Theo các chuyên gia tài chính cá nhân, những câu nói kiểu “Tiền không mọc trên cây”, “Phải mất tiền mới có thể kiếm được tiền”, “Tiền là gốc rễ của mọi tội lỗi”… là điều chúng ta nên tránh xa mỗi khi nghe thấy.
Scott Trench, chuyên gia tài chính cá nhân, hiện là Phó giám đốc của Công ty tài chính BiggerPockets, nói: “Hầu như chúng ta phải nghe những câu nói sai về tiền bạc mỗi ngày. Từ sáng thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Mặc cho chúng ta tranh cãi, nghi ngờ hay phủ nhận chúng, cũng chẳng có cách nào có thể ngăn mọi người nhắc đến chúng cả. Bởi thay đổi tư duy của một con người không phải là việc của chúng ta, mà là việc của thượng đế và của chính họ. Cách tốt nhất mà bạn có thể áp dụng, là hãy biết rằng những câu nói về tiền bạc kiểu đó là không đúng và lờ chúng đi”.
“Phải mất tiền để kiếm được tiền”
Theo Scott Trench, “Phải mất tiền mới kiếm được tiền” là một trong những câu nói sai phổ biến nhất mà mọi người thường nói với nhau hằng ngày.
“Người ta cứ nghĩ và nói như thế bởi vì họ đang biện hộ cho tình trạng thất bại và trì hoãn của bản thân. Ai cũng biết rằng tiền sinh ra tiền; nhưng để kiếm tiền, bạn không bắt buộc phải mất tiền. Hãy tự đặt câu hỏi, người giàu sẽ làm gì khi vào tình huống của bạn, và bạn sẽ nhận ra, chìa khóa của sự giàu có, là không bao giờ làm mất tiền. Người giàu luôn nghiên cứu kỹ cơ hội, theo dõi và đo lường chi tiết hoạt động của mình. Họ không bao giờ muốn để tiền bạc thoát khỏi tầm nhìn. Họ đầu tư để tiền sinh lời, chứ không phải chơi cá cược, đánh mất tiền do may rủi”.
“Tiền không mọc trên cây”
Steve Siebold, tỉ phú tự thân nổi tiếng người Mỹ, tác giả của cuốn sách How Rich People Think (tạm dịch: Cách nghĩ của người giàu), luôn tin rằng tiền bạc có thể phát triển như một cái cây, chỉ có điều đấy không phải là cây hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy.
“Người ta nói tiền bạc không mọc trên cây, bởi họ là những người luôn tin rằng tiền bạc khan hiếm và khó kiếm được. Thay vì nhìn thấy tiền bạc tới từ các cơ hội khác nhau, những người này lại tự giới hạn mình bằng việc đưa ra hàng tá lý do, những khó khăn không thể khắc phục. Tiền bạc tất nhiên là không mọc trên cây, nhưng cũng có những nguyên tắc để phát triển như một cái cây vậy. Bạn phải ươm mầm, chăm bón, hy sinh nhiều thứ để hạt giống phát triển. Rồi từ gốc rễ vững chắc, những cành nhánh cứng cáp sẽ xuất hiện để tạo ra hoa thơm quả ngọt cho hành trình của bạn”.
“Tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi”
Tiền bạc là gốc rễ của mọi điều ác, hay vì tiền, con người có thể trở thành ác quỷ – thường là tiền đề để kéo theo vô vàn những câu nói sau đó, như người giàu là những kẻ xấu xa, nghèo khó mới thanh cao, trong sạch…
Khi còn nhỏ, Ed Brancheau, Giám đốc điều hành của Công ty tài chính Goozleology, thường xuyên nghe bà của mình nói như vậy và ông nhận ra rằng đó là câu nói sai nguy hiểm mà những người không giàu thường truyền tai nhau.
“Dĩ nhiên, nếu bạn nghe thấy hết lần này đến lần khác câu nói ấy khi còn là một đứa trẻ, thì lớn lên, đôi lúc bạn sẽ thấy việc tích lũy tiền và khát khao làm giàu là một việc xấu xa. Nhưng sự thật mà ai trong chúng ta cũng cần biết là tiền chẳng khiến con người ta xấu xa, bởi việc đổ lỗi cho tiền chẳng khác nào việc đổ lỗi cho phụ nữ là cội nguồn của mọi tội lỗi. Mọi xấu xa là do bản tính của con người. Tiền bạc chỉ làm phóng đại chúng lên mà thôi”.
“Người giàu có là những người rất ích kỷ”
Rất nhiều người thường cho rằng người giàu rất ích kỷ, chỉ sống cho bản thân, làm mọi việc để thỏa mãn nhu cầu bản thân và luôn bắt mọi người phục vụ cho mình. Tuy nhiên, Steve Siebold nhận định rằng, giống như một hạt giống khi mới ươm mầm, bất cứ ai muốn có được sự giàu có, đều phải tự trải qua một quá trình hoàn thiện bản thân vô cùng gian nan, cực nhọc, và một hạt giống mà cứ lo việc chia sẻ dưỡng chất, thời gian phát triển cho những hạt giống khác, thì sau này khó trở thành một cái cây to lớn được.
“Xã hội này thường hay dạy chúng ta nên cho đi. Và mọi người được lên kế hoạch từ khi còn rất nhỏ là hãy đáp ứng nhu cầu của người khác ngay khi có cơ hội. Điều đó là rất nhân văn và không có gì sai. Nhưng bạn phải hiểu, để trở nên giàu có, bạn cần có một khoảng thời gian để ươm mầm, dành nguồn lực cho việc phát triển các kỹ năng của bản thân hoặc công việc kinh doanh của mình, nhằm đạt được mức độ như mình mong muốn. Khoảng thời gian này, dài ngắn tùy từng người, nhưng khi ươm mầm mà phân tán nguồn lực cũng đồng nghĩa với tự bắn vào chân mình. Và sau khi giai đoạn khó khăn này kết thúc, hiếm có người giàu nào lại keo kiệt và ích kỷ như những lời đồn đại của mọi người”.
- Tuấn Thành