Chỉ ít ngày sau khi bộ phim Mắt biếc do đạo diễn Victor Vũ thực hiện, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khởi chiếu rộng rãi trên toàn quốc và tạo được tiếng vang với người xem, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhanh nhạy khảo sát một số địa điểm trong bối cảnh phim để đưa vào chương trình tour cho du khách.
Theo thông tin trên báo cáo, ngành du lịch Huế định sẽ cho khách ghé thăm cây Vông đồng – cây Cô đơn, trường Tiểu học Đo Đo hay nhà số 66 phố cổ Bao Vinh – những địa điểm “gây thương nhớ” với khán giả yêu thích phim Mắt biếc, rồi tiện thể ghé thăm các làng nghề, các điểm tham quan khác của cố đô. Nếu làm được chương trình này và thực hiện truyền thông mạnh mẽ ngay khi bộ phim còn sức hút với khán giả thì rất có thể du khách sẽ biết đến và ghé Huế nhiều hơn.
Sự nhanh nhạy, kịp thời thường đem đến những kết quả tích cực và việc tận dụng sức hấp dẫn của phim ảnh để quảng bá du lịch, biến phim trường của các bộ phim nổi tiếng thành những điểm tham quan cho du khách là điều nên làm để quảng bá hình ảnh, làm sản phẩm du lịch địa phương phong phú hơn.
Thế nhưng, còn nhiều điều cần phải làm nữa thì các địa phương cũng như cả nước mới có thể tận dụng được lợi thế của phim ảnh trong phát triển du lịch. Đó là cần có chính sách rõ ràng, có chương trình hành động của chính quyền địa phương và cả điểm đến, có sự hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp du lịch, có các hoạt động quảng bá rộng rãi, lâu dài đi kèm với việc đầu tư để hoàn thiện các dịch vụ cho du khách.
Trước Thừa Thiên – Huế, một số nơi như Phú Yên, Quảng Bình cũng đã dùng đòn bẩy phim ảnh để thu hút khách du lịch. Bốn năm trước, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quay tại Phú Yên cũng của đạo diễn Victor Vũ đã tạo nên tiếng vang trong công chúng. Tỉnh này đã quảng bá hình ảnh “hoa vàng cỏ xanh” đến đông đảo khách du lịch. Kết quả là trong suốt một thời gian dài, du lịch đến Phú Yên trở thành xu hướng của nhiều du khách, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Điểm đến này đã được nhiều công ty lữ hành chào bán trong chương trình tour.
Với Quảng Bình, sau thành công của Kong: Skull Island, bộ phim Hollywood được quay ở địa phương này, ngành du lịch cũng đã tận dụng sức hút của phim để quảng bá du lịch, mời du khách đến thăm phim trường tự nhiên hùng vĩ của phim.
Thực tế cho thấy hiệu quả tức thì và khá mạnh mẽ của việc gắn du lịch với phim ảnh, nhưng một thời gian sau thì lại yên ắng dần. Như Phú Yên, sau thời gian “bùng nổ”, các đơn vị lữ hành dường như chưa có thêm “cớ” để tiếp tục đưa nơi này thành điểm nhấn trong chương trình tour. Giới trẻ sau thời gian thích thú check-in xứ sở hoa vàng thì cũng bắt đầu hướng đến những địa điểm mới mẻ hơn, hợp thời hơn. Vì sao lại như vậy? Theo một số doanh nghiệp lữ hành, một phần là do sở thích của khách hàng thay đổi nhanh và càng nhanh hơn trong bối cảnh có nhiều điểm đến ra sức chào mời. Thêm vào đó, sau “hoa vàng cỏ xanh”, hoạt động quảng bá cho Phú Yên không còn rầm rộ như trước và địa phương cũng chưa có nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch để khách trải nghiệm.
Về lĩnh vực này, Hàn Quốc có thể được xem là bậc thầy. Người Hàn đã đưa làn sóng văn hóa, phim ảnh Hàn ra khắp thế giới và dùng điều này để phát triển kinh tế, kéo khách du lịch đến.
Trò chuyện với một nhân viên của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, người này cho biết việc quảng bá Hàn Quốc thông qua phim ảnh là một trong những hoạt động nằm trong chính sách lan tỏa làn sóng Hàn Quốc của nước này. Hiện tại, mỗi khi có một phim Hàn được nhiều người quan tâm thì các địa điểm quay phim sẽ được Tổng cục Du lịch quảng bá rộng rãi. Cơ quan này không chỉ quảng cáo trực tuyến mà còn phát hành những quyển sách hướng dẫn du lịch theo chủ đề khám phá phim ảnh Hàn Quốc, ghi rõ những điểm quay phim, những món ăn trong phim kèm theo giới thiệu du lịch vùng đó… Quảng bá xong là hoạt động lữ hành đưa điểm đến vào tour.
Với những bộ phim “đỉnh”, tại nơi quay phim luôn có những bảng thông tin, hình ảnh về bộ phim đó, để du khách biết mà tham quan và chụp ảnh. Nhiều người sau khi chụp ảnh lại đưa lên mạng xã hội, góp thêm phần quảng bá cho điểm đến.
Thêm vào đó, Hàn Quốc còn có một số phim trường mở, dùng để quay nhiều bộ phim khác nhau. Những phim trường này bán vé cho khách tham quan, mở dịch vụ cho thuê quần áo, chụp ảnh để du khách có thêm trải nghiệm.
Nhân viên du lịch này cũng cho biết để làm được những điều trên, Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa của họ luôn có sự phối hợp để đưa ra các chính sách và cùng với chính quyền địa phương, các công ty du lịch thực hiện. Hoạt động quảng bá luôn đi đôi với gia tăng dịch vụ, sản phẩm du lịch thông qua các chương trình hành động dài hơi và khá tốn kém. Như thế mới gặt hái hiệu quả cao.
Thiết nghĩ đây là những thông tin mà ngành du lịch trong nước nên tham khảo để đưa phim ảnh và du lịch cùng nhau phát triển và phát triển lâu dài.