Ban biên tập và nhà xuất bản các tạp chí thường đau đáu một ý tưởng: cho ra đời những bìa báo nổi bật để đi vào lịch sử và thậm chí để bán được nhiều báo. Một số tạp chí đã đạt được mục tiêu này.
La Vie En Rose, số đặc biệt năm 2005
Ngưng hoạt động sau thời kỳ 1980 và 1987, tạp chí La Vie en rose tái xuất hiện với số báo đặc biệt năm 2005 và gây ấn tượng mạnh với ảnh bìa một phụ nữ trong khăn trùm kín mít, nhưng để hở phần chân với đôi giày cao gót – minh họa hùng hồn cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của phong trào đấu tranh cho nữ quyền vào thời ấy.
Ánh mắt của Sharbat Gula trên National Geographic
Năm 1984, trong một trại dành cho người tị nạn chiến tranh ở Peshawa (Pakistan), nhiếp ảnh gia Steve McCurry chụp gương mặt của Sharbat Gula, một bé gái mồ côi Afghanistan 12 tuổi. Thoạt tiên, ảnh này bị loại bởi giám đốc nghệ thuật của tạp chí. Tuy vậy, tin vào tiềm năng của ảnh, tổng biên tập quyết định cho đăng ảnh trên bìa tạp chí National Geographic vào tháng 6.1985. Đôi mắt mở to và cái nhìn bất động, lạnh lẽo của cô bé như kể lại nỗi thống khổ do chiến tranh. Một ảnh được nhắc đến nhiều nhất của tạp chí.
Gương mặt biến dạng của Aisha trên Time
“Điều sẽ xảy ra nếu chúng ta rời Afghanistan”, đó là tựa của tạp chí Time ngày 29.7.2010. Để minh họa, là ảnh của Aisha, một thiếu nữ Afghanistan 18 tuổi, trốn thoát bọn Taliban với gương mặt biến dạng. Cô bé Aisha được hứa gả cho một chiến binh Taliban lúc 14 tuổi, và bị đánh dập dã man. Lúc 18 tuổi, cô chạy trốn nhưng nhanh chóng bị bắt lại. Để trả thù, “gia đình chồng” đã cắt tai và mũi của cô. Cô được cứu sống bởi lực lượng cứu viện, rồi sang Mỹ. Ảnh của cô xuất hiện trên bìa tạp chí Time đã gây một số tranh cãi. Những người chống đối sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan cho rằng đây là một kiểu “khơi gợi cảm xúc thô thiển”, một số khác thấy đó là “lời kêu gọi ý thức mạnh mẽ”. Ảnh đã được trao giải ảnh báo chí thế giới (World Press Photo Award). (A 3)
Nếp nhăn của Hillary Clinton
Vào tháng 10.2016, vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, với 2 ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump, tạp chí L’Actualité đăng ảnh bìa (ít được sửa chi tiết) của nữ Ngoại trưởng Mỹ 67 tuổi nên ta có thể nhìn thấy những nếp nhăn hằn rõ trên mặt bà. Bức ảnh gây nhiều phản ứng tiêu cực. Tổng biên tập của tạp chí giải thích: “Nếp nhăn trên mặt bà Clinton? Nếu không có mới là lạ. Cả đời phục vụ cho cho đảng Dân chủ Mỹ đã làm sinh ra những nếp nhăn ấy. Nữ ngoại trưởng không phải là người cầu viện đến Botox để giữ nét trẻ trung”. Tác giả của bức ảnh chân phương ấy là Charles Ommanney (Anh).
Nelson Mandela, nhân vật huyền thoại
Là biểu tượng hòa bình trên thế giới, nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid, Tổng thống Nam Phi (1994-1999) Nelson Mandela xuất hiện nhiều lần trên nhiều bìa tạp chí. Nhưng có lẽ ảnh của ông trên tạp chí Time lúc ông qua đời vào tháng 12.2013 thể hiện rõ rệt hơn cả cái thần của người đã trải qua 27 năm sau song sắt nhà giam vì lý do chính trị.
Caitlyn Jenner, phụ nữ chuyển giới trên bìa Vanity Fair
William Bruce Jenner, sinh năm 1949, là vận động viên điền kinh Mỹ từng đoạt huy chương vàng 10 môn phối hợp tại Olympic Montréal 1976, rồi trở thành ngôi sao truyền hình Mỹ. Ông từng 3 lần kết hôn và có 6 con. Bruce Jenner công khai chuyển giới thành phụ nữ vào tháng 4.2015, với tên mới Caitlyn Jenner, rồi xuất hiện trong cương vị một phụ nữ trên bìa tạp chí Vanity Fair ra ngày 25.6.2015. Bức ảnh trên của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Annie Leibovitz, được trầm trồ đến độ một số người đã cải trang thành Caitlyn Jenner như trong ảnh tại lễ hội Halloween sau đó.
Martin Luther King Jr. trên Time
Mục sư Martin Luther King Jr. xuất hiện trên bìa tạp chí Time nhiều lần, đặc biệt nhờ vai trò của ông trong phong trào đòi quyền công dân vào năm 1957. Ông được tạp chí trên vinh danh “Nhân vật của năm” vào năm 1964, được ví là “Gandhi của Mỹ”. Cùng năm này ông được trao giải Nobel Hòa bình.
Kẻ tuẫn đạo Muhammad Ali
Có thể nói ảnh trên đã mô tả hùng hồn tình cảnh thập niên 1960, qua đó sự căng thẳng giưã tôn giáo và chủng tộc làm chao đảo giới thể thao vào thời kỳ ấy. Ảnh Muhammad Ali trên bìa tạp chí Esquire năm 1968 được gợi ý từ bộ tranh Saint-Sébastien của họa sĩ bậc thầy thời Phục hưng Ý Andrea Mantegna. Muhammad Ali cải sang đạo Hồi năm 1964 và thái độ phản đối chiến tranh quyết liệt khiến anh được xem là kẻ tuẫn đạo.
Kẻ bên lề
Ngày 2.5.2011, kẻ bị truy lùng ráo riết nhất thế giới bị bắn hạ bởi một đội biệt kích Mỹ. Hình của Bin Laden bị in đè chữ X màu đỏ xuất hiện trên bìa của tạp chí Time tuần ấy, khiến ta nhớ lại sự kiện tương tự sau cái chết của những nhân vật ác khác như Adolf Hitler vào năm 1945, Saddam Hussein vào năm 2003 và gã khủng bố Abu Musab al-Zarqawi vào năm 2006.
Ngày 11-9 trên The New Yorker
Những cuộc tấn công nhắm vào New York ngày 11-9-2001 tạo một bước ngoặt trong lịch sử hiện đại, được mô tả như một thảm kịch trên tạp chí The New Yorker vài ngày sau đó. Tòa tháp đôi đen ngòm hiện lờ mờ trên nền tối. Hai khoảng không gian trống và đen. Tác giả của minh họa này là Art Spiegelman và Francoise Mouly. Lần này, tạp chí chọn một minh họa cho trang bìa thay vì một ảnh chụp vì không có ảnh nào có thể thể hiện cảm giác trống rỗng và đau đớn sinh ra tứ biến cố kinh hoàng ấy.
Ảnh cuối cùng của John Lennon trên Rolling Stone
Vào tháng 12.1980, tạp chí Rolling Stone yêu cầu nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz chụp ảnh John Lennon, thành viên ban nhạc The Beatles. Ca sĩ đề nghị chụp chung với Yoko Ono, vợ anh, tại căn hộ của họ ở New York. Annie Leibovitz gợi ý chụp cả hai ở trạng thái khỏa thân. Yoko Ono không chấp thuận, vẫn mặc trang phục. John Lennon, thân trần, co rút, bám vào vợ như một đứa trẻ bám mẹ. Tính yếu ớt, buông xuôi của người đàn ông trong mối quan hệ (gây nhiều tranh cãi) được bộc lộ. Ảnh được chụp chỉ 5 tiếng đồng hồ trước khi John Lennon bị sát hại khi ra khỏi nhà (8.12.1980). Bức ảnh cuối cùng của anh. Tạp chí Rolling Stone đã làm hết sức để ảnh xuất hiện trên bìa báo tháng 1.1981.
Kẻ khủng bố ở Boston
Cũng tạp chí Rolling Stone, nhưng lần này là kiểu gây sốc và phản kháng cao độ, thậm chí bị tẩy chay. Số báo 1.8.2013, chỉ vài tháng sau vụ khủng bố xảy ra ở cuộc đua marathon tại Boston, đưa lên bìa ảnh của kẻ tình nghi số một vẫn còn sống, Dzhokhar Tsarnaev, với tựa “The Bomber”. Với tóc xoăn, râu lởm chởm, gã trông giống như một ngôi sao nhạc rock trên bìa một tạp chí chuyên về âm nhạc. Một kiểu tô điểm nét lãng mạn cho kẻ khủng bố. Một hình ảnh không thể chấp nhận.
Beyoncé và Vogue
Bìa tạp chí Vogue số tháng 9.2018 đang ảnh của Beyoncé và đây không phải là lần xuất hiện đầu tiên ảnh của nữ ca sĩ trên bìa tạp chí nổi tiếng này. Nữ hoàng nhạc pop từng hưởng vinh dự này vào các năm 2009, 2013 và 2015. Nhưng ở lần thứ tư lên bìa tạp chí thời trang này, người chụp ảnh Beyoncé là tay nhiếp ảnh trẻ Tyler Mitchell. Đây là lần đầu tiên tạp chí 125 năm tuổi này trao trách nhiệm ảnh bìa cho một nhiếp ảnh gia da đen.
Phôi thai trên bìa Life
Số báo ra ngày 30.4.1965 đã khiến độc giả sững sờ do ảnh bìa một phôi thai 18 tuần tuổi trong túi nước ối. Tác giả ảnh là phóng viên ảnh nổi tiếng người Thụy Điển Lennard Nilsson. Trong suốt 10 năm, ông ôm ấp ý tưởng thực hiện bộ ảnh màu những giai đoạn sinh sản nơi người, từ lúc thụ thai cho đến lúc chào đời. Những ảnh được gửi đến ban biên tập tạp chí Life đã gây xúc động cao độ. Lennard Nilsson là người đầu tiên chụp ảnh sự phát triển của sự sống nơi người. Điều ít ai biết: một phần lớn ảnh của ông thể hiện những phôi đã tắt sự sống.
Bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng năm 1969
Nhưng bìa nổi tiếng nhất của tạp chí Life hẳn là ảnh con người đặt chân lên mặt trăng lần đầu tiên. “To the Moon and Back” kể lại cuộc du hành lên mặt trăng thuộc sứ mệnh Apollo 11, ngày 20 và 21.7.1969. 2 tuần sau, ảnh phi hành gia Buzz Aldril, do Neil Amstrong chụp, phản chiếu trên mũ ông, xuất hiện trên bìa của Life. Một số báo được xem là vô giá, tuy vậy được bán trên Amazon với giá 265.000 USD.