Ngay từ những bước chân đầu tiên trở thành ca sĩ, Hà Lê đã chọn con đường mạo hiểm, đó là “cách tân” các sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo đó, Diễm xưa, Mưa hồng, Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Nhớ mùa thu Hà Nội, Ở trọ và Huế, Sài Gòn, Hà Nội được trình bày khác lạ bởi chất giọng cá tính phối hợp với rap, âm nhạc dân tộc, vũ điệu…
“Tôi chọn làm mới nhạc Trịnh bởi đó là thứ âm nhạc sâu sắc, phù hợp với điều tôi tìm kiếm trong sự nghiệp của mình. Cách hát mộc mạc của ca sĩ thời trước rất hay nhưng không dễ dàng chạm đến trái tim thế hệ trẻ. Tôi muốn tạo cho tác phẩm một cách tiếp cận mới mẻ và hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần của nó. Tôi đã dành nhiều thời gian để làm từng tác phẩm, nên tôi muốn người nghe dành nhiều thời gian để thưởng thức như thế”, ca sĩ Hà Lê cho biết.
____Ai cũng biết, nhiều thế hệ khán giả yêu thích nhạc Trịnh là những người rất khắc khe, họ luôn bảo vệ thứ âm nhạc đã “đóng đinh” với các danh ca như Khánh Ly, Hồng Nhung. Vì vậy, nỗ lực “cách tân” nhạc Trịnh của không ít ca sĩ trước đây đã bị chỉ trích nặng nề. Anh không sợ mình cũng bị như thế sao?
Nhạc Trịnh được bảo vệ bởi bao thế hệ người nghe bởi vì nó không đơn thuần là âm nhạc, mà đã là giá trị của văn hóa dân tộc. Nhạc Trịnh cũng đã cùng người nghe đi qua bao giai đoạn thăng trầm của cuộc đời, trở thành một phần trong tâm hồn họ, nhất là khán giả lớn tuổi. Nên họ giữ gìn và trân trọng nhạc Trịnh là điều dễ hiểu. Họ phản ứng và tẩy chay người muốn cách tân nhạc Trịnh có thể vì họ chưa tìm được người xứng đáng.
Nhưng nhạc Trịnh là loại nhạc sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa, không chỉ có lời ca và giai điệu. Trong đó cũng gửi gắm giá trị về sống tử tế, yêu thương, niềm lạc quan và tin yêu cuộc đời. Nếu chưa dành thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm về câu chuyện, ý tứ trong từng bài hát mà làm mới một cách vội vàng và hời hợt, thì có thể là “hư” cả sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa.
Cách làm của tôi là trước khi bắt tay vào làm nhạc, tôi phải dành thời gian tìm hiểu tác phẩm đến khi thật sự hiểu sâu sắc về tác phẩm. Tôi tôn trọng tác giả và nâng niu bài hát, nên muốn làm hay hơn, tốt hơn chứ không đơn thuần là hát lại với một cách mix mới.
“Tôi muốn tạo cho tác phẩm một cách tiếp cận mới mẻ và hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần của nó. Tôi đã dành nhiều thời gian để làm từng tác phẩm, nên tôi muốn người nghe dành nhiều thời gian để thưởng thức như thế”
____Thật bất ngờ là các tác phẩm của anh đã được nhiều nhạc sĩ cũng như gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khen ngợi. Anh đã thuyết phục họ bằng cách nào?
Trung thực mà nói, ban đầu tôi không biết trước mình đã có nhiều người trẻ làm mới nhạc Trịnh không thành công. Đơn giản tôi chọn nhạc sĩ này vì thích một thứ âm nhạc sâu sắc và khác biệt, càng nghe càng hay, càng hiểu càng thấm. Thực hiện xong dự dự án Trịnh Contemporary, tôi mới đến nhà của cố nhạc sĩ để ngỏ lời và mở bảy bài hát tôi đã làm cho gia đình họ Trịnh nghe. Thật vui vì họ rất thích. Tôi rất quý các thành viên trong gia đình này, họ vừa là những người đại diện cho giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện được nét văn minh Tây học. Họ khá cởi mở và hoàn toàn ủng hộ cách làm mới nhạc Trịnh của tôi. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) còn nói: “Như thế này mới đúng là “Ở trọ”, tôi tin anh Sơn sẽ thích”. Gia đình họ còn chia sẻ với tôi nhiều câu chuyện rất hay đằng sau tác phẩm mà không phải ai cũng có cơ hội được biết, giúp tôi thêm tư liệu để làm cho bài hát “chạm” đến người nghe.
____Có vẻ như con đường sự nghiệp ca hát của anh khá thuận lợi, anh có nghĩ là mình may mắn?
May mắn có lẽ là có, nhưng tôi tin mình là “người được chọn”. Tôi được chọn để tiếp tục phát triển âm nhạc của cố nhạc sĩ tài năng. Tôi cũng được chọn để kết nối mọi người cùng làm việc để mang lại những giá trị lớn cho âm nhạc Việt Nam. Thành công của Trịnh Contemporary hay nhiều bài hát khác không phải của riêng Hà Lê, mà đó là thành công của cả đội ngũ tham gia, từ nhà sản xuất đến vũ công, nhạc công. Thậm chí chỉ một đoạn sáo, hay đoạn bass đệm ngắn thôi, nhưng nếu không có khoảnh khắc cảm xúc thật nhất của người nhạc công thì cũng không thể làm nên sự rung cảm trong bài hát.
Tất cả xảy đến với tôi đúng như Luật hấp dẫn. Khi tôi gửi vào vũ trụ một nguồn năng lượng tích cực đủ lớn thì mọi việc sẽ đến như mong đợi và những người tôi cần sẽ xuất hiện. Là những anh em đồng hành, là gia đình họ Trịnh, là những người đồng nghiệp, những người bạn đã có mặt đúng lúc. Và khi nhân sinh quan của tôi trở nên tích cực, thì mọi thứ xung quanh tôi cũng trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Đó là dấu hiệu cho tôi biết mình đang đi con đường đúng.
____Bên cạnh nhiều người đồng hành, ủng hộ thì cũng không tránh khỏi số lượng người không thích cách làm mới của anh, phải không?
Thế giới luôn có hai mặt đối lập để giữ cuộc sống cân bằng, như ngày và đêm, có mặt trăng và cũng có mặt trời. Có người thích và cũng có người không thích nhạc của Hà Lê, thậm chí chê bai, để tôi biết mình là ai, mình đang ở đâu trong vũ trụ này. Mình cũng chỉ là hạt cát nhỏ và cần phải cố gắng rất nhiều để phát triển hơn nữa. Tôi luôn biết mình chưa bằng ai để mình luôn sống một cách khiêm nhường, không tự cao tự đại. Nhờ vậy mà tôi luôn tìm thấy được những thứ hay ho để chiêm nghiệm, để học và để thấy “sướng” mỗi ngày.
Nhạc Trịnh cũng vậy, càng đi sâu nghiên cứu thì tôi lại có những thay đổi trong thế giới quan của mình, nỗi buồn trong nhạc Trịnh mênh mang nhưng không bi lụy, có nỗi buồn đến hóa đá nhưng không làm người ta mất đi niềm tin vào cuộc đời. Hát một thứ âm nhạc đẹp đẽ, tuyệt vời như vậy thì tôi cũng phải sống khác đi, tích cực và lạc quan hơn. Khi tiếp xúc với âm nhạc này rồi thì không thể không mang nó đến với thế hệ trẻ, những người đang bị cuốn vào cuộc sống công nghiệp, quên cả việc chăm sóc tinh thần của mình. Họ cần dành đôi chút thời gian thư giãn, nghe một bản nhạc hay để tưới tắm lại cho tâm hồn mình.
____Có được sự ủng hộ của gia đình và đông đảo khán giả, sao anh không “thừa thắng xông lên” làm thêm những bài nhạc Trịnh khác nữa?
Tôi làm nhạc không phải để chạy theo số lượng. Một bài hát làm ra mình và cả ekip phải cảm thấy thỏa mãn trước đã mới đưa đến cho khán giả. Vì vậy mà cách chúng tôi làm nhạc thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Làm nhạc một cách vội vàng rất dễ bị cuốn vào guồng quay thị trường, như thế dễ đánh mất chính mình và mất khán giả.
Gia tài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất nhiều, trên dưới 600 bài hát, trong đó cả trăm bài hát được yêu thích. Tôi xem mình như người mở đường, chỉ làm thật tốt một số bài nhất định. Tôi muốn chứng minh rằng, nếu nỗ lực và tâm huyết với nghề thì sẽ thành công. Đây là bước mở đầu cho các bạn trẻ khác tiếp tục sáng tạo từ kho tàng nhạc Trịnh. Riêng tôi thì sẽ tiếp tục tìm những cách thể hiện khác trên nền các ca khúc của Trịnh Contemporary, như làm MV chẳng hạn. Tôi cũng sẽ dành thời gian để tìm “chiếc áo mới” phù hợp cho nhiều bài hát khác, để âm nhạc của các nhạc sĩ xưa không bị mai một theo thời gian.
____Ít người khởi sự nghề “cầm ca” ở tuổi ngoài 30 như anh, vì không dễ cạnh tranh với đông đảo ca sĩ trẻ đã có danh tiếng hiện nay. Anh có thấy mình hơi “liều”?
Có chứ, nhưng nhờ vậy mà tôi luôn tự nhắc mình phải đi “chậm mà chắc”. Vì tôi không có thời gian cho việc thử nghiệm, hay mơ mộng viển vông. Thực ra, tôi đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng theo con đường an toàn mà gia đình sắp đặt sẵn, tôi lại đi du học ngành Toán – Kinh tế để bố mẹ yên tâm. Tôi cũng thấy mình có chất giọng đặc biệt nhưng không ai nói cho tôi biết rằng tôi có thể hát, nên đôi khi tôi cảm thấy hoài nghi về chính mình. Thậm chí, khi chưa đi học thanh nhạc, tôi còn không muốn nghe lại ca khúc mình đã thu âm. Đến khi đi học một cách bài bản, tôi mới thực sự tin là mình hát được. Tất nhiên, nghề nào cũng vậy, không chỉ học trong trường lớp mà thành công được, phải tự học, tự nghiên cứu và mở lòng học hỏi thì mới cho ra sản phẩm tốt. Tôi đặt mục tiêu phải được mọi người công nhận Hà Lê là một ca sĩ chuyên nghiệp, chứ không phải một “biên đạo đi hát”, nên càng phải quyết tâm, kỷ luật và phải biết lắng nghe những người giỏi hơn mình.
“Cách chúng tôi làm nhạc thường mất rất nhiều thời gian và công sức. Làm nhạc một cách vội vàng rất dễ bị cuốn vào guồng quay thị trường, như thế dễ đánh mất chính mình và mất khán giả.”
____Nghe nói “cái tôi” của người nghệ sĩ lớn lắm, nên khó mà lắng nghe người khác. Anh không như vậy sao?
Tất nhiên tôi cũng có “cái tôi” thích khẳng định mình, nhưng đã có lý trí bắt “nó” ngồi xuống lắng nghe. Thỉnh thoảng, trong tôi xảy ra cuộc đấu tranh để lý trí thắng cái tôi đấy. Nhưng “cái tôi” có vẻ đã biết nhún nhường hơn sau những thất bại thời tuổi trẻ.
Cùng nhờ trải qua thất bại, đi qua những ngày tháng đau buồn và mặc cảm thất bại đến không nhấc mình lên nổi, nên nay tôi tỉnh táo và than thản hơn với các quyết định của mình. Rồi tôi tự hỏi: “Mình là ai? Mình sẽ làm gì có giá trị cho cuộc đời này?”. Đến lúc này, câu trả lời đã định hình, nhưng tôi vẫn phải nỗ lực rất nhiều để tìm các mảnh ghép khác, làm cho câu trả lời trọn vẹn hơn.
____Anh đã thành công trong việc tạo cá tính riêng cho sản phẩm của mình, có đông đảo người hâm mộ và cũng giành được những giải thưởng cao như giải VTV Awards 2020 vừa rồi. Mục tiêu tiếp theo của anh là gì?
Tôi vẫn luôn tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để âm nhạc của mình sống mãi?”. Tôi không muốn bài hát của mình người ta chỉ nghe một lần. Và tôi muốn kể câu chuyện của âm nhạc dân tộc, chứ không phải chỉ ra vài sản phẩm của cá nhân.
Đối với tôi, việc nhận được bao nhiêu show, hay bao nhiêu giải thưởng không quan trọng bằng việc bố mẹ, bạn bè và khán giả thấy “sướng” khi nghe tôi hát. Có đôi khi, niềm vui của tôi không có gì lớn lao, chỉ đơn giản là làm cho bố mẹ tự hào. Trong tôi lúc này, ngoài một người đàn ông đã trưởng thành, vẫn luôn giữ một đứa trẻ vô tư, trong sáng và muốn làm những người yêu thương mình được hạnh phúc.
____Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.