Nghe rằng ở ngoài khơi Nam Thái Bình Dương có những ngôi làng với đời sống bộ tộc hoang sơ, che thân bằng cỏ lá, chưa từng biết đến thế giới văn minh của loài người, họ sống hòa quyện với thiên nhiên, ngày vào rừng đào củ, ra đại dương câu cá, đêm về ngủ đất, cả một đời không phải lo nghĩ cái ăn ngày mai.Kiểu làm đẹp của đàn ông trên đảo. Người đến từ thế giới hiện đại gọi miền đất ấy là thiên đường, là chốn thần tiên. Chúng tôi cũng lần tìm về nơi ấy, với mong muốn một lần trong đời được trải nghiệm cảm giác say chốn cảnh tiên miền hạ giới cùng người bản địa.
Chốn thần tiên xa xôi ấy chính là các hòn đảo như Efate, Santo, Tana… thuộc nước cộng hòa Vanuatu, nếu tính đi từ Việt Nam, kể cũng khá phức tạp, bởi nó tận Nam Thái Bình Dương, gần với những đảo quốc và vùng lãnh thổ như Fiji, Solomon, New Caledonia, cách Brisbane, Úc gần 2.500km. Trong danh sách các quốc gia góp phần làm cho trái đất thêm hạnh phúc ở năm 2006, đảo quốc Vanuatu là quốc gia đứng đầu trong tổng số 178 nước được xếp hạng theo các tiêu chí sống lâu, hạnh phúc và mức độ tác động đến môi trường.
Diện kiến thổ dân
Điều khiến chúng tôi tò mò nhất khi đến xứ đảo Vanuatu là những người thổ dân nguyên thủy, họ sống ở những ngôi nhà trên ngọn cây để tránh thú dữ, phụ nữ che thân bằng váy cỏ, đàn ông che sinh thực khí của mình bằng nambas, giống với kiểu che thân bằng koteka (trái bầu khô) của người đàn ông Dani, Lani hay Yali ở Papua (Indonesia).
Để gặp được những thổ dân nguyên sơ ấy, từ thủ đô Port Villa, tôi phải đi tiếp đến đảo Tanna, cách Port Villa khoảng nửa giờ bay xuôi theo hướng nam, rồi mất thêm một giờ băng rừng, vượt suối theo đường mòn bằng chiếc Range Rover chuyên dụng, mới đến được nơi ở của bộ tộc người Melanesian. Họ là những bộ tộc từng có tập tục ăn thịt người sau những lần giao tranh giành lãnh thổ, phụ nữ, hoặc có những hiềm khích giữa các làng phải giải quyết bằng các trận huyết chiến. Từng bước chân dẫn lối đến ngôi làng Naoka ở Tanna, cảm xúc vừa vui mừng, vừa lo lắng và hồi hộp, bởi nghe có thông tin vụ ăn thịt người gần đây nhất trên đảo quốc Vanuatu là vào năm 1996.
Gần đến làng, những người đàn ông đầu tiên xuất hiện, nổi bật với cách trang trí gương mặt bằng màu sắc lấy từ tự nhiên như vỏ cây, than, đất trắng, các vòng chuỗi tự tạo. Tôi cùng người bạn dẫn đường theo cánh đàn ông đi sâu vào trong làng, khám phá nhà trên cây, cả những ngôi nhà tạm bợ dưới đất. Trong nhà chẳng có gì, thứ quý nhất gặp được, có lẽ là chiếc rìu – một công cụ lao động như từ thời tiền sử. Khái niệm tiêu tiền ở đây hẳn là chuyện lạ, mọi sản vật lấy từ rừng về, đều được đem ra trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng, hoặc dùng kim bảng vị là nanh heo, vòng đeo, ốc hóa thạch… đổi lấy thực phẩm.
Sắc màu hạnh phúc
Chợt nhớ lại tước hiệu công nhận đây là xứ đảo hạnh phúc nhất thế giới, nhưng đời sống cụ thể của thổ dân ở ngôi làng này thật là một hình ảnh trái ngược theo suy nghĩ ban đầu. Sống cùng người làng Naoka, tôi hiểu ra nhiều điều đằng sau hai chữ “hạnh phúc” giản đơn ấy.
Đầu tiên là sự thanh thản với cuộc sống, đàn ông ở đây là người trụ cột gia đình, lo trách nhiệm kiếm lương thực, săn bắn, hái lượm, phụ nữở nhà sanh con, đẻ cái, chuẩn bị bữa ăn hằng ngày. Điều thú vị là đi khắp làng, gặp người đàn ông nào cũng đầy vẻ tươi vui, cười mãn nguyện. Bởi rằng, ai đến tuổi trưởng thành, họ cũng có một mái ấm để chăm lo cho hạnh phúc vợ chồng, con cái. Còn về lương thực, rừng – biển là một kho dự trữ bất tận. Chỉ bước ra hiên nhà vài mét, là cả một vạt rừng dày đặc củ khoai từ, thức ăn chính của thổ dân.
Thời tiết trên đảo quanh năm ở mức 20-25 độ C, lại nhận được nguồn tro núi lửa Yasur cung cấp cho đất cùng điều kiện mưa và độẩm hợp lý, thế nên vạn vật nơi đây lúc nào cũng xanh tươi, hoa lá đầy màu sắc. Và người đàn ông tận dụng nét đẹp thiên nhiên ấy làm đẹp cho mình, ngoài việc thể hiện sức mạnh qua săn bắt, hái lượm, nét trang trí trên cơ thể bằng các hoa lá tự nhiên như biểu lộ rõ sự hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Sống với rừng, gắn bó với rừng, nhưng người thổ dân lại rất tôn trọng thiên nhiên, họ tôn cây cổ thụ là vua cây, là vị thần chở che cuộc sống của họ, hễ cành cây ngã đổ, họ chống đỡ để cành liền lạc lại, không bao giờ xâm hại đến vị vua thiên nhiên trong đời sống thường nhật của họ.
Ngày trở lại Port Villa để tiếp tục sống cùng người Ni – Vanuatu bản địa, sự thanh thản, bằng lòng với cuộc sống hiện tại cũng hiện hữu rất rõ qua cái ăn, nếp sinh hoạt của họ. Tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về những người làm công cho chủ, khi nhận lương xong, họ đem ăn xài cho hết tiền có khi mất vài ngày, khi trở lại làm việc, chủ hỏi vì sao nghỉ, câu trả lời đơn giản chỉ là: Ăn chơi mệt, nghỉ! Có đuổi việc, họ lại lững thững tìm việc mới. Vẻ như chuyện kiếm tiền, ở xứ đảo này, dường như chỉ là phụ.
Hạnh phúc với thiên nhiên
Sự an nhiên, tự tại và hạnh phúc trong cuộc sống của người dân đảo Vanuatu là nhờ vào người mẹ thiên nhiên che chở, cưu mang họ. Ngoài nguồn lương thực dồi dào, vẻ đẹp hoang sơ như một cõi thần tiên của đảo không phải nơi nào trên thế giới cũng sở hữu được.
Cái cảm giác ngỡ ngàng, lặng người trước thiên nhiên, hiếm hoi lắm mới có được ở những địa danh du lịch biển trong khu vực châu Á, châu Âu, thì ở Vanuatu, cảm xúc ấy xuất hiện và dâng trào gần như từng giây phút một. Rừng ở đây bạt ngàn, biển xanh với một màu xanh trong veo như ngọc bích, ôm trong đó là vô vàn những loài cá lạ. Có bữa tôi còn gặp được cả đồi mồi, hiền lành đến độ người bạn bản địa đồng hành cùng tôi có thể thò tay bắt chụp vài kiểu ảnh, rồi lại thả tự do vào thiên nhiên. Còn chình biển to bằng bắp chân thì vô số kể, khi thủy triều rút, lộ ra các rạn san hô đầy màu sắc, chỉ cần dùng ít cá xay nát đổ mép nước, chình lần lượt chui ra khỏi hang tìm đến kiếm mồi. Người ở đây không ăn chình, vì họ cho rằng thịt không ngon, ăn vào… ngứa cổ.
Mỗi buổi đi câu, với người Vanuatu, không phải câu cho được cá, bởi biển cá quá nhiều, mà quan trọng là câu được con cá gì lạ. Hôm ngồi ngoài bãi biển trên đảo Efate, đám dân câu đầy hả hê khi câu được bốn con cá hồng rất đẹp, tay câu cho biết giống cá này ở độ sâu hơn 200m. Và ở xứ đảo này, cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy ai đó xách cá lên bờ, rồi bạn đem vài lon cá đồ hộp đổi, họ sẽ lấy cá hộp để ăn thay vì cá tươi, bởi đỡ mất công chế biến, bởi ở xứ đảo này, cá hộp là hàng nhập, hẳn là… xa xỉ phẩm.
Chốn thần tiên bình dịở xứ đảo Vanuatu, không cao ốc, siêu xe, chẳng trung tâm mua sắm, đời sống vẻ ngoài có cảm giác nghèo, thiếu thốn mọi thứ, nhưng có một thứ mà xã hội hiện đại ao ước và khát khao tìm lại, đó là sự hạnh phúc, bình an tự tại trong mỗi con người khi được sống chan hòa trong vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ.