Jeff Rose là một trong những chuyên gia tài chính nổi tiếng ở Mỹ, với 25 năm kinh nghiệm. Là giám đốc điều hành công ty tài chính Alliance Wealth Management, tác giả quyển sách Soldier of Finance (Chiến binh Tài chính), nhà bình luận tài chính cho The Wall Street Journal, USA Today, Reuters…), nên Jeff Rose luôn nhận được rất nhiều câu hỏi cần giải đáp liên quan đến tài chính. Và ông nhận ra một điều khá thú vị là không chỉ những người có thu nhập chưa cao và đang đi tìm sự tự do tài chính mới cần tư vấn về vấn đề này, mà người có nền tảng tài chính vững chắc (thu nhập ròng tối thiểu 125.000 USD/năm – nhóm người chiếm khoảng 20% dân số Mỹ) cũng bị làm khó bởi một số vấn đề hóc búa. Cụ thể là ba câu hỏi mà Jeff Rose thường xuyên nhận được dưới đây.
Khi nào tôi có thể dừng lại?
Có một sự thật là những người có nền tảng tài chính vững chắc thường dễ dàng khi bắt đầu và theo đuổi hành trình làm giàu, nhưng lại thường gặp khó khi xác định điểm dừng lại của hành trình đó. Ngay cả khi có trong tài khoản hàng triệu USD, họ cũng không chắc rằng như vậy đã đủ hay chưa, đã tới thời điểm để nghỉ việc, về hưu và tận hưởng cuộc sống thoải mái hay chưa.
Nguyên nhân của việc này thường do hai yếu tố, sự sợ hãi về tuổi già, về tương lai và hội chứng FOMO (Fear of missing out – sợ hãi bỏ lỡ).
Sợ hãi về tương lai nghĩa là chúng ta lo lắng các chi phí trong tương lai có thể vượt quá những gì chúng ta có được. Chúng ta lo sợ chính sách bảo hiểm nhân thọ, số tiền đầu tư, tài sản sở hữu… có thể sẽ không đủ cho tương lai, khi các vấn đề về lạm phát, thay đổi thể chế… có thể trở nên tồi tệ trong mười, hai mươi, ba mươi năm tới.
Còn hội chứng FOMO là nỗi lo sợ nếu bỏ việc, nghỉ hưu sớm, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội lớn hơn, vận may lớn hơn trong tương lai.
“Thật khó để bắt đầu hành trình xây dựng sự giàu có, nhưng thậm chí còn khó hơn nữa để biết đâu là điểm dừng cho hành trình ấy. Lời khuyên của tôi, bên cạnh các vấn đề kỹ thuật, như việc hãy tạo ra sự đa dạng về thu nhập, không bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ, lựa chọn thông minh các loại bảo hiểm…, thì bạn nên xác định rõ mục tiêu, thứ mình muốn có khi dấn thân vào hành trình, tốt nhất là trước khi bắt đầu hành trình ấy” – Jeff Rose chia sẻ.
Làm thế nào để giảm thuế?
Có thể nhiều người cho rằng tìm cách giảm thuế là một trong những hành động xấu xa của người giàu, như thể họ chối bỏ những trách nhiệm xã hội. Nhưng sự thật thì tìm cách giảm thuế không xấu như vậy. Bởi giảm thuế khác với trốn thuế hay gian lận thuế. Giảm thuế chỉ đơn giản là cách chúng ta bảo toàn thu nhập của bản thân trong khuôn khổ luật lệ cho phép và được nhà nước ủng hộ.
Jeff Rose cho biết: “Không chỉ tôi, mà bạn tôi, chuyên gia tài chính Joseph Carbone, cũng thường xuyên nhận được các câu hỏi về việc giảm thuế từ các khách hàng giàu có. Tất nhiên, chúng tôi không nghĩ đó là xấu xa, mà chỉ nhìn nhận đó là một hành động hợp pháp có tính toán”. Và theo Jeff Rose, cách tốt nhất bạn nên sử dụng đó là đầu tư. Bởi đầu tư là một việc kích cầu thị trường, nên ở hầu hết các quốc gia, thuế suất phải chịu từ lợi nhuận các khoản đầu tư thường thấp hơn so với mặt bằng chung (ở nước ta, thuế suất thu nhập cá nhân từ đầu tư là 5%).
Làm sao để dạy con cái về sự giàu có?
Những người giàu thường muốn con cái của họ cũng thành công về mặt tài chính như họ, nhưng thật không may, đây là một ước muốn mà họ thường gặp khó khi thực hiện. Bởi vì bố mẹ thường có lối sống sang trọng, dư giả, vì thế thường rất khó truyền đạt cho con cái những bài học tài chính quan trọng, như sống dưới mức trung bình, giá trị của tiền, của đầu tư…
Cụ thể, khi một gia đình trung lưu hoặc có mức sống thấp mua sắm hàng hóa, họ có thể gián tiếp dạy cho con cái mình thấy được tầm quan trọng của việc mua sắm khôn ngoan, có tính toán, tiết chế các ham muốn… để giảm thiểu số tiền phải chi, nếu không muốn kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Những đứa trẻ khi lớn lên, vì thế, sẽ dễ dàng hình dung được các vấn đề tài chính.
Trong khi đó, ở các gia đình giàu có, thường có người giúp việc, quản gia… – những người mua hàng hóa, đồ đạc, chuẩn bị bữa ăn… thay cho bố mẹ, vì thế những đứa trẻ sẽ không thấy nhiều những hành động chi tiêu để qua đó học được các bài học về tài chính.
Brian Hanks, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ, nói về điều này trên trang Business Insider: “Cornelius Vanderbilt là một trong những người giàu có nhất thế giới năm 1877, nhưng chưa đầy 50 năm sau, không có một người họ Vanderbilt nào được biết đến trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Vì thế nếu bạn muốn dạy cho con mình những bài học về tiền bạc, về tài chính, hãy cho chúng thấy tận mắt cách sử dụng tiền của bạn. Hãy hạn chế việc thuê người khác sử dụng tiền cho bạn, nhất là trong phạm vi gia đình”.
- Minh Khang