Họ đã trở thành những người biểu diễn nguy hiểm để kiếm tiền, tìm cảm giác mạnh hoặc chỉ để được nổi tiếng. Họ có những hình thức thể hiện khác nhau, mỗi người mỗi cách. Dưới đây là chân dung của những người biểu diễn liều mạng xuất sắc nhất từ xưa đến nay.
Lịch sử của những kẻ liều mạng
Không rõ những kẻ liều mạng đầu tiên đã có những hành động liều lĩnh như thế nào. Với rất ít sự công khai và không có những phương tiện như truyền hình hoặc truyền thanh, những người tiên phong biểu diễn liều mạng đã đánh liều cả cuộc sống của họ cho một số lượng khán giả nhỏ nhoi.
Một số người lý luận rằng có thể đơn giản họ chỉ là những người nghiện adrenaline giống như những vận động viên thích cảm giác mạnh ngày nay. Một số người liều mạng ban đầu có thể được xem như những nhà phát minh và trải nghiệm.
Năm 1797, một người Pháp tên Jacques Garnerin đã nhảy dù thử nghiệm lần đầu tiên trên thế giới với một cái khung không cứng nhắc.
Ông đã phát triển bằng cách nhảy xuống từ những thân cây và cho những động vật nhảy thí nghiệm, và cuối cùng chính ông đã nhảy xuống từ một khí cầu đốt bằng khí nóng ở độ cao 975m.
Trải nghiệm của ông với loại dù có khung không cứng nhắc đã dẫn đến môn nhào lộn trên không như chúng ta đã biết vào ngày nay.
Các Barnstormer: Là tên gọi những phi công liều mạng biểu diễn những pha nguy hiểm trên không trung sau Thế chiến thứ Nhất.
Vào thời điểm đó, những chương trình này là hình thức giải trí được tìm kiếm nhiều nhất. Đa số là các phi công chiến đấu, những người này lái những chiếc máy bay có bộ cánh đôi, họ thực hiện các màn nhào lượn đầy nguy hiểm.
Họ được gọi chung là nghệ sĩ biểu diễn. Một huyền thoại hàng không và anh hùng dân tộc Charles Lindbergh đã luyện được kỹ năng bay như một barnstormer, thậm chí còn biểu diễn nhảy dù và đi bộ trên cánh máy bay.
Những người đi trên cánh máy bay trèo ra từ buồng lái phi công, giữ thăng bằng trên hai bàn tay, đôi chân giơ lên trời ở tư thế trồng cây chuối và treo mình trên những cái móc.
Người bước đi trên cánh máy bay ban đầu là phi công chiến đấu Ormer Locklear, đã leo lên từ buồng lái của mình để sửa chữa một bộ tản nhiệt bị hỏng ở giữa không trung.
Các sĩ quan chỉ huy của ông phát hiện ra những pha nguy hiểm của Ormer, đã khuyến khích ông duy trì hình thức biểu diễn này.
Sau khi giải ngũ, Locklear đã trở thành một người biểu diễn chuyên nghiệp bước đi trên cánh máy bay, để làm hài lòng những fan hâm mộ xiếc hàng không ở khắp mọi nơi.
Ông đã treo mình từ một cái thang bằng răng của ông và bước đi từ máy bay này sang máy bay khác trên không trung, đôi khi ông đã kiếm được tới 3.000 USD cho một lần biểu diễn.
Không may là cũng như nhiều người đi trên cánh máy bay khác, Locklear đã tử vong trong một pha biểu diễn nguy hiểm.
Vào năm 1936, chính phủ Mỹ đã cấm biểu diễn đi trên cánh máy bay ở độ cao dưới 1.500 feet (khoảng 457m) và về cơ bản, kiểu trình diễn này cũng đã lỗi thời.
Đạn người (human cannonballs) chắc chắn nằm trong số những người biểu diễn liều mạng đầu tiên. Vào năm 1871, người đầu tiên được sử dụng như một viên đạn là “Lulu”.
Nghệ sĩ biểu diễn người Anh này đã được bắn lên không trung bởi một cỗ máy bắn đá kiểu cổ ở Nhà hát Ca nhạc London.
Khẩu súng thần công đầu tiên được sử dụng bởi một nhà tiên phong, ông bầu ngành xiếc P.T. Barnum vào năm 1880.
Một phụ nữ người Anh tên Zazel đã gây sửng sốt cho khán giả khi trèo vào trong khẩu súng đại bác và được bắn bay vào một chiếc lưới an toàn.
Barnum đã sử dụng lò xo cuộn để đẩy cô phóng đi cùng với một tiếng nổ giả và khói bốc lên trong tiếng pháo nổ.
- Xem thêm: Những nghề nghiệp kỳ quặc nhất
Vào thời kỳ này, những lò xo đã được thay thế bởi khẩu pháo nén khí, nhưng người ta vẫn sử dụng tiếng nổ giả để tạo cảm giác hồi hộp cho người xem. Nhưng không may Zazel đã bị gãy lưng khi biểu diễn và phải giải nghệ sau đó.
Những người đi bộ trên dây cao cũng là màn biểu diễn xiếc liều mạng khác. Đi bộ trên dây căng, với hai tay cầm một thanh dài giữ cân bằng, người biểu diễn đi chầm chậm trên một dây kim loại căng dày khoảng nửa inch (1,27cm).
Năm 1974, Philippe Petit đã biểu diễn đi dây căng thành công giữa hai ngọn tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.
Anh đã đi dây thành công 8 lần liên tiếp, dừng lại để quỳ xuống, chào mọi người và thậm chí còn nằm xuống trên dây cáp mỏng mảnh. Việc đi dây được lên kế hoạch cẩn thận và hoàn toàn bất hợp pháp.
Sau nhiều lượt năn nỉ, cuối cùng các cảnh sát có mặt tại hiện trường đã cho phép Philippe Petit biểu diễn đi dây trong sự giám sát. Kết cục là mọi cáo buộc đã được hủy bỏ, khi anh nhận lời biểu diễn miễn phí cho trẻ em ở New York xem.
Evel Knievel
Sinh năm 1938 tại Butte, Montana, Robert Craig “Evel” Knievel có lẽ là kẻ liều lĩnh vĩ đại nhất trong lịch sử. Cho dù những pha biểu diễn nguy hiểm của ông không phải lúc nào cũng thành công, ông vẫn là nhà biểu diễn bậc thầy và biến những cú nhảy xe môtô của ông trở thành một huyền thoại.
Sau khi làm nhiều nghề khác nhau, từ người bán hàng bảo hiểm đến hướng dẫn viên săn bắn, Knievel từng mở một đại lý bán xe máy Honda ở bang Washington, nhưng không đem lại đủ thu nhập để hỗ trợ cho gia đình của mình.
Nhớ lại một pha biểu diễn xe hơi nguy hiểm mà ông đã xem khi còn bé, ông quyết định biểu diễn cảnh lái môtô nguy hiểm của riêng ông.
Tự làm người đại diện báo chí cho riêng mình, nhân viên bán vé, người quảng cáo và dẫn chương trình, màn nhảy chuyên nghiệp đầu tiên của ông là bay xe một quãng dài 6m phía trên những cái hộp đựng các con rắn chuông và hai con sư tử núi.
Rốt cuộc ông đã đáp xe xuống phía trên những con rắn chuông, không nói cũng rõ các khán giả theo dõi rất hào hứng.
Tin tưởng vào khả năng của mình, ông đã thuyết phục một nhà phân phối xe máy Norton tài trợ cho chương trình của ông, và từ đó một huyền thoại đã được sinh ra.
Không bao lâu sau, Evel Knievel đã biểu diễn nhảy xe mô-tô qua đủ thứ, từ hàng loạt các chiếc xe hơi xếp hàng dài cho đến những động vật sống.
Cú nhảy thực sự khiến ông nổi tiếng khắp nước Mỹ là pha nhảy xe qua đài phun nước ở Caesar’s Palace, Las Vegas.
Ở khoảng cách 46m, đó là cú nhảy xe máy dài nhất ông đã thực hiện. Hơn 15.000 người đã theo dõi trực tiếp, và hàng triệu người ở nhà ngồi xem trước các màn ảnh truyền hình.
Những gì đã xảy ra ở Caesar vừa hồi hộp, vừa kinh hoàng đối với khán giả. Knievel đã bay qua các đài phun nước, nhưng tiếp đất tệ hại và ngã nhào xuống tay lái, rồi dừng lại ở bãi đậu xe Dunes kề bên. Ông đã bị nhiều chấn thương và nằm bệnh viện hết 29 ngày.
Được biết đến nhờ nhiều những vụ tai nạn ngoạn mục cũng như những cú nhảy thành công, Knievel đã thành công lớn thông qua kinh doanh bán các đồ chơi mang hình ảnh Evel Knievel, các chương trình truyền hình đặc biệt và các dịch vụ kinh doanh khác.
Ông giữ kỷ lục về gãy xương nhiều nhất và mang rất nhiều đĩa kim loại trong cơ thể đến mức ông bắt đầu làm vỡ chúng.
Knievel thực hiện cú nhảy cuối cùng của ông ở Miami-Hollywood Speedway vào năm 1981. Sau đó, con trai ông tên Robbie đã phá vỡ tất cả các kỷ lục nhảy môtô của cha anh.
Evel qua đời năm 2007 vì những biến chứng của bệnh tiểu đường và bệnh phổi không thể chữa được. Huyền thoại của ông đã truyền cảm hứng cho các bản nhạc pop, các phim điện ảnh, các phim tài liệu, một vở rock opera và một cuộc triển lãm tại Viện Smithsonian.
Những kẻ liều mạng ngày nay
Nếu chú ý đến tin tức, có thể bạn đã nghe nói về một “Người Nhện” có thực. Alain Roberts, người Pháp, là người có biệt danh nổi tiếng này.
Anh là vận động viên leo trèo đô thị nổi tiếng, chinh phục những tòa nhà chọc trời với đôi bàn tay trần và không có phương tiện bảo hộ an toàn nào.
Anh đã trèo lên tòa nhà đầu tiên ở Chicago năm 1994 và không bao lâu sau, anh nhận thấy mình có thể kiếm tiền bằng cách này.
Cho đến nay, Roberts đã chinh phục hơn 70 tòa nhà chọc trời, thường xuyên đóng góp những khoản tiền lớn cho từ thiện từ những nhà tài trợ và các hãng quảng cáo.
Trong những ngày đầu, “Người Nhện” có thể bị bắt vì leo trèo không được phép, nhưng khi anh đã nổi tiếng, các công ty bắt đầu yêu cầu anh trèo lên những cao ốc của họ.
Felix Baumgartner, người Áo, là một vận động viên nhảy dù và nhảy BASE (nhảy từ một điểm cố định, như đỉnh núi, đỉnh tòa nhà cao tầng…) hiện đang nắm giữ khá nhiều kỷ lục thế giới.
Anh đã phá kỷ lục của mình về nhảy BASE cao nhất bằng cách nhảy từ độ cao 509m tại Tháp 101 ở Đài Bắc, Đài Loan.
Anh cũng sở hữu kỷ lục nhảy BASE ở độ cao thấp nhất, đó là độ cao 29m trên cánh tay phải duỗi dài của Tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro, Brazil.
Một trong những kỳ tích của Baumgartner là bay lượn qua eo biển Manche. Dùng một đôi cánh dài 1,8m làm bằng sợi carbon, anh nhảy ra khỏi máy bay ở độ cao hơn 9.100m và sau đó bay với vận tốc 220 dặm/giờ vượt qua 22 dặm ngang eo biển chỉ trong 14 phút.
“Jackass” (chàng ngốc) là một cái tên đã nói lên tất cả. Từ một chương trình truyền hình ăn khách của kênh MTV đã dẫn đến ra một bộ phim hit và phần tiếp theo nói về những anh chàng chuyên lạm dụng cơ thể của họ để chọc cười khán giả.
Chương trình truyền hình chỉ diễn ra trong hai mùa, nhưng kể từ đó đã ra mắt sự nghiệp diễn xuất chính thức của ngôi sao Johnny Knoxville cũng như năm chương trình truyền hình khác.
Một tập phim điển hình của “Jackass” có thể bao gồm cảnh Knoxville bị bắn trong khi mặc chiếc áo khoác chống đạn hoặc diễn viên đồng diễn xuất Steve-O bị bắn từ một khẩu súng nổ điếc tai. Tất cả đoạn phim được thu hình với các camera loại rẻ tiền.
Phim ăn khách ngay lập tức, không mấy chốc những gã Jackass đã nổi tiếng trên khắp mọi nhà. Tuy “Jackass” đã tuyên bố không chịu trách nhiệm ở mỗi đầu tập phim, hàng loạt những màn biểu diễn nguy hiểm nhái theo đã diễn ra trên khắp nước Mỹ.
Vì những ảnh hưởng có thể gây nguy hiểm của nó, cuối cùng Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman ra lệnh hủy bỏ chương trình này.