Ngay từ giây đầu tiên khi uống rượu, cơ thể và trí não của người uống đã lập tức bị ảnh hưởng vì rượu là chất rất dễ tan trong nước, sau đó lưu thông trong máu và phân phối cho các mô rất nhanh.
Sau vài ly đầu, người ta cảm thấy rất hưng phấn, giảm lo lắng, nhưng sau đó, rượu lại ức chế hệ thần kinh, khiến việc nói không rõ, nhìn bị mờ, đi đứng lảo đảo… Một vài rối loạn như thế sẽ chấm dứt sau khi ngủ một đêm, nhưng một số sẽ trở thành thường trực.
Những rối loạn do rượu
1. Bệnh và ung thư liên quan đến rượu:
Đứng đầu là những bệnh về gan. Giai đoạn đầu là gan nhiễm mỡ, sau đó chuyển sang viêm gan và cuối cùng là xơ gan. Thường xảy ra ở 25% số người nghiện rượu.
Rượu chỉ đứng hàng thứ hai (sau hút thuốc lá) về gây nguy cơ ung thư miệng và đường tiêu hóa.
Viêm tụy và sau đó tiểu đường cũng là hậu quả của việc lạm dụng rượu.
2. Sức khỏe tâm thần:
Rượu làm thay đổi những phản ứng hóa học trong não và làm tăng nguy cơ bị rối loạn cảm xúc (lo lắng, trầm cảm, hoang tưởng bị hại…), khiến người nghiện rượu gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với những người trong gia đình và tại nơi làm việc.
3. Dáng vẻ bên ngoài:
Một gam rượu cung cấp một số năng lượng bằng với một gam mỡ. Khi có rượu, cơ thể dùng rượu đế cung cấp năng lượng và để dành mỡ nên mỡ tích tụ ở bụng. Ngoài ra, nếu một tuần mà uống hai lít rượu thì tương đương với việc ăn khoảng 200 cái bánh ngọt trong một năm. Do đó, uống rượu nhiều sẽ khiến cho cơ thể mập lên, nhưng đến khi bị nghiện rượu thì lại có khuynh hướng bị suy dinh dưỡng vì người nghiện rượu thường ăn ít.
Uống rượu nhiều sẽ làm khô da nên da bị nhăn sớm, trông già trước tuổi. Lạm dụng rượu cũng dẫn đến bệnh trứng cá đỏ, lâu ngày tiến triển làm mặt bị biến dạng (bệnh mũi sư tử).
- Xem thêm: Rượu và não bộ
4. Ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều hay uống loại rượu không tốt chứa nhiều methanol. Ứớc tính tỷ lệ tử vong do ngộ độc rượu là 20%, nếu sống sót thì khoảng 20% bị rối loạn thị giác…
5. Triệu chứng ngày hôm sau
Nếu hôm trước uống nhiều rượu thì sáng dậy cơ thể sẽ có “triệu chứng ngày hôm sau”. Rượu kích thích dạ dày khiến người ta cảm thấy khó chịu ở bụng và buồn nôn, có thể tiêu chảy. Rượu cũng làm mất nước nên gây nhức đầu. Rượu gây ức chế hệ thần kinh trung ương nên nhiều người không nhớ được những gì xảy ra hôm qua nhưng vẫn cảm thấy có lỗi, trở nên chậm chạp, lừ đừ.
Phụ nữ và rượu
Phụ nữ chuyển hóa rượu chậm hơn nam giới nên nếu uống cùng một lượng rượu như nhau, phụ nữ thường dễ bị say hơn. Rượu có thể đi qua nhau vào bào thai, gây “hội chứng bào thai nghiện rượu”, khiến trẻ sinh ra có thể có khuôn mặt dị thường và kém phát triển về trí tuệ. Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Các dấu hiệu nghiện rượu
Có thể phát hiện tình trạng nghiện rượu bằng những triệu chứng giãn mạch ở mặt, cổ, kết mạc mắt đỏ, run tay và lưỡi, mạch nhanh, tăng huyết áp tâm thu, gan to và viêm đa dây thần kinh. Tuy nhiên những dấu hiệu này chỉ xuất hiện khi đã bị nghiện rượu nặng. Để biết sớm hơn, từ mức độ uống có hại khi chưa bị nghiện, người ta sử dụng những bảng câu hỏi và dựa theo câu trả lời để tính điểm, ứng với mỗi thang điểm bác sĩ sẽ biết người được kiểm tra đã uống rượu ở mức độ nào.
Nồng độ rượu trong máu
Khi nói về tửu lượng, có thể dùng đơn vị ly chuẩn để đo. Một ly chuẩn cung cấp khoảng 10g ethanol nguyên chất, tương đương với một lon bia 330ml hoặc 140 ml rượu vang hay 40ml rượu mạnh.
Nồng độ rượu trong máu được tính bằng % (1% = 1g/dl). Từ nồng độ 0,08% trở lên sẽ bị xử lý về mặt pháp luật vì khi đó, người ta có thể mất khả năng phối hợp cử động, khó lái xe, dễ gây tai nạn giao thông, có thể làm chết người.
Tuy nhiên, nồng độ rượu trong máu thay đổi tùy theo cân nặng. Nếu uống cùng một số ly chuẩn như nhau thì một người nặng 50kg sẽ có nồng độ rượu trong máu gấp đôi một người nặng 100kg.
Uống rượu an toàn
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, uống rượu an toàn là:
- Nếu uống không đều thì chỉ uống không quá 5 ly một lần.
- Nam giới nếu uống đều ở mức trung bình 3 ly/ngày thì uống không quá 21 ly một tuần; nữ giới nếu uống đều 2 ly/ngày thì uống không quá 14 ly một tuần.
- Trong tuần phải có ít nhất một ngày không uống.
- Không uống khi:
– Lái xe hay vận hành máy.
– Mang thai hay cho con bú.
– Dùng thuốc có thể tương tác với rượu (thuốc hạ đường huyết, thuốc an thần).
– Tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng xấu bởi rượu.
– Không thể ngưng hay kiểm soát việc uống rượu.
Những thói quen tốt khi uống rượu
- Uống từ từ, không nên uống thật nhanh vì gan có thể không chuyển hóa rượu kịp nên rượu đến các mô nhiều hơn.
- Pha loãng rượu với đá.
- Không nên uống lúc bụng đói mà ăn kèm thức ăn chua, béo.
- Ruợu gây khát vì trước đó kích thích đi tiểu, do đó nên tránh ăn thức ăn mặn và uống rượu xen kẽ với nước lọc.
- Không uống quá mức độ khuyến cáo như trên, nhất là không nên nghĩ rằng lâu lâu uống một lần thì nên uống cho say.