Trên thế giới, có vô số hòn đảo, mà về gốc tích là do bề mặt của trái đất bị nứt tách trong quá khứ, hoặc do các trận núi lửa, khiến nham thạch lộ ra khỏi nước.
Trong đó, những hòn đảo ngoài khơi, cách xa thềm lục địa là kết quả của rất nhiều loại núi lửa. Và gần đây, còn có những hòn đảo nhân tạo được xây dựng bằng việc đổ đất, đáp ứng nhu cầu ăn ở.
Trong số ấy, có khá nhiều hòn đảo cực kỳ thú vị, thoạt nghe đã ấn tượng. Như đảo lớn nhất và nhỏ nhất, đảo có người dân chung họ hàng, hay đảo chuyên nuôi trồng một loại sinh vật…
- Xem thêm: Những hòn đảo kỳ quái nhất trên trái đất
Kỳ vĩ nhất là hòn đảo Greenland, với diện tích hơn 2,1 triệu km2, song chỉ có 57 nghìn dân, đa số là người Inuit.
Do khắp nơi ngập băng tuyết, nên tới năm 986 đảo mới có người ở. Và người đầu tiên có công lao khám phá cũng như lập nên những khu định cư sơ khai tại đây là cướp biển Viking Erik tóc đỏ.
Ông vốn dĩ là người Na Uy, tới lập nghiệp ở Iceland, rồi tiếp tục mở mang ra Greenland, trở thành vua của đảo.
Hiện giờ, Greenland là lãnh thổ của Đan Mạch, và mọi người sống chủ yếu tại vùng bờ biển phía tây và thủ phủ Nuuk, cũng là thành phố lớn nhất Greenland.
Hai phần ba được hưởng trợ cấp từ Đan Mạch, phần còn lại sinh sống bằng nghề chài lưới.
Ngược lại, Bishop là hòn đảo nhỏ nhất mà thực chất chỉ là một mỏm đá, nhô lên mặt biển, có chiều sâu 45m, dài 46m, rộng 16m, cách quần đảo Scilly (Cornwall- Anh) một chút.
Vì những mỏm đá ngầm thường gây đắm tàu, vào thế kỷ 18 sau khi một hạm đội 2.000 thuyền nhân bị chìm, người ta đã quyết định xây một hải đăng ở cực tây Scilly, nơi có nhiều sóng gió dữ dội nhất và đó là Bishop.
Mới đầu, công trình được đúc từ sắt, sau thay bằng đá và đến nay cao đến 49m. Vì Bishop chỉ có mỗi tòa nhà này, nó cũng được xem là đảo nhỏ nhất có nhà ở.
Palmerston lại là nhà của một đại gia đình. Nằm cách New Zealand 3.200km, đây là một đảo san hô vòng, gồm khá nhiều rạn, vây quanh một phá và bao phủ 56km2 biển. Vì nằm xa đất liền, mỗi năm chỉ có thể ra vào đảo hai lần bằng tàu.
Người đầu tiên phát hiện và đặt chân lên nơi này là thuyền trưởng Cook năm 1777, song ông không ở đây, và phải qua gần 100 năm thì đảo mới thành nhà của một thợ mộc, tên là William Marsters, chuyên đóng thùng cho tàu săn cá voi.
Hiện tại, con cháu của ông đã có 62 người, phân bố khắp nơi sống bằng nghề cá, và dùng khoảng hai tấn cá vẹt mỗi năm để đổi nhu yếu phẩm cần thiết. Dù rằng chính quyền cai quản Palmerston, song từ năm 1954, họ đã được cấp giấy phép là chủ sở hữu hòn đảo.
Là đảo nhỏ nhất, 0,82km2, cũng là nơi duy nhất không có dân, trong 18 hòn đảo thuộc quần đảo Faroe – Đan Mạch, Litla Dimun còn nổi tiếng là đảo quanh năm mây phủ, trên đỉnh luôn đội một đám mây hình ống kính ở lỳ một chỗ.
Trước đây, đảo thuộc tài sản hoàng gia, song vì quá dốc với vách đá cao tới 414m, nên không ai ra ở mà chỉ dành để nuôi cừu, một loại cừu đặc hữu tại Faroe.
Đến năm 1911, nó đã được bán cho tư nhân, song vẫn để chăn cừu. Họ thả rông chúng, tới mùa thu mới bắt.
Cứ 40 người cầm một sợi xích, lùa khoảng 200 con, buộc lưới ròng từ trên vách núi xuống thuyền, chở đi. Truyền thống chăn thả kỳ cục ấy đã ra đời từ thế kỷ 13.
Đảo nằm trong hồ, hồ lại lọt trong đảo khác, cũng trong một hồ lớn và một đảo nữa là trường hợp của đảo Vulcan Point.
Do một trận núi lửa từ 100 đến 500 nghìn năm trước, hòn đảo Luzon ở tỉnh Batangas, Philippines bỗng nhiên xuất hiện một hõm chảo, lâu dần đọng nước, trở thành hồ Taal hiện nay, và ở gần giữa là một đảo nhỏ núi lửa, hằng năm tiết ra rất nhiều lưu huỳnh.
Trên đảo này, lại có một cái hồ chứa đảo Vulcan Point, là đảo theo trật tư liên tiếp thứ ba lớn nhất thế giới.
Núi lửa Taal vẫn là một núi lửa hoạt động, phức tạp và mạnh thứ hai trái đất. Trong lịch sử, nó đã từng phun trào 33 lần và đều diễn ra ở đảo núi lửa.
- Xem thêm: 7 hòn đảo bị nguyền rủa khắp thế giới
Nếu trên là đảo đội mũ mây thì dưới đây là đảo có hình vân tay lạ mắt, tên là Baljenac, thuộc quần đảo Sibenik – Croatia.
Tuy chỉ có 0,14km2 và một bờ biển dài 1.431m, không bóng người song Baljenac vẫn lọt vào Di sản thế giới vì hình thù đặc sắc và văn hóa lâu đời.
Vào thế kỷ 17-18, trong thời Ottoman, những tín đồ Kitô giáo đã tới Baljenac trú nạn và lập nên một mạng lưới thành trì, mà đến thế kỷ 19 mới hoàn thiện, có hình dấu tay.
Những thợ xây cuối cùng của thành trì là nông dân ở hòn đảo Kaprije bên cạnh. Họ đã xây tường quanh các đồng ruộng để bảo vệ mùa màng khỏi gió bão và khoanh vùng đất ở với trồng trọt, mà đến giờ là một hệ thống mê cung dài 23,357km, thu hút đông đảo du khách.
Tương tự Bishop, đảo Ellidaey cũng là nơi chỉ có một ngôi nhà, mặc dù diện tích đất lên tới 0,45km2. Nằm trong quần đảo Vestmannaeyjar – Iceland, thậm chí là đảo lớn thứ ba cả nước, song vì lẻ loi nên vào 300 năm trước chỉ có năm hộ gia đình sống tại đây dưới các căn lều, câu cá, chăn nuôi và săn bắt chim.
Đến thập niên 40, họ đã bỏ đi, và một triệu phú lại tới, dựng nên câu lạc bộ săn bắn như ngôi nhà hôm nay. Cuối cùng, ông cũng không ở và để nó chơ vơ.
Du khách nào muốn đến chơi phải đi thuyền và đu dây ở mạn núi thấp phía đông, leo lên, và đi bộ mỏi chân mới đến đích.
Cũng xa xôi, hiểm trở và chuyên giam cầm trọng phạm là đảo Alcatraz, San Francisco – Mỹ. Người đầu tiên ghi chép về đảo là Juan Manuel de Ayala của Tây Ban Nha, và ông này đã đặt tên nó theo tiếng Tây Ban Nha là đảo của những chú chim bồ nông.
Theo tài liệu năm 1971, thì đảo dài 511m, rộng 180m, cao 41m, với diện tích 400 hécta… Khi mới xây, đây vốn chỉ là một hải đăng, sau đó mở rộng thành khu quân sự, nhà tù quân đội năm 1828 và nhà tù liên bang từ năm 1934-1963.
Trong 29 năm, đảo đã giam giữ thường xuyên 250 tù nhân, và chưa để xảy ra một cuộc vượt ngục nào trót lọt.
Có tổng cộng 36 người đã thực hiện 14 cuộc tháo chạy thì hai bị bắt hai lần, 23 bị bắt sống, sáu bị tử thương, hai bị đuối nước và năm mất tích…
Tuy nhiên, do chi phí tốn kém, mỗi ngày phải mất 10 đôla/người thay vì 3 đôla như nơi khác, cộng với nước biển xâm thực, bộ trưởng bộ tư pháp Robert F.Kenedy đã quyết định đóng cửa Alcatraz.
Năm 1972, nó trở thành trung tâm giải trí và năm 1986 – di tích quốc gia. Vì sự nổi tiếng, đảo thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm điện ảnh và văn học.
Một hòn đảo mà ai cũng nhớ đến mỗi dịp Phục Sinh là đảo Phục Sinh nằm ở đông nam Thái Bình Dương. Cụ thể là một đảo núi lửa tại vùng Valparaiso – Chile, có tên bản địa là Rapa Nui.
Tại đây, vào tám thế kỷ trước, người xưa đã tạc được những bức tượng cao 12m, nặng 75 tấn, chủ yếu là đầu người bằng đá gọi là moai, đặt trên các bệ ahus, dựng thành hàng quay lưng trước biển để thực hiện các nghi lễ.
Đến nay, giới khảo cổ đã tìm thấy được gần 1.000 bức tượng, khiến cho nơi này trở thành đảo của tượng khổng lồ. Chúng được phỏng đoán là hình ảnh của linh hồn tổ tiên hay các tộc trưởng bảo vệ xứ sở.
Tuy không hiểu rõ ý nghĩa thật sự, nhưng trước sức sống lâu bền của chúng, dù ngập chìm trong đất cát, bão tố và nước biển, và đặc biệt là phát hiện ra đảo vào ngày chủ nhật của lễ Phục Sinh năm 1722, một nhà thám hiểm người Hà Lan đã tên nó là đảo Phục Sinh, tức là đảo Sống dậy.
Nói đến đảo, nhiều người cũng thường nhớ tới tàu thuyền. Và trên thực tế, còn có một hòn đảo là nghĩa trang của những xác tàu.
Song chúng không phải là những phương tiện bị đắm bình thường, mà được vùi ở đó từ năm 1963 với mục đích tạo nên vỏ bọc cho đảo Moreton ở phía đông vịnh Moreton – Australia và là đảo cát lớn thứ ba thế giới.
Người ta đã dùng 15 xác tàu rải suốt dọc bờ biển thị trấn Tangalooma, làm thành một vách ngăn vĩ đại, che chắn cho các thuyền câu và thợ lặn ở độ sâu từ 2 đến 10m. Đồng thời tạo nên nơi ở và bãi san hô của nhiều loại cá nhiệt đới.
Cách bán đảo Ả Rập 380km, đảo Socotra – Yemen có thể nói là hòn đảo có hệ thống sinh thái kỳ lạ nhất trên trái đất, với nhiều sinh vật không thấy ở đâu khác của thế giới, trong đó có 825 loài cây quý hiếm, 90% các loại thằn lằn, 95% các loại ốc sên, 730 loài cá, 300 loài cua tôm và 253 loài san hô đặc hữu.
Đặc biệt là một loài cây cực kỳ hấp dẫn, thứ nhất vì cao, có tán tròn như một cái ô đại; thứ hai vì sự gân guốc, đa nhánh và thứ ba vì chất nhựa đỏ như máu được tin là long huyết, có thể chữa lành bách bệnh và làm thuốc nhuộm vải.
Đó là cây máu rồng Dracaena cinnabari, mọc ở khắp nơi như những vị thần khổng lồ, giữ nước trên vùng khô cằn và tạo ra bóng mát rười rượi.
Tất cả như thể một khu rừng nguyên thủy hoặc một quần đảo Galapagos thứ hai, nơi nhà sinh học Charles Darwin đã tìm ra thuyết tiến hóa. Tuy nhiên, khác Galapagos, ở Socotra vẫn có người ở với hơn 50 nghìn dân.
Do nạn chuột cắn phá lưới đánh cá, nên từ 380 năm trước, ngư dân đảo Aoshina- Nhật Bản đã nuôi mèo ngăn chuột.
Và không ngờ, chúng phát triển tới nỗi cả hòn đảo biến thành một vương quốc mèo, trong khi người dân ngày càng giảm.
Có tới hàng trăm con mèo, nhưng chỉ thấy 13 người sống trên diện tích 0,5km2. Hàng ngày, người ta cho chúng ăn, ngoài ra chúng cũng tự đi săn được.
Aoshima không phải hòn đảo duy nhất ở Nhật Bản chuyên nuôi một loài động vật, mà còn có đảo Okunoshima nuôi thỏ, cùng một số khác về hươu, chó, gà…
Cũng giống mèo, thỏ được đưa tới Okunoshima để kiểm định chất độc trong khí quyển do trong Đại thế chiến II, nước Nhật đã dùng Okunoshima làm nơi sản xuất khí mù tạt, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Vào năm 1971, một nhóm sinh viên đã thả tám con thỏ lên hòn đảo 700m2, và hiện giờ số lượng của chúng lên tới hơn 300 con.
- Xem thêm: Những hòn đảo đáng nhớ ở Tasmania
Với ý nghĩa như một đảo nhỏ trong nhà, khu nghỉ dưỡng đảo nhiệt đới là một công viên chủ đề cực hay ở Brandenburg – Đức.
Lọt thỏm trong một tòa nhà khinh khí cũ (hangar) và ra mắt năm 2002, nó là một hòn đảo và rừng nhiệt đới nhân tạo, thú vị với hơn 50.000 cái cây thuộc 600 loài cùng nhiều thác nước – bãi tắm, mỗi ngày đón tiếp 6.000 du khách, sau khi bơi lội thì nằm sưởi nắng trên những ghế dài dưới bóng dừa.
Hòn đảo chỉ cách trung tâm thủ đô Berlin 50km, và là một công viên nước hứa hẹn cuộc sống thứ hai cho các hangar cổ kính.