Năm 2014 được dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn hoặc bị phá sản khiến số người thất nghiệp gia tăng, do vậy xuất khẩu lao động nắm giữ một vai trò rất lớn trong việc ổn định kinh tế xã hội.
Theo Cục Quản lý lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), thị trường xuất khẩu lao động năm 2014 vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt là Đài Loan, một thị trường đầy tiềm năng khi mà thị trường Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Trọng Văn, người đứng đầu văn phòng đại diện của Việt Nam tại Đài Loan, cho biết số lao động Việt Nam tại Đài Loan hiện nay đã lên tới 137.000 người và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới đây vì tăng trưởng kinh tế của đảo quốc này đang hồi phục mạnh mẽ.
Việt Nam đã trở thành một trong hai nước (cùng với Indonesia) chủ lực cung ứng lao động sang thị trường Đài Loan, trong đó nhiều nhất là trong ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng (84.901 người) và ngành dịch vụ (21.119 người).
Đây cũng là thị trường cho thu nhập ở mức khá cao, trung bình từ 500 đến 700 USD/tháng. Nhằm mở rộng số lượng đồng thời đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời những phát sinh, hạn chế thấp nhất tỷ lệ lao động bỏ trốn mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa đã có cuộc họp với khoảng 10 doanh nghiệp tốp đầu đưa lao động sang Đài Loan. Theo dự báo của ngành chức năng, thị trường này vẫn là chủ lực trong năm 2014.
Bên cạnh đó, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.
Đào tạo nghề cho thực tập sinh đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định: Trong năm 2014, chúng ta có khá nhiều thuận lợi. Khu vực Trung Đông có dấu hiệu phục hồi trở lại, mặc dù năm 2013 chưa tăng mạnh số lượng lao động Việt Nam, nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar… Các nước phát triển ở châu Âu bắt đầu quan tâm đến điều dưỡng viên Việt Nam.Đức đang tiếp tục triển khai dự án này sau khi triển khai thí điểm năm 2013.Nhật Bản trong Hiệp định đối tác kinh tế đã triển khai hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật cho điều dưỡng viên Việt Nam đến năm thứ hai và còn tiếp tục. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất khẳng định cam kết của hai chính phủ về việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước
Có thể nói, xuất khẩu lao động của chúng ta nhiều năm qua đã góp phần đáng kể vào lượng kiều hối gởi về nước. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo thông tin từ giới hữu trách, trong số 11 tỉ USD kiều hối của năm 2013, chiếm phần lớn là do người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài gởi về.
Gia Minh tổng hợp