Virunga – điểm đến du lịch nguy hiểm nhất hành tinh
Virunga ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) được đánh giá là một trong những công viên quốc gia gây ấn tượng nhất cho du khách đến châu Phi.
Nhưng Virunga đã trở thành điểm đến du lịch nguy hiểm nhất hành tinh sau vụ một nhân viên bảo vệ bị giết chết và 2 du khách người Anh bị bắt cóc (về sau được thả) hô Emmanuel de Merode – phải thông báo tạm ngưng mọi hoạt động du lịch đến nơi đây.
Vụ giết người và bắt cóc táo tợn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động phát triển du lịch để kiếm tiền cho mục đích bảo vệ công viên quốc gia Virunga – chiếm diện tích 7.800km2 – được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Theo De Merode, khoảng từ 1.500 đến 2.000 chiến binh vũ trang thuộc nhiều nhóm phiến quân khác nhau tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên phong phú của Virunga cũng như các khu vực bao quanh.
Chúng đánh bắt cá bất hợp pháp, săn trộm động vật hoang dã, đốn cây quý hiếm. Thậm chí, bọn chúng còn giết người, cưỡng bức phụ nữ và bắt cóc dân địa phương lẫn người nước ngoài.
De Merode cho biết: “Năm 2017, buôn lậu các nguồn tài nguyên thiên nhiên mang về cho bọn tội phạm ước hơn 170 triệu USD mà trong đó khoảng 47 triệu USD rơi vào tay các nhóm phiến quân”.
- Xem thêm: Khám phá núi thiêng Uluru ở Úc
Tình trạng hỗn loạn diễn ra trong công viên Virunga liên quan đến việc xã hội DRC rối loạn sau khi Tổng thống Mobutu Sese Seko mất quyền lực và cuối cùng bị phế truất năm 1997.
De Merode nói về quyết định tạm đóng cửa Virunga: “Chúng tôi tạm đóng cửa công viên cho đến khi nào có thể bảo đảm an toàn cho du khách đến tham quan. Chúng tôi cho rằng thời gian đóng cửa có thể kéo dài và điều đó ảnh hưởng xấu về mặt tài chính cũng như tiếng tăm của Virunga”.
Du lịch đóng góp khoảng 2 triệu USD cho ngân sách hàng năm vào khoảng 9 triệu USD của Virunga. De Merode tiết lộ “phần lớn nguồn tài trợ đến từ Quỹ Buffet – tổ chức từ thiện của tỷ phú Mỹ Warren Buffet – và Liên minh châu Âu (EU).
Được thành lập năm 1925 bởi vua Bỉ Albert I; Virunga nổi tiếng với những cánh rừng, thảo nguyên, cánh đồng phủ dung nham núi lửa, đầm lầy, những thung lũng bị xói mòn, núi lửa vẫn còn hoạt động cũng như dãy núi Rwenzori xinh đẹp.
Virunga cũng nổi tiếng với sự đa dạng của đời sống hoang dã trong đó bao gồm 880 con khỉ đột núi (chiếm ¼ số khỉ đột còn lại trên thế giới) và 2.500 con hà mã sống dọc bờ Hồ Edward và 3 con sông trong công viên.
Giá vào tham quan Virunga đến 400 USD/ngày và giá lưu lại trong nhà nghỉ đến ít nhất 300 USD/ngày.
Rachel Masika Baraka, 25 tuổi, là nữ nhân viên bảo vệ đầu tiên bị giết chết tại Virunga khi đang cố gắng giải cứu 2 du khách người Anh – Bethan Davies và Robert Jesty – khỏi bị phiến quân bắt cóc với ý đồ đòi tiền chuộc.
De Merode cho biết: “Rachel Baraka là một trong số 26 nữ nhân viên bảo vệ công viên Virunga. Sự hy sinh của Baraka cho thấy cô rất can đảm và có trách nhiệm cao với công việc của mình”.
Bản thân De Merode cũng từng suýt chết trong một cuộc phục kích của phiến quân gần công viên hồi năm 2014. Lần đó, De Merode bị bắn 4 phát đạn trúng dạ dày và hai chân.
Trước khi bị bắn, De Merode được cho là đã trao cho một công tố viên thông tin nhạy cảm về vụ khai thác dầu mỏ trái phép tại Virunga.
Tháng 4.2018, 5 nhân viên bảo vệ công viên và tài xế của họ bị bắn chết trong một cuộc phục kích của phiến quân. Từ năm 1925 cho đến nay, tổng cộng có đến 175 nhân viên bảo vệ bị giết chết khi đang tuần tra công viên.
Một nhân viên bảo vệ phát biểu trong một video về công viên: “Chúng tôi sẽ bị phán xét nếu không làm tròn bổn phận bảo vệ công viên. Mong ước của chúng tôi là công viên được trường tồn”.
Theo De Merode, lực lượng bảo vệ công viên gồm hơn 500 người được huấn luyện bởi các sĩ quan đặc nhiệm tinh nhuệ châu Âu. De Merode, nhà nhân chủng học và nhà hoạt động bảo tồn thiên nhiên, được chỉ định làm giám đốc Virunga từ năm 2008.
“Lưỡi Quỷ Troll” – “Đỉnh cao thế giới”
Số lượng du khách đến Trolltunga – cao 1.100m so với mực nước biển – của Na Uy tăng vọt từng năm sau khi bị cuốn hút trước vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như những bức ảnh chụp độc đáo đăng trên Instagram và Facebook.
Tuy nhiên, du khách bất chấp cảnh báo về sự nguy hiểm luôn rình rập đồng thời cũng để lại biết bao phiền toái về môi trường.
Trolltunga được đánh giá là một trong những địa điểm địa chất nổi tiếng của Na Uy và cũng là điểm đến du lịch mạo hiểm gây tranh cãi. Để đến được Trolltunga, du khách phải vượt qua hành trình đường núi gian nan dài 28km.
Theo tiếng Na Uy, Trolltunga có nghĩa là “Lưỡi Quỷ Troll” – một nhân vật nổi tiếng trong truyển cổ Bắc Âu.
Trolltunga là mỏm đá hình thành từ kỷ Băng hà (cách đây 10.000 năm) nhô ra giống như hình dáng chiếc lưỡi từ triền núi dốc ở độ cao 700m bên trên con hồ Ringedalsvatnet gần thị trấn Odda miền Nam Na Uy.
Số lượng du khách đổ đến Trolltunga tăng từ 1.000 người năm 2010 đến 1.800 người năm 2017. Mặc dù kinh tế Na Uy phát triển tốt nhờ du lịch đến Trolltunga song cũng là mối đe dọa cho môi trường và sinh mạng du khách.
Nữ hướng dẫn viên Erlend Indrearne giải thích: “Trước đây, chính quyền Na Uy chưa có những quy định về leo núi song chúng tôi tin sắp tới Trolltunga sẽ là nơi đầu tiên phải tuân thủ những quy định như thế bởi vì leo núi đã trở thành vấn đề lớn lao gây tranh cãi”.
Ở Na Uy có truyền thống gọi là “allemansratten” (nghĩa là quyền được lang thang), trong đó quy định mọi người phải nằm ngủ cách ngôi nhà có người ở ít nhất 150 mét và nếu ngủ tại một địa điểm dài hơn 2 đêm thì phải xin phép chủ đất.
Điều quan trọng nhất là người sử dụng quyền này phải tôn trọng thiên nhiên, động vật hoang dã và người dân địa phương.
Trong khi đó, du khách thường không tôn trọng “allemansratten” khi họ vứt rác bừa bãi khắp Trolltunga. Thậm chí, du khách còn dùng bút mực viết tên mình lên vách núi.
Ngoài Na Uy, một số quốc gia khác cũng có quyền “allemansratten” như Phần Lan, Iceland (Băng Đảo), Thụy Điển, Latvia, Áo, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ.
Do đó, Friluftsliv – tổ chức leo núi hàng đầu Na Uy – muốn có bộ quy tắc ứng xử bắt buộc đối với du khách đến Trolltunga cũng như những địa điểm địa chất khác đang bị làn sóng du lịch đe dọa ở nước này.
Indrearne bình luận về hiện tượng bùng nổ du khách đến Trolltunga: “Mọi người muốn chụp cho bằng được những bức ảnh mà họ nhìn thấy đăng trên Instagram và Facebook. Do đó, phần đông trong số họ không màng đến việc trải nghiệm môn thể thao leo núi. Họ chỉ muốn có bằng chứng rằng họ đã có mặt ở Trolltunga. Đồng thời, họ cũng đang hủy hoại môi trường thiên nhiên với cả đống rác thải. Số lượng đông đảo du khách đến Trolltunga thực sự đã tác động xấu đến môi trường tự nhiên”.
Lasse Heimdal, giám đốc Friluftsliv, nói: “Điều khẩn cấp là cần phải có những biện pháp để đảm bảo cho hoạt động ngoài trời được an toàn”.
Indrearne cho biết tiếp: “Để chụp được một ảnh trong một ngày quá đông du khách, bạn phải xếp hàng đến 1 giờ rưỡi mới leo tới được Trolltunga. Do đó, để kiểm soát, chúng tôi phải đưa ra quy định bao nhiều người được lên núi trong ngày. Ngoài ra, số lượng lều cắm trại cũng được cấp giấy phép trong giới hạn. Thời gian leo núi cũng được quy định nhằm tránh trường hợp du khách bị kẹt lại trên núi. Chúng tôi cũng khuyến khích du khách cùng đi với hướng dẫn viên. Với tư cách là hướng dẫn viên du lịch, bản thân tôi cũng cố gắng làm gương cho du khách noi theo mà tôn trọng thiên nhiên hoang dã”.
Do địa hình hiểm trở, du khách chỉ được chính quyền Na Uy cho phép leo núi từ tháng 3 đến tháng 10 trong năm và bắt buộc phải có hướng dẫn viên đi kèm trong tháng đầu tiên và tháng cuối cùng.
Thời tiết ở Trolltunga cũng rất khắc nghiệt: ngay giữa mùa hè mà nhiệt độ có thể -10oC vào ban ngày và thậm chí gần 0oC vào ban đêm.
Theo nữ hướng dẫn viên Erlend Indrearne, hành trình đến Trolltunga sẽ vô cùng vất vả và gian khổ đối với những du khách chưa từng có kinh nghiệm về leo núi.
Thêm nữa, chính quyền Na Uy cũng phát đi cảnh báo đối với những người mắc chứng sợ độ cao không nên đến Trolltunga. Do nằm ở độ cao kinh khủng nên “Lưỡi Quỷ Troll” cũng được gọi là “Đỉnh cao thế giới”.
Thomas Ruud, giám đốc điều hành Trolltunga Adventures, cho biết trong vài năm gần đây đã có nhiều tai nạn xảy ra tại Trolltunga và trong đó có một vụ chết người do bị trượt ngã mà nạn nhân là Kristi Kafcaloudis (24 tuổi, nữ sinh viên Đại học Monash của Úc).