Diễn ra từ ngày 19 đến 25-6 tại Le Bourget ở phía bắc thủ đô Paris, Triển lãm hàng không quốc tế lần thứ 52 thật sự sôi động với những màn trình diễn ấn tượng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng.
Lĩnh vực hàng không thương mại cũng chứng kiến sự trở lại đầy ngoạn mục của nhà sản xuất máy bay Boeing trước đối thủ Airbus, còn riêng với Hãng hàng không Qatar, đây là sự kiện hết sức quan trọng vì nhiều chiến lợi phẩm đã về tay họ.
Boeing qua mặt Airbus
Chỉ trong một tuần diễn ra triển lãm, Boeing đã thu về 571 đơn đặt hàng – một con số kỷ lục đối với hãng này kể từ giai đoạn bùng nổ 2011-2015. Thành công đó một phần là do sự xuất hiện của mẫu Boeing 737 MAX 10 thuộc gia đình B737 thân hẹp vốn đang có nhu cầu khá cao. Có tới 214 đơn đặt hàng hoặc đề nghị mẫu B737 MAX 10 đến từ việc chuyển đổi của các mẫu khác và theo giới phân tích, có nguy cơ nguồn cung của Boeing không thể đáp ứng được cầu.
Tuy nhiên, theo Boeing thì khả năng sản xuất máy bay B737 MAX 10 của họ có thể đáp ứng được các đơn hàng đến năm 2022. Sự tăng tốc của B737 MAX 10 tất nhiên gây ra sự sụt giảm doanh số của thế hệ trước là B737 MAX 9. Tổng số lượng máy bay dòng B737 MAX được đặt hàng tại Paris Air Show 2017 chỉ khoảng 418 chiếc, trong đó chiếm đa số là MAX 10. Đặc biệt, một trong những đơn đặt hàng vào giờ chót tại triển lãm được Boeing công bố với số lượng lên đến 125 chiếc MAX 8 từ một hãng hàng không giấu tên.
Trái ngược với những kỳ triển lãm trước đó, nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus lại tỏ ra khá khiêm nhường so với đối thủ. Theo công bố trong ngày 24-6, số máy bay trong các đơn đặt hàng được xác nhận của Airbus chỉ đến con số 144, trong đó có 132 đơn hàng đặt mua dòng thân hẹp A320 và 12 chiếc thân rộng, trong khi Boeing cũng thu về đạt 134 đơn hàng với 97 chiếc thuộc dòng 737 và 37 chiếc thân rộng. Tuy nhiên, do giá bán một chiếc máy bay thân rộng thường gấp đôi máy bay thân hẹp nên tổng giá trị hợp đồng mà Boeing thu về tại sự kiện này vẫn vượt mặt Airbus.
Như vậy, nếu tính cả những đơn đề nghị thì tại triển lãm năm nay, Boeing đang chiếm ưu thế so với Airbus, mà tỷ lệ chênh lệch về lượng đơn hàng đã ký là 571:326. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc có nhiều đơn đặt hàng đối với dòng máy bay thân hẹp không mang ý nghĩa lớn vì hiện tại, nhu cầu về dòng máy bay này đã vượt qua khả năng cung cấp của các hãng sản xuất máy bay. Có một tuần kinh doanh thành công rực rỡ tại Paris Air Show 2017, xem ra hãng sản xuất máy bay của Mỹ không còn phải bận tâm đến việc gia tăng doanh số trong năm 2017.
Qatar vượt lên trên Emirates tại Skytrax Awards
Trong không khí sôi động của triển lãm, Skytrax – tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực hàng không đã công bố bảng xếp hạng và các giải thưởng dành cho những hãng hàng không xuất sắc nhất thế giới. Với những đầu tư mạnh mẽ trong năm 2016, Hãng hàng không Qatar đã vượt qua đối thủ sừng sỏ hiện nay là Emirates để trở lại chiếm giữ ngôi vị World’s Best Airline 2017.
Sau khi phải xuống vị trí thứ 2 trong năm 2016, hãng hàng không có trụ sở chính tại Doha đã nỗ lực thuyết phục những chuyên gia thẩm định bằng sự nâng cấp độ thoải mái của những chiếc ghế ngồi và các chương trình giải trí trong chuyến bay cùng với sự mở rộng liên tục mạng lưới bay và nâng cấp đội bay bằng những máy bay thân dài mới nhất như Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350.
Nhờ vậy, không chỉ chiếm giữ giải thưởng danh giá nhất của Skytrax, Qatar còn giành được nhiều giải thưởng ở ba hạng mục quan trọng khác là Hãng hàng không tốt nhất khu vực Trung Đông, Hãng hàng không có khoang hạng thương gia tốt nhất và Phòng chờ hạng nhất tốt nhất.
Hãng hàng không Singapore Airlines cũng nỗ lực để vươn từ vị trí thứ 3 trong năm trước lên vị trí thứ 2 trong năm nay bằng những thể hiện tuyệt vời trong việc huấn luyện thái độ phục vụ cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là các tiếp viên trên những chuyến bay.
Bên cạnh đó, việc gia tăng thêm nhiều lựa chọn về giải trí và tiêu chuẩn phục vụ trong chuyến bay dành cho hành khách tại khoang hạng phổ thông cũng giúp Singapore Airlines nâng được thứ hạng. Singapore Airlines cũng đoạt được nhiều giải ở các hạng mục khác như Hãng hàng không tốt nhất châu Á, Ghế ngồi khoang thương gia tốt nhất và Cung ứng khoang hạng phổ thông cao cấp tốt nhất.
Chiếm giữ vị trí thứ 3 là All Nippon Airways – hãng hàng không xếp vị trí thứ 5 trong năm trước. Là hãng hàng không quốc tế lớn nhất của Nhật Bản, ANA được hành khách và các chuyên gia quan sát đánh giá cao bởi những dịch vụ tận tình, an toàn và chất lượng cao.
Đặc biệt, ANA đã đầu tư mạnh để tạo nên sự riêng tư tối đa cho hành khách bằng cách lắp đặt những ghế ngồi có thể trượt về phía trước trong khoang khách và bố trí thêm ổ sạc USB cũng như ổ cắm điện ngay tại ghế hạng phổ thông. ANA nhận được hai giải ở hạng mục Hãng hàng không có những dịch vụ tại sân bay tốt nhất và Hãng hàng không có cơ chế điều hành nhân viên tốt nhất tại châu Á.
Từ vị trí đứng đầu trong năm 2016, Emirates đã bất ngờ bị sụt giảm điểm trong đánh giá năm nay của Skytrax nên chỉ đứng hạng 4. Tình trạng ít đầu tư mới cho đội ngũ máy bay cũng như các dịch vụ trên chuyến bay đã khiến sự giậm chân tại chỗ của hãng hàng không vốn được cho là “xa hoa nhất thế giới” không lọt qua sự quan sát tinh tường của nhiều hành khách.
Dù sao thì hãng này vẫn tiếp tục 13 năm liền nắm giữ vị trí số 1 ở hạng mục Hệ thống giải trí trong chuyến bay và tất nhiên, không dễ dàng để cho các đối thủ lấn lướt trong cuộc đua, họ sẽ có những màn cạnh tranh quyết liệt hơn trong năm sau. Các vị trí còn lại trong Top 10 của World’s Best Airline năm nay lần lượt thuộc về Cathay Pacific Airways, Eva Air, Lufthansa, Etihad Airways, Hainan Airlines và Garuda Indonesia.