Fast fashion cũng giống như fast food, ám chỉ những trang phục thời trang của những thương hiệu có giá bình dân. Tiền nào thì của đó, những món thời trang fast-fashion giá rẻ luôn có những sự thật đứng đằng sau mà nhà sản xuất không muốn chúng ta biết.
Điều gì làm cho fast fashion trở nên lớn mạnh và được ưa chuộng ngày nay? Thậm chí, lợi nhuận thu về hằng năm của những thương hiệu thời trang bình dân như Zara, H&M hay Gap cũng đã vượt mặt các thương hiệu thời trang cao cấp. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người có thu nhập thấp đến trung bình chiếm đa số và nhu cầu ăn mặc đẹp của họ cũng không thấp. Đánh trúng tâm lí thích ngon, bổ, rẻ này của số đông, các hãng thời trang fast fashion đã tung ra những BST gần-như-giống-hoàn-toàn với những BST của các hãng thời trang lớn nhưng với giá dễ chấp nhận hơn. Ví dụ cùng một kiểu quần jeans rách, chắc chắn người ta sẽ chỉ bỏ ra khoảng 50 dollar cho kiểu quần đó của H&M thay vì chi ra khoảng 2.500 dollar cho cùng một phiên bản của Balmain.
Nhưng chuyện “học hỏi” thiết kế của nhau trong thời trang không phải là quá lớn. Một trong những thế mạnh của fast fashion chính là giá cả. Nhưng để có được giá rẻ như vậy, quy trình sản xuất bao gồm những câu chuyện kinh hoàng. Một chiếc áo thun của H&M có giá chỉ khoảng 10 dollar, nhà sản xuất hưởng lợi phần lớn, phần còn lại chi cho chi phí gia công và nguyên vật liệu. Bắt buộc nhà sản xuất phải tìm nguồn nguyên liệu và xưởng gia công giá rẻ.
Nguyên liệu rẻ tiền đi kèm với chất lượng kém. Vải vóc được nhuộm với hóa chất, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tác hại trực tiếp với da người mặc. Một số thương hiệu nổi tiếng tầm trung cũng vướng phải vấn đề này mà trong đó, độc tố gây ung thư và các bệnh về da lên đến 80%.
Các hãng thời trang fast fashion tìm đến những xưởng may công nghiệp tại các nước châu Á nhằm giảm thấp nhất có thể chi phí sản xuất. Làm việc trong điều kiện thiếu an toàn, cường độ làm việc cao thậm chí phải hi sinh mạng sống là việc bắt buộc những người thợ bản xứ phải đối mặt nhưng đồng lương nhận về không được cao, chỉ vài dollar một ngày. Năm ngoái, tại Bangladesh xảy ra nhiều vụ cháy hoặc xập phân xưởng của Benetton và H&M, làm thiệt hại tính mạng hàng ngàn người lao động. Bất công hơn, trẻ em cũng bị lạm dụng sức lao động. Bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi những chi tiết thêu đính trên trang phục mình đang mặc được thực hiện từ những bàn tay nhân công tuổi đến trường.
Về phần người mua, bạn cũng là nạn nhân. Ngoại trừ ảnh hưởng trực tiếp từ vải nhuộm hóa học, túi tiền của bạn cũng bị ảnh hưởng. Các cửa hàng fast fashion làm cho bạn cảm thấy mình bị lỗi mốt cực kì nhanh. Cứ một tuần cho đến tối đa là một tháng, họ luôn cập nhật thêm những BST mới mà chỉ thay đổi chút ít chi tiết so với BST trước, thúc giục niềm đam mê shopping của khách hàng. Đòng thời chất fast fashion được thiết kế để mau hỏng, bắt buộc người mua phải mua mới. Điều đáng sợ là người mua chấp nhận điều đó như một lẽ đương nhiên.
Với lượng tiêu thụ và thay đổi nhanh chóng từ người tiêu dùng, cùng độc tố trong quá trình sản xuất và tồn đọng trên sản phẩm, mỗi năm có khoảng 9500 tấn rác thải quần áo, ảnh hưởng cực mạnh lên môi trường trái đất. Có thể nói thời trang nhanh là cái chết đến từ từ với trái đất.
Đã đến lúc người tiêu dùng cần phải quan tâm hơn về thói quen shopping cũng như ăn mặc của mình. Không ai trong chúng ta muốn gián tiếp tạo ra những tai nạn không đáng có với những nhân công khốn khổ hay trực tiếp với sức khỏe của bản thân. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi rút ví, đồng thời ủng hộ các NTK nội địa. Việc này không những đảm bảo về chất lượng của sản phẩm mà còn thúc đẩy nghành công nghiệp thời trang của nước nhà.
Khải Hoàng