Ngày nay, gia đình nhỏ gồm hai vợ chồng với một hay hai đứa con là lựa chọn của nhiều người. Một gia đình nhỏ bảo đảm chất lượng cuộc sống của các thành viên, mọi người được chăm sóc tốt hơn, con cái được cha mẹ quan tâm, yêu thương nhiều hơn. Tuy vậy, chuyên gia tâm lý người Mỹ, Michelle Blessing, vẫn lưu ý: “Gia đình nhỏ là chọn lựa lý tưởng, nhiều ưu điểm, nhưng vẫn có những nhược điểm cần khắc phục”.
Nhiều ưu điểm rõ rệt
Gia đình nhỏ có đủ bố mẹ, dù chưa hay đã kết hôn, thường ổn định hơn gia đình đơn thân hay gia đình nhiều thế hệ. Trong gia đình, người chồng/vợ là hình mẫu của mối quan hệ yêu thương, quan tâm chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau để con cái noi theo.
Họ có thể dạy con cái tự biết tìm những mối quan hệ tích cực, tương tác tốt với người khác, để trẻ thành công hơn trong tương lai. Những trẻ sống trong gia đình nhỏ còn học được cách giải quyết vấn đề, ủy thác những trách nhiệm, biết giúp đỡ nhau.
Với những gia đình nhỏ có kinh tế ổn định, sẽ dễ dàng đáp ứng những nhu cầu và cơ hội của con cái, giúp trẻ có điều kiện phát triển về mặt xã hội, học hành và tự tin hơn. Ngoài tính ổn định, gia đình nhỏ còn đem lại sự kiên định. Nhờ đó mà con trẻ biết cư xử theo chiều hướng tích cực, học tập tốt hơn và tỏ ra linh hoạt hơn trong các hoạt động cộng đồng, ngoại khóa.
Bên cạnh đó, gia đình nhỏ có thể thường xuyên cùng nhau ăn tối, đi du lịch để củng cố các mối quan hệ gia đình, xây dựng một nền tảng gia đình vững vàng để hướng đến các mục tiêu trong tương lai.
Nghiên cứu còn cho thấy, mức độ hạnh phúc thường đạt tối đa ở những gia đình có ít con. Trong khi đó, hạnh phúc có xu hướng sụt giảm ở những cặp đôi có con khi quá trẻ, sống trong gia đình nhiều thế hệ. Đặc biệt, mức độ hạnh phúc gia tăng ở những ông bố bà mẹ nhiều tuổi, có tài chính dồi dào và trình độ văn hóa cao.
Những nhược điểm cần lưu ý
So với gia đình đơn thân hay gia đình nhiều thế hệ, gia đình nhỏ có cảm giác gần gũi và gắn bó, nhưng dễ bị cô lập với họ hàng và các mối quan hệ khác. Điều này sẽ bất lợi trước những tình huống khó khăn.
Trong gia đình nhỏ, người vợ có thể kiệt sức khi cố gắng đáp ứng những nhu cầu cá nhân của các thành viên trong gia đình, ít có thời gian cho bản thân, tự chủ cân bằng giữa nhu cầu công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội, dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, lo lắng hay những vấn đề khác.
Gia đình nhỏ ít khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột nhưng điều này chưa hẳn là tốt. Xung đột là một phần của cuộc sống và kỹ năng giải quyết xung đột rất hữu ích đối với cộng đồng, nơi làm việc và trường học. Trong khi đó, gia đình nhiều thế hệ luôn xuất hiện những ý kiến, quan điểm trái chiều từ nhiều thành viên trong gia đình. Điều này khiến mọi người phải biết sống hòa hợp và học cách giải quyết các xung đột một cách hiệu quả.
Có thể thấy, gia đình nhỏ vẫn là chọn lựa ưu tiên của nhiều cặp đôi, dù tỷ lệ vợ chồng đơn thân, ly dị và gia đình nhiều thế hệ đang có xu hướng tăng. Chọn lựa mô hình gia đình nhỏ chưa hẳn là thành công và hạnh phúc, nhưng là cơ sở để đạt được những yếu tố lý tưởng. Bằng cách nhận ra những nhược điểm, chúng ta có thể tìm cách để hạn chế chúng và mọi thành viên cùng góp sức nhằm đem lại kết quả tốt nhất.