Thu nhập bình quân của người Việt Nam hiện nay đã lên đến 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015, cùng với mức tăng trưởng kinh tế 6,21% trong năm qua, được xem là một thông tin khá lạc quan dù chưa đạt kỳ vọng. Công bố số liệu này hôm 28-12 trong buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội năm 2016, Tổng cục Thống kê nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công.
Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Điều này dễ hiểu trước các diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng Tư tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung bộ đã gây ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất của khu vực này.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, khu vực dịch vụ tăng 6,98%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung.
Ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4%, mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây.
Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 8,28% so với năm 2015.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,79%; hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 4%; dịch vụ lưu trú và ăn uống năm nay có mức tăng trưởng khá cao 6,7%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Bên cạnh tín hiệu lạc quan vừa nói trên thì ngân sách năm 2016 của chúng ta bội chi gần 192 nghìn tỉ đồng lại là một điều đáng lo ngại.
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm 2016 đến thời điểm 15-12-2016 ước tính đạt 943,3 nghìn tỉ đồng, bằng 93% dự toán năm.
Đặc biệt, thu ngân sách từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) là 147.700 tỉ đồng, bằng 92,9%. Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 193.700 tỉ đồng, chỉ bằng 75,6% dự toán năm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-12 ước tính đạt 1,135 triệu tỉ đồng, bằng 89,2% dự toán năm. Số liệu cụ thể cho thấy chi đầu tư phát triển đạt 190.500 tỉ đồng, bằng 74,7%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786.000 tỉ đồng, bằng 95,4%; chi trả nợ và viện trợ đạt 150.300 tỉ đồng, bằng 96,9% so với dự toán năm.
Như vậy, năm 2016, mức thâm hụt ngân sách khoảng gần 192.000 tỉ đồng. Thâm hụt ngân sách là một nguyên nhân dẫn đến tốc độ nợ công gia tăng. Mới đây, tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá, nợ công tính đến năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỉ đồng, bằng 62,2% GDP.
Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2016, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỉ đồng, tương ứng 20 tỉ USD và dự kiến mức trả nợ vay năm nay tăng lên 273.000 tỉ đồng (12 tỉ USD).
Hiện Bộ Tài chính đang tích cực chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan thực hiện thu hồi nợ đọng thuế và các khoản phải thu qua công tác thanh tra, kiểm toán; đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách nhà nước từ bán vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Trong một diễn biến khác, tỷ giá USD/VND được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng từ 2 đến 4% năm 2017, được xem là một áp lực cho nền kinh tế.
Theo VCBS, mặc dù có những biến động nhất định vào từng thời điểm nhưng nhìn chung 2016 được ghi nhận là một năm khá ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cụ thể, trong khoảng chín tháng đầu năm, tỷ giá bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại ít biến động và phổ biến vào khoảng 22.330-22.350 VND/USD.
Bước sang quý IV, đặc biệt là từ tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 12 và đi kèm lộ trình tăng lãi suất mạnh hơn trong năm 2017, dẫn tới giá USD tăng trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, yếu tố mùa vụ thanh toán, tỷ giá tại hệ thống ngân hàng thương mại liên tục tăng và đến cuối tháng 12 phổ biến ở mức 22.790-22.800 VND/USD, tăng khoảng 1,1% so với cuối năm 2015.
VCBS cho rằng áp lực từ phía bên ngoài và thị trường thế giới sẽ tiếp tục là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối với tâm điểm là đồng USD mạnh lên đi cùng sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED. Cùng với đó là sức ép giảm giá mạnh của nhiều đồng tiền trong khu vực.
Nguồn cung ngoại tệ trong nước năm 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục dồi dào và là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND. Xét về yếu tố vĩ mô, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động, là cơ sở đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn trong thời gian tới. Theo VCBS, trong năm 2017, mặc dù tiếp tục chịu nhiều áp lực từ phía thế giới nhưng nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng ở mức dồi dào sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng.
- Gia Minh