với những chương trình ca nhạc được đầu tư lớn như Cung đàn xưa thì dù có bán hết vé cũng không thể lấy thu bù chi, nếu không có tài trợ. Những năm gần đây, Phương Nam Phim phải tự làm lấy những chương trình vì các nhãn hàng từng tài trợ cho chúng tôi bây giờ cũng đã thay đổi định hướng kinh doanh, PR nên họ không dành ngân sách cho các khoản này nữa”. Còn chị Trần Thị Như Nguyện – phụ trách truyền thông của IDECAF – cũng cho biết: “IDECAF chỉ xin được những khoản tài trợ nhỏ như khán phòng, còn kinh phí mời năm nghệ sĩ: đi lại, ăn ở, thù lao… thì phải tự lo. Đêm diễn ở TP.HCM, chúng tôi bán được chừng 250 vé, tiền bán vé cũng chỉ bù được một phần nào thôi”. Những chương trình âm nhạc chất lượng như hai đêm diễn kể trên luôn được đánh giá cao từ giới chuyên môn cũng như khán giả, oái oăm là kiểu âm nhạc như trên không phải là không gian âm nhạc mà số đông khán giả mong muốn được đắm chìm. Thế nên, các nhà tài trợ vẫn cứ thờ ơ, các đơn vị tổ chức thì vẫn tìm cách mà làm. Theo bà Phan Mộng Thúy thì: “Dù không có đơn vị tài trợ thì các đêm nhạc của Phương Nam Phim vẫn được tổ chức theo tiêu chí của mình chứ không thể làm khác hơn. Cung đàn xưa là đêm nhạc nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm thành lập Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, chúng tôi làm đêm nhạc để tri ân khách hàng và đối tác của mình. Ngoài ra, là một đơn vị làm văn hóa, chúng tôi muốn góp phần tạo nên những sản phẩm chất lượng cho đời sống tinh thần của cộng đồng”. Bà Thúy cũng cho biết thêm tuy không thể bán vé để bù khoản kinh phí đã đầu tư nhưng Phương Nam Phim có những kênh khác để tiếp tục khai thác các sản phẩm âm nhạc đã thực hiện như thu hình và phát hành băng đĩa… Còn IDECAF thì cũng có kế hoạch chi ngân sách cho những hoạt động văn hóa, như vừa rồi.
Một môi trường âm nhạc không bận tâm về kinh phí để các nghệ sĩ có nhiều cơ hội thể nghiệm, tung tẩy với âm nhạc và làm mới mình luôn là niềm mơ ước của cả nghệ sĩ và khán giả. Thế nhưng, trong lúc chờ ước mơ ấy thành hiện thực thì các nghệ sĩ vẫn cứ cố, bằng cách riêng của mình, để đến với âm nhạc đỉnh cao, thể hiện khả năng âm nhạc và óc sáng tạo của mình. Họ nghiêm túc trong từng buổi tập, thậm chí là tập nhiều hơn yêu cầu của nhà sản xuất, đầy công phu cho tác phẩm của mình. Vậy nên, khi các nghệ sĩ nói thù lao không phải là vấn đề họ bận tâm nhất trong những sô diễn như trên thì chúng ta có thể tin được. Vẫn mong rằng, cảm hứng âm nhạc là điều luôn có trong tim của mỗi nhạc sĩ, ca sĩ. Còn với những người yêu âm nhạc, chúng ta mong rằng, âm nhạc đích thực ngày càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, mạnh mẽ đến với trái tim khán giả, các nhà tài trợ không còn ngần ngại với những khoản tiền mình đã bỏ ra để những sô diễn tử tế không còn là sự trông chờ lâu ngày của khán giả.
- Ảnh Nguyễn Minh Cường, PNP, bài viết Lâm Hạnh