Hai yếu tố đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước trên thế giới là dân số đang ngày càng sụt giảm và già đi. Cách đây gần 40 năm, chỉ có 13 nước phải áp dụng chính sách khuyến khích sinh sản do dân số sụt giảm; nay con số ấy đã là 56, trong đó có: Úc, Pháp, Đức, Iran, Israel, Ý, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc – nước mới đây đã phải bãi bỏ chính sách một con. Với chính sách mới, dân số Trung Quốc sẽ từ 1,38 tỉ người hiện nay tăng lên 1,42 tỉ vào năm 2030 rồi giảm xuống chỉ còn 1 tỉ vào cuối thế kỷ XXI. Tuy nhiên, nếu đà sinh sản vẫn giữ ở mức hiện nay, dân số Trung Quốc vào năm 2100 chỉ còn 800 triệu. Về mức độ lão hóa, tình trạng rất đáng báo động. Năm 1950, không tới 5% dân số Trung Quốc ở độ tuổi từ 65 trở lên, ngày nay, đã lên 10%. Các nhà dân số học ước tính đến năm 2035, số người từ 65 tuổi trở lên ở nước này sẽ đạt 20% và lên đến 1/3 tổng dân số vào khoảng giữa thế kỷ XXI.
Có đến 82 nước khác (chiếm gần phân nửa dân số thế giới) cũng đang trải qua tình trạng tỷ lệ sinh sản dưới mức cần thiết (hai trẻ cho mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh sản). Đến giữa thế kỷ XXI, dân số những nước Đức, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc sẽ ít hơn và già hơn bây giờ, gây ra nhiều hậu quả bất lợi về mặt kinh tế và xã hội. Để đối phó với hai yếu tố bất lợi kể trên, ngày nay nhiều nước áp dụng các chính sách khuyến khích sinh sản khác nhau. Cực đoan nhất là các biện pháp cấm ngừa thai, cấm triệt sản, phá thai, đi ngược lại những quyền cơ bản của con người, dễ dẫn đến các hậu quả tai hại như có thai ngoài ý muốn, phá thai bất hợp pháp và cái chết của các bà mẹ mang thai.
Chính sách được áp dụng nhiều nhất tại các nước có dân số sụt giảm là giúp các ông bố bà mẹ giảm thiểu chi phí sinh con và nuôi con, chẳng hạn như thưởng tiền lúc họ sinh con, bổ sung trợ cấp cho những đứa con đang sống dựa vào cha mẹ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các ông bố bà mẹ sinh con đầu lòng được thưởng một khoản tiền tương đương 108 USD, sinh con thứ hai được thưởng 144 USD, sinh con thứ ba được thưởng 215 USD. Nhiều nước phương Tây nhắm đến việc tuyển dụng và tạo những công việc phù hợp với các cặp vợ chồng có nhiều con như làm việc bán thời gian, giờ làm việc linh động hơn, làm việc tại nhà, nơi làm việc có không khí gia đình, trong đó có nhà trẻ, những dịch vụ chăm sóc trẻ trước và sau khi đến trường. Kết quả nghiên cứu mới đây của Liên Hiệp Quốc cho thấy lượng người di cư hiện nay không bù đắp nổi tình trạng thiếu nhân công ở những nước có vấn đề về dân số. Giữa những năm 2015 và 2050, số người tử vong ở châu Âu sẽ vượt số trẻ mới sinh ra là 63 triệu người, trong khi số người từ những châu lục khác di cư sang châu Âu chỉ chiếm 31 triệu, con số nhân lực thiếu hụt là 32 triệu người. Đó là chưa kể những chi phí tài chính cùng những tác động về mặt văn hóa – xã hội mà số người nhập cư sẽ gây ra cho các nước tiếp nhận họ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)