Trong thế giới ngày nay rất khó để chúng ta có thể sống mà không cần đến các tiện ích công nghệ như điện thoại di động, ánh sáng nhân tạo, phương tiện giao thông, máy móc, thậm chí cả đồng hồ báo thức. Dẫu vậy, giữa văn minh hiện đại của thế kỷ XXI, một số bộ lạc bản địa vẫn kiên quyết giữ gìn lối sống từ thời Đồ đá. Về mặt tích cực, đây là nỗ lực bảo vệ bản sắc song đôi khi, vì cực đoan chống đối ảnh hưởng của đời sống hiện đại, một số bộ lạc có thể trở nên vô cùng tàn nhẫn đến mức giết cả trẻ sơ sinh ngoại lai để bảo toàn huyết thống.
Jarawa
Tộc người Jarawa sống trên quần đảo Andaman (Ấn Độ). Họ tự cho là mình đã sinh tồn tại đó từ 50.000-55.000 năm, là người châu Phi cổ di cư tới. Hiện nay, tộc người Jarawa có khoảng 400 người, chia ra thành khoảng 50 nhóm du mục, săn bằng cung tên, bắt cá trong rạn san hô và hái lượm trái cây, thu thập mật ong.
Một vài dấu hiệu chỉ ra rằng tộc người Jarawa coi bộ tộc Jangil (đã tuyệt chủng từ năm 1931) như tổ tiên, dù Jarawa mới là bộ lạc sống sót. Trước thế kỷ XIX, đất của người Jarawa nằm ở phía Đông Nam của đảo Nam Andaman. Sự xâm nhập của thuốc phiện, rượu và bệnh dịch dần đẩy họ về phía Tây. Những năm 1990, chính phủ Ấn Độ tiến hành kế hoạch buộc tộc người Jarawa phải tới các thị trấn, sống với nhịp công nghệ kỹ thuật hiện tại. Ban đầu, tộc người Jarawa khá nhiệt tình với dự án, tích cực tiếp xúc và hòa nhập. Tuy nhiên, kể từ năm 1998, sau khi sự giao lưu với thế giới bên ngoài ngày càng mở rộng, đặc biệt là với khách du lịch, lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh lạ với người Jarawa, nỗ lực đã ngừng lại. Chỉ vài tháng sau khi họ rời rừng đến sống tại các khu định cư, dịch sởi bùng phát. Năm 2004, tộc người Jarawa tuyên bố có thể sống tốt với việc săn tìm mật ong và truyền thụ kiến thức tự nhiên cho các thế hệ sau, tự quyết biệt lập, đóng cửa với văn minh hiện đại.
Lịch sử ghi nhận người Jarawa, từ thế kỷ XIX, trước sự xâm lược của Đế quốc Anh và sau này, vào Thế chiến thứ hai, với sự chiếm đóng của phát xít Nhật Bản, luôn thể hiện thái độ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ. Không chỉ là bộ lạc giữ vững nếp sống từ thời nguyên thủy, họ còn nổi tiếng là những chiến binh mạnh mẽ, đầy lòng dũng cảm, tự hào.
Trong vai một bộ tộc du mục, người Jarawa thường săn lợn rừng, kỳ đà bằng cung tên. Họ không sử dụng chó săn nhưng gần đây thì có. Nguồn thực phẩm từ đại dương cũng cực kỳ quan trọng đối với Jarawa. Đàn ông Jarawa lặn săn cá bằng cung tên. Phụ nữ Jarawa sử dụng giỏ. Các loại động vật thân mền, cá cúi, rùa biển là thức ăn chính. Ngoài ra, tộc người Jarawa cũng hái lượm trái cây, đào củ rừng, đặc biệt là săn mật ong. Để thuận lợi lấy mật, họ sử dụng một chiết xuất từ thực vật làm ong bị say.
Dù tộc người Jarawa kiên quyết từ chối hòa nhập với văn minh hiện đại, đường nhựa vẫn được đổ trên lãnh thổ của họ. Năm 2014, một đại diện của người Jarawa được cử ra để nói cho thế giới biết những hành động khủng khiếp mà người bên ngoài cố ý gây ra khi lấy danh nghĩa “viếng thăm” bộ tộc. Cảnh quay, hình ảnh cho thấy khách du lịch dụ dỗ các thiếu nữ Jarawa nhảy múa để đổi lấy thức ăn. Một số kẻ săn trộm còn đột nhập, ăn cắp thức ăn của người Jarawa, hãm hiếp phụ nữ.
Năm 2016, chính phủ Ấn Độ phải đối mặt với một vụ giết người khó kết án trong tộc người Jarawa. Nạn nhân là một trẻ sơ sinh. Mẹ của đứa trẻ bị hãm hiếp nên đứa con bị kết tội mang dòng máu ngoại tộc. Để duy trì sự tinh khiết của huyết thống Jarawa, bộ tộc đưa ra quyết định đứa bé phải chết.
Yanomami
Yanomami là một trong những nhóm bộ tộc bản địa lớn nhất vẫn theo lối sống cổ. Họ được cấp một dải đất để sinh tồn trên đường biên giới giữa Brazil và Venezuela. Khoảng 22.000 Yanomami đang sống tại Brazil và 16.000 người khác phân bố rải rác trong khu bảo tồn gần đó của Venezuela. Có thể vẫn còn một vài nhóm nhỏ khác chưa được phát hiện. Một vài nhóm Yanomami sử dụng vật liệu kỹ thuật làm bằng kim loại và vải vóc từ thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, phần lớn vẫn từ chối các sản phẩm từ văn minh hiện đại.
Trong nội bộ Yanomami, đàn ông trưởng thành nắm giữ vị trí quyền lực tối cao. Để trở thành thủ lĩnh mỗi làng, đàn ông phải thể hiện kỹ năng giải quyết các tranh chấp hiệu quả. Mỗi nhóm Yanomami thường là một đại gia đình được mở rộng qua các thế hệ, khoảng từ 50-400 người, sống thành làng dưới mái nhà chung shabono. Shabono có hình bầu dục hoặc tròn, chiều dài khoảng đất trống trong shabono trung bình vào khoảng 90m. Chu vi của shabono cũng là chu vi của một làng Yanomami. Dưới mái nhà chung shabono, các tiểu gia đình phân chia không gian. Toàn bộ shabono được làm từ nguyên liệu thô sơ của rừng nhiệt đới như lá cây, dây leo, gỗ. Chúng rất dễ bị mục nát do mưa gió, mối mọt. Bởi thế, cứ mỗi 4-6 năm, shabono cũ sẽ được dỡ bỏ, dựng cái mới.
Người Yanomami theo văn hóa canh tác dịch chuyển. Việc trồng trọt của họ phụ thuộc vào tài nguyên rừng mưa nhiệt đới. Lương thực của Yanomami chủ yếu đến từ trồng chuối, hái trái cây rừng, săn động vật, bắt cá. Khi đất canh tác cạn kiệt màu mỡ, họ chuyển sang vùng khác. Xã hội Yanomami theo chế độ đa thê. Việc nuôi dạy con do phụ nữ đảm nhiệm. Đàn ông gánh vác các việc nặng nhọc như dọn rừng lấy đất làm nông nghiệp.
Một trong các nguồn thực phẩm độc đáo của Yanomami là ấu trùng. Họ sử dụng hàm lượng muối cực thấp. Mỗi khi trúng mùa bội thu, shabono sẽ mở tiệc tưng bừng. Với lông vũ và hoa, các Yanomami tự trang điểm, ăn uống, múa hát suốt đêm.
Tập tục kỳ lạ của bộ tộc Yanomami là lấy tro cốt người chết làm gia vị chế biến món ăn. Niềm tin của người Yanomami là sự tồn tại của linh hồn. Để linh hồn người chết không biến mất, họ đưa phần còn lại của người đó vào trong cơ thể người sống. Xác người qua đời sẽ được quấn bằng lá, đặt trong rừng, cách xa shabono, để giòi bọ ăn hết phần da thịt (thường trong khoảng 30-45) ngày. Sau đó, người ta nhặt xương đem hỏa táng. Tro cốt lấy được sẽ nêm vào món súp chuối, chia cho cả làng ăn. Nó cũng có thể được bảo quản để… làm gia vị nấu ăn dần.
Phụ nữ Yanomami chịu trách nhiệm nội trợ, làm vườn, hái lượm các thực phẩm trong hoang dã. Nói chung, họ chỉ tránh việc săn bắt gây đổ máu. Vườn tược của Yanomami khá phong phú, bao gồm đủ các loại cây ăn quả, lấy củ như chuối, xoài, khoai lang, đủ đủ, sắn, ngô, mía… Bình minh vừa rạng, đàn ông Yanomami đi săn, phụ nữ và trẻ em tìm kiếm tổ mối, ấu trùng. Họ cũng kiếm cua, ếch, sâu bướm, cả dây leo, cái sẽ được dệt thành giỏ. Câu cá, làm thuốc độc nhúng mũi tên, nấu nướng… toàn bộ đều do phụ nữ đảm trách. Con gái đỡ đần mẹ. Con trai, kể từ năm 8 tuổi, đã gánh vác vai trò là thành viên nam trong cộng đồng. Giỏ của người Yanomami là đặc trưng văn hóa độc đáo. Họ đập vỏ và rễ cây làm lạt, đan và trang trí đẹp đẽ, đôi khi còn nhuộm màu bằng quả onoto hoặc urucu. Onoto hoặc urucu cũng được dùng làm màu vẽ cơ thể hoặc nhuộm vải.
Thiếu nữ Yanomami không được phép quan hệ tình dục trước khi có kinh nguyệt. Người Yanomami cho rằng máu kinh nguyệt là máu độc. Con gái Yanomami trong kỳ hành kinh sẽ bị nhốt trong lều, ngồi xổm cho đến khi hết “ngày đèn đỏ”. Họ cũng không được phép bốc thức ăn trực tiếp bằng tay mà phải qua cây que. Thời kỳ dậy thì đối với người Yanomami không mấy quan trọng với bé trai, nhưng cực kỳ quan trọng với bé gái. Sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên, bé gái luôn đóng khố kín kẽ. Kể từ lúc này, họ là phụ nữ trưởng thành, đảm nhận mọi trách nhiệm mà một phụ nữ Yanomami trưởng thành gánh vác.
Để thuận tiện cho việc săn bắt, người Yanomami điều chế độc dược tự nhiên. Họ nghiền nát một số loại thực vật và cây nho để tạo ra chất độc mà khi thả xuống sông, suối, chất độc này sẽ hút hết oxy của nước, khiến tôm cá chết ngạt, nổi lên. Tộc người Yanomami có kiến thức tự nhiên sâu rộng. Họ sử dụng khoảng 500 loại thực vật khác nhau để chế biến mọi thứ, từ thức ăn đến các loại thuốc.
Bản chất của nam giới Yanomami khá hung hăng. Họ nổi tiếng là bạo lực và hiếu chiến. Người ta gọi đàn ông Yanomami là những chiến binh. Nguồn thực phẩm hoang dã khan hiếm vì dân số đông đảo của bộ lạc khiến họ trở nên cạnh tranh, nhiều khi dẫn đến xung đột đẫm máu.
Đầu thập niên 1970, vàng được tìm thấy trong lãnh thổ của người Yanomami. Cơn sốt vàng bắt đầu, dẫn đến hậu quả không thể tránh khỏi: bệnh tật, nghiện ngập, đâm chém. Các nhóm đào vàng thâm nhập vùng đất của tộc người Yanomami, tấn công các shabono. Việc khai thác của họ cũng làm suy thoái môi trường, đẩy Yanomami vào tình trạng nguy hiểm. Chính phủ Brazil buộc phải khoang vùng vùng đất thuộc về Yanomami, biến chúng thành các khu bảo tồn, cấm sự xâm nhập của người bên ngoài.
Nomole
Dù bộ tộc Nomole ở Peru gọi mình là “Nomole” (anh chị em), người bên ngoài quen gọi họ với cái tên đầy khinh ghét và ghê sợ Mascho, tức “man rợ”. Là bộ tộc săn bắn du mục bản xứ, họ chủ yếu sống trong các vùng sâu xa của rừng nhiệt đới Amazon, Vườn quốc gia Manú, Madre de Dios. Dân số hiện tại của Nomole vào khoảng 600-800 người. Trong quá khứ, người Nomole luôn lẩn tránh, không tiếp xúc với người ngoài tộc.
Ngôn ngữ của Nomole là Piro. Năm 1894, tộc người Nomole bị tàn sát bởi Carlos Fitzcarrald, một nam tước Peru. Các Nomole sống sót trốn sâu hơn nữa trong rừng mưa. Sự xuất hiện của họ chỉ gia tăng trong thế kỷ XXI. Tháng 9.2007, một nhóm các nhà sinh thái học quay được khoảng 20 thành viên Nomole từ trên trực thăng. Họ khẳng định tộc người Nomole thích xây lều lá cọ trên bờ sông vào mùa khô, để câu cá. Mùa mưa tới, họ rút sâu vào rừng.
Chính quyền Peru cho biết tộc người Nomole không ngần ngại giết người bất cứ khi nào họ muốn, rất khó để tiếp cận, cải thiện quan hệ. Năm 2010, một đàn ông Peru bắt liên lạc với một nhóm Nomole, mời họ về nhà, tiến hành mua bán, trao đổi. Không biết giữa họ có xảy ra xích mích gì nhưng, chỉ sau một năm, người đàn ông này đã bị giết. Kể từ sau đó, Nomole thường xuyên đột kích các thị trấn gần rừng, cướp thức ăn, đồ dự trữ. Sau năm 2015, sự xuất hiện của họ trở nên khá thường xuyên, là nỗi ám ảnh của các cư dân xung quanh.
Trong thực tế, chính phủ Peru cấm công dân tiếp xúc với người Nomole, lo ngại lây nhiễm bệnh lạ từ người Nomole vì họ không được tiêm phòng. Có tin tức cho rằng, vào tháng 6.2014, 7 người Nomole xuất hiện ở làng Simpatia, Acre (Brazil), tiếp xúc với người Ashaninka sống tại đó và khiến các Ashaninka bị lây bệnh liên quan đến đường hô hấp. Văn hóa của người Nomole vì thế vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Một trong những đặc trưng độc đáo hiếm hoi của họ được biết đến là nghệ thuật lên men trái cây trong chậu tre để điều chế rượu.
Awa-Guaja
Awa-Guaja là một bộ lạc bản địa của Brazil sống trong rừng nhiệt đới thuộc phía Đông Amazon. Họ có khoảng 350 thành viên, 100 trong số đó tuyệt đối chưa từng liên hệ với thế giới bên ngoài. Awa-Guaja còn là bộ lạc có nguy cơ tuyệt chủng cao vì xung đột khai thác gỗ trên lãnh thổ.
Khoảng năm 1800, do cuộc xâm lược từ châu Âu, Awa-Guaja buộc phải chuyển đổi từ lối sống định cư sang du mục. Dẫu vậy, dân số của họ vẫn liên tục giảm do bị tấn công, gần như bị quét sạch khỏi các khu rừng. Từ những năm 1980, một số ít các Awa-Guaja chọn chuyển đến các khu định cư do chính phủ Brazil thành lập, phần lớn còn lại kiên quyết giữ lối sống cũ.
Năm 1982, Brazil nhận khoản vay 900 triệu USD từ Ngân hàng Liên minh châu Âu và thế giới với điều kiện phân định rõ ràng vùng đất dành cho người Awa-Guaja và bảo vệ họ. Tuy nhiên, phải mất 20 năm để chính phủ Brazil thực hiện cam kết này. Sau khá nhiều trường hợp bị tấn công, giết chóc, người Awa-Guaja cuối cùng có được đất riêng.
Có thể thấy, với tộc người Awa-Guaja, thế giới hiện đại đã làm không ít chuyện xấu. Hủy hoại đai tổ tiên họ để lại, tàn phá rừng, tấn công giết người. Một loại các cuộc lấn chiếm đất đai, thảm sát từ thế giới bên ngoài đã khiến dân số Awa-Guaja giảm xuống chỉ còn 300 người. Năm 2011, một nhóm buôn lậu còn thiêu chết một bé gái mới 8 tuổi của bộ tộc. Tính từ năm 2003-2010, khoảng 450 người Awa-Guaja bị sát hại. Hiện tại, Awa-Guaja được xem là bộ tộc bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng nhất trên trái đất.
Khác với nhiều bộ tộc bản địa hung hăng, tàn nhẫn, người Awa-Guaja cực kỳ hiền lành. Họ được xem là bộ lạc hòa bình nhất hành tinh. Luôn tránh mọi xung đột và hiếu khách với bất kỳ ai ghé thăm, người Awa-Guaja thật sự là những con người tốt tính. Họ cũng chỉ săn bắn đủ dùng, tuyệt đối không lạm dụng và luôn tuân thủ giới hạn thời gian dành cho săn bắn trong năm.
Sống theo các gia đình, người Awa-Guaja chọn tên dựa vào tên các sinh vật rừng yêu thích nhất, rất chịu khó chăn nuôi. Là bộ lạc bán du mục, mỗi khi di chuyển, Awa-Guaja mang theo tất cả mọi thứ, bao gồm cả các vật nuôi. Hầu như trong mỗi nhà Awa-Guaja đều có nuôi các động vật đáng yêu như vẹt đuôi dài, cú, agoutis và khỉ.
Sentinelese
Khác với tộc người Awa-Guaja luôn mở rộng cửa chào đón bất cứ ai, tộc Sentinelese, đảo Bắc Sentinel, Ấn Độ giết bất cứ người nào dám đặt chân vào lãnh địa của họ. Nếu muốn tặng gì đó cho Sentinelese, bạn phải đặt quà của mình trên bờ đảo. Người Sentinelese sẽ cảm ơn bằng đá hoặc mũi tên. Sự sinh tồn của người Sentinelese chủ yếu dựa vào săn bắt thú rừng, câu cá và nhặt nhạnh rau cỏ hoang, hoàn toàn không trồng trọt. Dân số của Sentinelese cũng không có con số rõ ràng, ước tính dao động từ 40-500 người. Đặc điểm nhận dạng: lùn, đen, tóc afro.
Nhà của người Sentinelese là kiểu lều chỉ có mái, không có tường, sàn lót lá. Nó chỉ đủ không gian cho khoảng 3-4 người, cái lớn nhất cũng chỉ chừng 12m2. Không sẵn khoáng sản kim loại nên người Sentinelese lợi dụng các vật phẩm bằng kim loại bị bỏ lại tại bờ biển hoặc do sóng đánh vào. Họ cũng tận dụng sắt từ tàu mắc cạn trên rạn san hô ngoài đảo. Vũ khí quen thuộc của người Sentinelese mũi tên và mũi lao có ngạnh. Công cụ chủ yếu là đồ vật làm bằng đá và giỏ đan từ tre hay dây leo. Họ giữ lửa bằng than hoặc đuốc, không có bất cứ phương pháp tạo ra lửa nào khác. Thực phẩm chủ yếu của người Sentinelese: dừa, đồ trôi dạt tấp vào bãi biển, thịt lợn, mật ong.
Tài liệu thám hiểm của Ba Tư nói rằng người Sentinelese ăn thịt đồng loại song điều này chưa được chứng thực. Điều chắc chắn là Sentinelese cực kỳ căm ghét thế giới bên ngoài. Năm 2006, hai ngư dân Ấn Độ, do tới quá gần hòn đảo, đã bị giết. Các nhà chức trách Ấn Độ cố xin lại xác của họ nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, hai ngôi mộ cho hai nạn nhân đã được dựng lên. Chuyện ăn thịt người có lẽ chỉ là bịa đặt.
Năm 2004, một cơn sóng thần quét thẳng vào khu vực sống của người Sentinelese. Người ta tưởng toàn bộ bộ lạc đã bị xóa sổ song khi các nhà nhân học bay qua Bắc Sentinel, khá nhiều nhóm Sentinelese đã xuất hiện từ sau các bụi cây, vẫy chào họ bằng những mũi tên.
Huaorani, Tagaeri, Taromenane
Huaorani là bộ tộc bản địa của Ecuador, Nam Mỹ, với dân số chừng 4.000 người, nói ngôn ngữ độc nhất Huaorani, tiếng nói không có sự liên quan với bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Suốt nhiều thập kỷ, người Huaorani chiến đấu với bên ngoài để bảo vệ bản sắc văn hóa. Trong khoảng 40 năm trở lại đây, họ chuyển từ xã hội săn bắn, hái lượm di cư sang định cư lâu dài trong rừng. Có tổng cộng 5 bộ lạc Huaorani: Tagaeri, Huiíatare, Oíamenane, và hai nhóm Taromenane.
Dù Ecuador giàu có dầu, điều ấy không là hạnh phúc với người Huaorani. Thay vì hào hứng với các tiến bộ của hiện đại, họ xót xa với các giá trị cổ xưa. Từ những năm 1950, hầu những người Huaorani rời khỏi cuộc sống thành thị, trở lại rừng. Dẫu vậy, họ vẫn giữ cả hai nền văn minh, lồng ghép tiện nghi hiện đại với lối sống cổ xưa.
Tagaeri và Taromenane là hai bộ lạc tách từ bộ tộc Huaorani trong những năm 1970. Họ nỗ lực tiếp nối cách sống du mục cổ, ngày càng vào sâu hơn trong rừng mưa Ecuador. Các công ty khai thác gỗ đưa ra thông điệp cảnh cáo rõ ràng. Năm 1999, Ecuador ngầm đồng ý quy hoạch một khu vực riêng cho Tagaeri và Taromenane. Tiếc là khi dầu và cây cối vẫn còn thì kẻ tham lam cũng không biến mất. Thông điệp cảnh cáo của người Tagaeri và Taromenane có lẽ không nhiều tác động.
Với bộ tộc Huaorani, toàn thế giới là một khu rừng. Họ xem rừng là nhà. Chỉ khi sống trong rừng, người Huaorani mới có cảm giác an toàn. Thế giới quan của người Huaorani là rừng vô tận. Họ không có quan niệm chia tách thể xác với tâm hồn. Người chết sẽ đứng giữa trung tâm của Đông – Tây, đối mặt trăn khổng lồ. Nếu sinh thời lương thiện, trăn khổng lồ sẽ để họ đi về phía Đông, đầu thai làm người. Ngược lại, trăn khổng lồ sẽ ép họ phải đi về phía tây, đầu thai làm động vật, thường là trở thành con mối.
Trước khi thực hiện chuyến đi săn, pháp sư của cộng đồng Huaorani sẽ làm lễ cầu nguyện. Họ hạn chế săn khỉ, chim, lợn lòi, tuyệt đối không săn rắn, báo đốm. Văn hóa Huaorani tin rắn là lực lượng tà ác bậc nhất, một điềm xấu. Giết chúng là điều cấm kỵ. Trái lại, báo đốm là hiện thân của thần linh. Pháp sư luôn liên kết với báo đốm về mặt tâm linh. Người Huaorani cũng không săn hươu (vì nó có đôi mắt như mắt người), thường thổi phi tiêu tẩm độc để không gây vết thương lớn và sự đau đớn cho động vật bị săn.
Kawahiva
Kawahiva là một tộc người du mục của Brazil. Thế giới hiện đại vẫn chưa biết nhiều về họ. Lý do khá đau lòng: họ quá vất vả để sống sót nên không còn thời gian tiếp xúc với bên ngoài. Thay vì tấn công, cướp bóc như tộc người Nomole, người Kawahiva là nạn nhân bị xua đuổi, tận diệt. Năm 2005, các công tố viên Brazil đã cố gắng để kết tội nạn diệt chủng với người Kawahiva nhưng thất bại, vì thiếu bằng chứng. Có đến 29 người bị cáo buộc tội cố ý sát hại các thành viên còn lại của bộ lạc Kawahiva. Sống tại mảnh đất nằm trong một đô thị, nơi 90% thu nhập của khu vực là từ khai thác gỗ bất hợp pháp, người Kawahiva trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công giết chóc.
Thế giới chỉ biết đến người Kawahiva từ năm 1999, nhưng bộ tộc có thể có mặt từ đầu thế kỷ XIII. Chỉ định khu vực sinh tồn của họ từ chính phủ Brazil là 40.000 mẫu Anh, cấm các hoạt động khai thác gỗ, mỏ và sự xâm nhập từ bên ngoài.
Vì liên tục phải di chuyển để tránh các mối đe dọa, văn hóa Kawahiva với người hiện đại chỉ là các bằng chứng vật lý để lại như mũi tên, giỏ, võng, thảm ngủ. Họ sử dụng bánh xe để quay sợi, kết thành lưới. Như nhiều bộ tộc bản địa khác, người Kawahiva cũng săn bắt và đánh cá. Họ chỉ dựng các lều lán ở tạm, không định cư lâu dài tại một địa điểm. Kawahiva cũng nuôi một số động vật, có xu hướng chăm chỉ trồng trọt, làm vườn cho đến khi buộc phải di chuyển tới nơi ở khác bởi những kẻ muốn lấy mạng họ. Ước tính năm 2016, cả bộ lạc chỉ còn khoảng 25-50 người.
Hadza
Với 1.300 thành viên, tộc người Hadza là một trong những bộ lạc thợ săn cuối cùng của Châu Phi, sống khá gần đường xích đạo, dọc theo Hồ Eyasi ở Tanzania, vùng Đông Phi. Đây cũng là nơi mà tổ tiên Hadza cách đây 1,9 triệu năm từng sinh sống. Về mặt di truyền, người Hadza không liên quan mật thiết với bất kỳ tộc người nào. Ngôn ngữ của họ cũng là ngôn ngữ biệt lập, không dây mơ rễ má với tiếng nói khác.
Hiện tại, chỉ có khoảng 300-400 Hadza giữ lối sống cổ xưa. Họ phải đối mặt với sự mất mát đến 90% đất đai bởi chính phủ cho rằng vì người Hadza không trồng trọt hay chăn nuôi nên không có quyền sử dụng đất.
Năm 2011, tộc Hadza giành lại được một phần đất nhưng lại nảy sinh vấn đề khác. Hầu hết động vật lớn như trâu rừng, hươu cao cổ, thực phẩm chủ yếu của người Hadza từ thời xưa, giảm sút đáng kể, khiến họ không thể duy trì lối sống săn bắt cũ. Không còn cách nào khác, người Hadza buộc phải chuyển sang động vật nhỏ hơn. Cái đáng mừng là họ đã có quyền sử dụng đất. Người Hadza cũng có niềm tin chung là sống chia sẻ. Họ chia sẻ mọi thứ, từ thực phẩm đến tài sản cá nhân.
Sau khi thôn tính châu Phi, chính phủ thực dân Anh từng tìm mọi cách cưỡng ép người Hadza sống định cư, canh tác. Tuy nhiên, mọi cố gắng của họ đều thất bại. Sau làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cả thế giới trước việc chính quyền Tanzania quyết định cho gia tộc Al Nahyan của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thuê 6.500 km2 vùng đất của tộc Hadza làm “đất săn tư nhân”, người Hadza giành lại được khu vực sinh tồn.
Thức ăn chủ yếu của người Hadza: thịt động vật, quả mọng và mật ong. Họ ưa ca hát, thường lập các “trại” khoảng 20-30 người. Mâu thuẫn trong trại do các cá nhân tự giải quyết. Điểm nổi bật của người Hadza là nhân cách vị tha. Họ đặc biệt quan tâm chăm sóc trẻ em, luôn dành cho trẻ sự ưu tiên bậc nhất.
Các trại của Hadza thường xuyên dịch chuyển có thể vì lý do xung đột, bệnh tật, cạn kiệt nguồn thức ăn… Tuy nhiên, vì cấu trúc đơn giản, nó sẽ được dựng lại chỉ trong vòng vài giờ. Dù không quy định, người Hadza vẫn thực hiện chế độ một vợ một chồng. Đàn ông Hadza tự nấu ăn, mang thực phẩm hoang dã kiếm được về nhà. Phụ nữ tìm rau trái, luôn sẵn sàng chia sẻ với các thành viên khác. Mùa mưa, thức ăn của họ dồi dào, bao gồm rau, quả, củ, thịt, mật ong. Mùa khô, do thuận lợi săn bắt tại các điểm có nước (do động vật tập trung để uống), thịt là nguồn thực phẩm chính. Đàn ông Hadza vào mùa khô thường đi săn theo cặp, chờ chực cả đêm bên vũng nước, sử dụng cung tên có tẩm độc. Chất độc chủ yếu làm từ cây sứ sa mạc. Với khả năng thích nghi cao và thói quen chia sẻ, người Hadza sinh tồn khá dễ trong tự nhiên.
Vật dụng hàng ngày của phụ nữ Hadza là giỏ đan bằng cỏ hoặc túi vải, túi da, dao, giày, quần áo và nhiều món đồ nhỏ lặt vặt khác. Đàn ông Hadza luôn mang theo rìu, cung tên, dao, hũ đựng mật. Trong khi đàn ông chuyên săn thịt, mật ong, trái cây bao báp, phụ nữ kiếm củ, quả mọng và rau xanh. Sự phân công lao động trong cộng đồng Hadza tuy rõ ràng song, đôi khi, phụ nữ cũng săn động vật nhỏ, nhặt trứng hoặc lấy mật ong còn đàn ông mang về củ, quả.