Giới nhân viên ở Nhật tới đây sẽ không còn được thanh toán tiền làm thêm giờ, để triệt bỏ nạn “karoshi” (làm việc kiệt sức).
Chỉ vì ham việc, Teruyuki Yamashita suýt mất mạng. Kiệt sức vì những chuyến đi giao dịch dài ngày vất vả ở nước ngoài, những đêm mất ngủ triền miên, người đảm trách khâu bán hàng của công ty đã phải nhập viện cấp cứu vì xuất huyết dưới màng não. Sau ba tuần được chữa trị, chăm sóc đặc biệt, Teruyuki Yamashita 53 tuổi sống sót, nhưng mất thị giác: “Tỉnh dậy, tôi hỏi y tá là đã tối rồi à, mà không nhận ra là mình đã bị mù”.
Cũng như Teruyuki Yamashita, nhiều nhân viên tại Nhật Bản sẵn sàng làm việc quá sức, khiến số tử vong vì đột quỵ, đau tim hoặc tự tử hằng năm tăng không ngừng. Giáo sư đại học Ryukoku Shigeru Waki thống kê năm 2013 có tới 196 ca chết và tự tử, rõ ràng vì tham công tiếc việc. Còn nhiều người chết, bệnh tật vì ham việc, nhưng quá khó để chứng minh. Hiện tượng khá phổ biến này ở Nhật được tạo một cái tên chuyên biệt “karoshi”, nghĩa là “chết vì ham việc” – một bệnh nghề nghiệp.
Tháng trước, chính phủ của ông Shinzo Abe thông qua chương trình cải cách tăng năng suất thay vì tăng cường độ – buộc các công ty phải xóa bỏ lệ thanh toán giờ làm thêm – quá 40 giờ/tuần với những ai có thu nhập từ 80 nghìn euro/năm trở lên. Giới nhân viên phải được đánh giá theo hiệu suất chứ không phải kéo dài thời gian ở văn phòng. Tuy nhiên, thực tế chương trình này dễ dàng bị từ chối. Không ít người lao động sĩ diện ở Nhật sẵn sàng đi sớm về khuya mà không đòi hỏi phải được trả công giờ làm thêm để thể hiện năng lực, sự tận tình và lòng trung thành. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 22,3% nhân viên ở Nhật hiện nay đua nhau làm việc hơn 50 giờ/tuần.
Lê Lành theo La nouvelle république (DNSGCT)