Ngồi trên chuyến xe đò chật chội đưa tôi đến với căn nhà nhỏ của nội, chưa đến nơi nhưng lòng tôi đã nôn nao đến lạ. Tôi nhớ nội, nhớ đến xé lòng. Trong ngày đặc biệt như hôm nay, Ngày Thương binh liệt sĩ, tôi lại muốn về với nội. Về để lau đi những giọt nước mắt đang rơi trên đôi gò má gầy của nội. Về để tưởng nhớ công ơn của bác tôi cùng những người đồng đội đã ngã xuống hy sinh vì hòa bình của đất nước. Về với vùng đất linh thiêng nơi đã nuôi dưỡng tôi nên người.
Xe vừa dừng lại trước ngõ, tôi đã thấy bóng dáng nội chậm rãi, lom khom bước những bước đi đầy khó nhọc. Tôi vội vàng chạy đến bên đỡ lấy nội. Nội mừng rỡ choàng tay ôm lấy tôi, nhìn nội tôi xót xa ứa nước mắt. Mái tóc nội giờ đã bạc hơn nhiều, những nếp nhăn càng thêm dày trên khuôn mặt khắc khổ. Vẫn là câu chuyện xưa nội thường hay kể mà tôi đã thuộc lòng, nhưng lần nào về tôi cũng thích nghe. Nội kể với tôi bằng đôi mắt đượm buồn, rồi nội lấy vạt áo lau đi những giọt nước mắt.
Qua lời kể của nội tôi biết được, ngày ấy ông tôi đã hy sinh ở chiến trường. Chiến tranh đã mang ông vĩnh viển rời xa cuộc đời của bà, chỉ kịp để lại cho nội năm người con thơ, nội một mình vất vả nuôi đàn con cho đến ngày các con của mình trưởng thành và lần lượt đi chiến đấu. Ngày tiễn con đi bà khóc nức nở, nhưng không thể can ngăn lòng quyết tâm chiến thắng đang sục sôi trong tim và ngấm vào máu của các con mình. Bà tiễn con ra đi trong ngậm ngùi nước mắt. Những hôm ở nhà một mình, bà đếm từng ngày, từng tháng. Đôi mắt luôn ngóng trông tiếng bước chân của các con, nửa đêm bà trở mình ngủ không được, như vọng về tiếng súng, tiếng bom nổ lòng bà lại thấp thỏm lo âu, bà ngồi dậy chong đèn, uống ngụm nước rồi thức đến sáng. Mỗi khi đau ốm nội chỉ một mình, may có bà con hàng xóm xung quanh giúp đỡ, nội khỏe lại và tiếp tục hành trình đợi chờ các con.
Thời gian dần trôi, đất nước cuối cùng cũng giành được độc lập. Bà vui mừng khôn xiết, hồi hộp chờ đợi các con trở về. Sau giải phóng, các con của nội lần lượt quay về, duy chỉ có bác tôi là mãi mãi không về nữa. Nội ngồi thụp xuống, nước mắt lưng tròng khi nhận được giấy báo tử của bác. Nội vật vã, đau buồn suốt một thời gian dài. Nỗi cô quạnh, đau khổ giăng mắc khắp căn nhà lá vốn nhỏ bé. Năm tháng qua đi, nỗi đau của nội dần dà được nguôi ngoai bởi sự hiếu thảo, yêu thương của cha và các chú tôi. Nội dựng vợ, gả chồng cho từng đứa. Nội sung sướng khi hay tin mình đã có cháu ẫm, cháu bồng. Các cháu của nội được sinh ra khỏe mạnh và thông minh. Nhưng nội tôi còn canh cánh một nỗi lo đó là chú út chưa muốn lấy vợ.
Mãi đến một ngày, chú út mới ngượng ngùng thông báo với gia đình về cô bạn gái, và không lâu sau đám cưới được diễn ra trong niềm hân hoan, vui vẻ của mọi người. Hai năm sau, vợ chú mang thai, nhưng con của chú sinh ra lại không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Thân hình nó bị dị dạng, teo tóp. Vợ chồng chú cạn khô nước mắt. Nhìn cháu, nhìn con mà tim nội thấy nhói đau. Nội ước gì người nhiễm chất độc quái ác kia là nội chứ không phải ai khác. Cuộc đời của nội đã chịu nhiều hy sinh, mất mát. Thanh xuân của nội là những tháng ngày tảo tần một mình nuôi đàn con khôn lớn và mòn mỏi đợi chờ các con mình trở về, nhưng sao cuộc đời lại không cho cháu của nội được sinh ra được bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Chiến tranh đã lùi xa nhưng tàn dư của nó thì vẫn còn, vẫn luôn để lại cho con người ta một nỗi đau dai dẳng, những mất mát tổn thương không thể xóa nhòa.
Về với nội là trở về với quá khứ tuy có khổ đau, mất mát nhưng cũng đong đầy lòng tự hào, niềm biết ơn. Tôi ôm lấy bờ vai nhỏ của nội, cố lau khô những giọt nước mắt rưng rưng trên khóe mắt người. Tôi thầm ước rằng nội tôi cũng như bao người Mẹ Việt Nam anh hùng khác, sẽ luôn khỏe mạnh, bình an, mãi mãi sống cuộc đời thật hạnh phúc vui vầy cùng con cháu. Tự hứa với bản thân phải kế thừa xứng đáng những gì ông cha ta, nội cùng những người đi trước đã dày công xây dựng, cống hiến bằng cả cuộc đời…
***
Hè đến cũng là lúc những kí ức tuổi thơ năm nào lại ùa về trong tôi. Tôi lại nhớ những lần cùng mẹ dạo quanh khu xóm nhỏ để giúp mẹ rao bán cá. Kí ức ấy tuy đã lùi xa trong quá khứ nhưng chúng vẫn luôn hiện diện trong trái tim tôi. Và mỗi lần nhớ tới lòng tôi không khỏi bồi hồi, xót xa.
Thời gian ấy vì làm ăn thua lỗ nên gia đình tôi bắt đầu những ngày chật vật, khó khăn. Chi tiêu trong nhà nhờ vào gánh hàng cá của mẹ. Mới sáng sớm, khi trời còn chưa tỏ mặt người, tôi đã nghe thấy những tiếng lục đục dưới nhà. Tôi thức dậy và xin mẹ đi theo. Không đành lòng trước sự nài nỉ của con, cuối cùng tôi cũng nhận được sự đồng ý từ mẹ. Trong màn đêm yên tĩnh, mọi vật vẫn còn đang mơ màng, tôi và mẹ cùng nhau bước trên con đường cát lún dẫn đến khu chợ cá. Tôi cầm trên tay chiếc đèn dầu soi sáng con đường đi. Hiện trước mắt tôi lúc ấy là bóng mẹ mỏng manh đổ xuống nền cát trắng xóa, cùng đôi vai gầy nhỏ nhắn gánh đôi gióng mây cũ. Mẹ bước đi vội vã cho kịp giờ mua cá ở chợ. Mới đi được một đoạn mà đôi chân tôi đã mỏi rã rời, mồ hôi lấm tấm rơi. Vậy mà đôi chân của mẹ hằng ngày vẫn bước đi mặc cho mưa giông, lạnh giá, mặc cho trời đổ nắng như thiêu đốt vạn vật. Tôi thấm thía làm sao nỗi khổ cực trong cuộc mưu sinh đời mẹ.
Bình minh vừa ló dạng thì hai mẹ con cũng kịp đến nơi. Ban đầu, tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp từ biển khơi, cùng sự náo nhiệt của khu chợ cá. Thuyền cập bến cũng là lúc những con cá ngừ, cá nục, cá cơm,… có dịp phơi mình trong nắng, thu hút ánh nhìn của mọi người. Tôi ngạc nhiên, thích thú với những rổ cá tươi. Ban đầu còn chưa quen với mùi tanh, lúc sau, tôi hòa vào không khí tất bật, tiếng ngã giá nhộn nhịp, lao xao ở chợ. Cá mua được, mẹ đem rửa sạch với nước biển nhằm giữ được độ tươi ngon. Xong xuôi, mẹ gánh lên đôi gióng mây cũ, hai bên là cái hai chiếc thau đựng cá, một bên cá nục, bên kia cá cơm. Nhìn đôi vai gầy gồng gánh hai thau cá nặng trĩu, mẹ bước từng bước đi liêu xiêu trong gió mà lòng tôi quặn thắt.
Con đường cát trắng tưởng chừng như dài vô tận cuối cùng hai mẹ con cũng đi qua. Vừa mới đến đầu xóm nhỏ, không chần chừ, mẹ vội vã cất tiếng rao trầm ấm: “Ai mua cá không…”. Như mọi lần, chỉ cần nghe tiếng rao của mẹ, từ trong nhà, mọi người tụ lại hỏi mua. Ngày ấy, cá nào lớn, mẹ bán theo con; cá nhỏ không đếm được, mẹ bán theo mớ. Cá mẹ bán vừa tươi ngon vừa rẻ, không ướp hóa chất như bây giờ, nên được lòng tin tưởng của mọi người. Khách hàng của mẹ là những người dân quanh năm chân lấm tay bùn nhưng cũng giàu lòng tốt bụng. Đôi khi trên đường bán cá mẹ gặp trời mưa to, mọi người bảo nhau mua hết gánh cá để mẹ kịp về nhà. Có hôm trời nắng như đổ lửa, cô khách quen tốt bụng biếu mẹ ly nước mát. Vất vả là thế nhưng mẹ vẫn luôn kiên trì với gánh cá trên vai. Thỉnh thoảng, mẹ còn đem mớ cá tươi biếu cho các cụ ông, cụ bà neo đơn trong xóm.
Thời gian trôi qua, hằng ngày mẹ vẫn tiếp tục mưu sinh bằng gánh cá biển. Hết đợt nghỉ hè, tôi trở lại mái trường, nhìn vào những trang sách mới, quần áo mới tôi như ngửi thấy những giọt mồ hôi tần tảo thấm ướt lưng áo mẹ. Nhìn vào những tờ tiền mẹ trao cho tôi, tôi như thấy cả những con cá soi mình lấp lánh ngoài biển khơi, dệt vào lòng tôi bao ước mơ được mẹ chắp cánh bay xa, xa mãi.
Nhờ gánh hàng cá ngày qua ngày của mẹ mà chúng tôi dần được khôn lớn thành người. Tôi biết ơn mẹ, biết ơn sự tảo tần, chịu thương, chịu khó của mẹ, và tôi cũng thầm cảm ơn lòng bao dung của biển cả cùng tấm chân tình, hào sản của người dân xóm nhỏ. Năm tháng dần trôi, đời sống nhiều thay đổi, mẹ tôi đã không còn bán cá như xưa, nhưng những kí ức vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Để mỗi khi bất chợt gặp tiếng rao cá của ai đó vang lên da diết, tôi lại nhớ đến mẹ bằng tất cả niềm rưng rưng, nghẹn ngào.
- Xem thêm: Những “bà mẹ bao cấp”