Những công ty vĩ đại được xây dựng bởi những người lãnh đạo xuất sắc. Nhưng công tác lãnh đạo thì thiên về “nghệ thuật” hơn là “khoa học”, làm thế nào chúng ta có thể quyết định khách quan rằng ai đó là một người lãnh đạo giỏi?
Google, một trong những công ty giỏi phân tích nhất thế giới, đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để trả lời câu hỏi này. Sau nhiều năm, công ty đã xác định những hành vi quan trọng của người lãnh đạo đội nhóm xuất sắc. Sau đó họ bắt đầu yêu cầu nhân viên trả lời các câu hỏi dưới đây theo mức độ từ 1 (rất đồng ý) đến 5 (rất không đồng ý).
Những câu hỏi giúp đánh giá năng lực lãnh đạo được Google đúc kết:
1. Người quản lý cung cấp cho tôi thông tin phản hồi cụ thể có thể giúp tôi cải thiện năng suất làm việc.
2. Người quản lý của tôi không “quản lý vi mô” (không tham gia vào những vụ việc chi tiết được các cấp khác xử lý).
3. Người quản lý quan tâm đến tôi như một con người.
4. Hành động của người quản lý cho thấy anh/cô ấy coi trọng quan điểm mà tôi mang đến cho nhóm, ngay cả khi nó khác với quan điểm của họ.
5. Người quản lý của tôi giữ cho nhóm tập trung vào những kết quả/thành phẩm ưu tiên.
6. Người quản lý của tôi thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan từ quản lý trực tiếp và lãnh đạo cấp cao của anh/cô ấy.
7. Người quản lý đã có một cuộc thảo luận ý nghĩa với tôi về việc phát triển sự nghiệp trong vòng sáu tháng qua.
8. Người quản lý truyền đạt những mục tiêu rõ ràng cho nhóm của chúng tôi.
9. Người quản lý có chuyên môn kỹ thuật cần thiết (ví dụ: lập trình trong công nghệ, bán hàng trong kinh doanh toàn cầu, kế toán trong tài chính) để quản lý tôi một cách hiệu quả.
10. Tôi muốn giới thiệu người quản lý của mình cho các nhân viên Google khác.
11. Tôi hài lòng với năng lực tổng thể của người quản lý trong tư cách là người quản lý.
12. Sau đó, các nhân viên của Google được yêu cầu hoàn thành hai câu hỏi khác:
13. Điều gì mà bạn gợi ý người quản lý của mình nên tiếp tục duy trì?
14. Điều gì mà bạn muốn người quản lý của mình thay đổi?
Tất cả các câu hỏi, ngoại trừ câu số 9, đều tập trung vào các kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, phản hồi, huấn luyện, làm việc theo nhóm, sự tôn trọng và quan tâm. Bạn có thể tranh luận rằng những kỹ năng chuyên môn xuất sắc ít quan trọng đối với các nhà quản lý của Google vì tập đoàn công nghệ này dễ tuyển dụng và giữ người giỏi chuyên môn hơn so với nhiều công ty khác. Tuy nhiên, lập luận này bỏ qua một điểm lớn hơn. Dù hầu hết nhân viên cần có một trình độ chuyên môn nhất định lúc mới tuyển vào, nhưng tầm quan trọng sẽ nhanh chóng chuyển từ “họ biết gì” sang “họ sử dụng kiến thức và kỹ năng của mình như thế nào”.
- Xem thêm: Quan điểm quản trị nhân sự của sếp giỏi
Người lãnh đạo giỏi thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn rồi sau đó trao cho nhân viên quyền tự chủ và độc lập để làm việc theo cách họ có thể làm tốt nhất. Với người lãnh đạo giỏi, nhân viên sẽ chuyển từ thái độ “phải” sang “muốn” vì điều đó làm cho công việc của họ trở nên có ý nghĩa hơn, cũng là để thể hiện những kỹ năng, tài năng và kinh nghiệm khác biệt của mỗi người.