Nhà phê bình âm nhạc, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha – Họ gọi ông là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc, nhà báo… tùy từng trường hợp. Thế nhưng bạn bè thân thiết lại hay trìu mến gọi ông là “tên lê dương” – ám chỉ việc ở bất cứ lĩnh vực nào nói trên ông cũng có thể “xông trận” và làm tròn vai.
Các vai ấy, cho dù không lớn, không thật sự nổi bật nhưng nói một cách không hề quá rằng, nó âm thầm góp phần tích cực vào đời sống văn nghệ nước nhà trong suốt mấy chục năm qua. Ông là Nguyễn Thụy Kha – thực ra, nhiều người thích gọi ông một cách giản dị như thế, bởi chỉ cần như thế, cũng đủ hình dung ra ông rồi. Dáng người cao to, hoạt ngôn trong các cuộc “tụ bạ” của giới văn nghệ sĩ. Mà các cuộc tụ bạ như thế, người ta thích có mặt ông, bởi ông có một trí nhớ tuyệt vời, một “cuốn từ điển sống” về chuyện làng văn nghệ – những chuyện để người ta “biết mình, biết người” và trân trọng nhau hơn.
Với tư cách nhiều “nhà” như thế, nhưng câu chuyện của chúng tôi lại bắt đầu từ nhà doanh nghiệp – vai ít người biết đến nhất về ông. Hiện Nguyễn Thụy Kha là Giám đốc Công ty “Hòa hợp TKK”. Gọi là công ty nghe có vẻ oai, nhưng chỉ có mình ông giám đốc và ba, bốn người “làm công ăn lương”, số còn lại, ông huy động bạn bè làm cộng tác viên. Ông nói, phải thành lập công ty bởi ông cần có tư cách pháp nhân để giao dịch, với lại “làm chẳng hết ý tưởng của mình” thì cần gì đến ban bệ, nọ kia…
____
“Hòa hợp TKK”, cái tên nghe rất trừu tượng! Cụ thể công việc của công ty là gì, thưa ông?
“Hòa hợp TKK” – đơn giản là “Thụy Kha khờ (dại)”. Công ty luôn làm những câu chuyện âm nhạc đích thực, để cân bằng với dòng nhạc thịnh hành hiện nay. Là dinh dưỡng cho một luồng chảy cho âm nhạc đích thực. Từ khi mở công ty đến nay là 12 năm thì mỗi năm TKK đều đóng góp một chuyện có ích cho âm nhạc. Ngay từ năm 2001, TKK đã đưa dàn nhạc giao hưởng ra biểu diễn ngoài trời tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), kết hợp cả nhạc trẻ vào trong đó.
Đây cũng là một trong những ý tưởng của công ty – giao hòa giữa các dòng nhạc. Đầu tư cho phim Chuyện của Pao – mời quay phim nước ngoài vào Việt Nam. Có thể nói đây là trường hợp đầu tiên mời người nước ngoài vào quay phim ở Việt Nam. Mời nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo làm âm nhạc… Bắt tay với Trường nghệ thuật MECA (thành phố Houston, Texas, Mỹ) đưa hơn 20 người về Việt Nam biểu diễn từ thiện. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 tổ chức một dàn hợp xướng với 500 người biểu diễn.
Làm cuốn sách 1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội nhân Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm. Tác giả cuốn sách này sẽ được trao tặng kỷ lục quốc gia về người chọn được nhiều bài hát về Hà Nội nhất vào cuối tháng 8 này tại Khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh. TKK luôn có những ý tưởng để đưa âm nhạc chính thống đến với người nghe nhiều hơn. Chương trình “Hẹn hò” giới thiệu ba nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn diễn ra cách đây không lâu là một ví dụ. Hiện TKK đang tổ chức dự án Thế giới hát tiếng Việt.
____
Ông có thể cho biết cụ thể dự án ấy như thế nào không?
Kêu gọi trên mạng internet ở rộng khắp thế giới. Sau đó, sẽ tính đến chuyện tinh tuyển, tổ chức biểu diễn.
____
Thưa, như thế có quá sức không với một công ty nhỏ bé của ông?
Tất nhiên, đó là ý tưởng của TKK, nhưng chúng tôi sẽ phải huy động các tổ chức khác cùng thực hiện.
Âm nhạc thịnh hành có ưu điểm là đến rất nhanh với lớp trẻ nhưng lại thiếu đi điều mà lâu nay người ta vẫn nói đó là vấn đề thẩm mỹ.
____
Ông nói, công ty chuyên làm những câu chuyện âm nhạc đích thực. Thế có nghĩa là còn có những dòng âm nhạc khác được ông cho là không đích thực?
Hiện nay, bên cạnh âm nhạc truyền thống từ thời tiền chiến đến nay vẫn tuôn chảy, còn có một dòng âm nhạc nữa mà người ta hay gọi là “thị trường”, nhưng tôi thì thích dùng từ “thịnh hành” hơn. Đấy là sự xuất hiện rất tự nhiên của đời sống hôm nay. Tất cả những người làm âm nhạc quen với các dòng nhạc cổ điển, tiền chiến hay cách mạng đều ngỡ ngàng vì họ không thể nắm bắt được hiện thực, không lý giải được tại sao chỉ có vài câu hát với ca từ rất đơn giản lại thu hút được một lượng khán giả lớn.
Dòng âm nhạc này có tác động rất khác nhau giữa những người sống ở các thời đại khác nhau và nó nghiêng về vấn đề giải trí, thích hợp với giới trẻ hiện nay, không muốn nhắc lại những quá khứ đau đớn, muốn có một tình cảm mới. Âm nhạc thịnh hành có ưu điểm là đến rất nhanh với lớp trẻ nhưng lại thiếu đi điều mà lâu nay người ta vẫn nói đó là vấn đề thẩm mỹ.
____
Theo ông, như thế thì có nguy hiểm không, nếu như thẩm mỹ của các thế hệ sau, vì thế mà sẽ bị lệch lạc đi?
Âm nhạc thịnh hành làm cho con người ta phải có suy nghĩ mới lên. Nhưng chỉ thế thôi, bởi khi lớn tuổi hơn, người ta sẽ có thời gian nhìn lại. Không thể đánh đồng những nhạc sĩ của thời trước với những nhạc sĩ của dòng nhạc thịnh hành được. Điều này chỉ có thể làm xoa dịu cho một lớp trẻ hết sức vô tư, không biết gì đến quá khứ. Mặt khác, chính vì sự thiếu chuyên môn của dòng nhạc này nên bên cạnh một bộ phận giới trẻ thích, vẫn có một bộ phận tìm về với các tác phẩm âm nhạc truyền thống.
____
Tuy vậy, có vẻ như dòng nhạc thịnh hành này vẫn gây lo ngại cho nhiều người trong giới chuyên môn, đặc biệt là giới phê bình âm nhạc – bởi họ cho rằng thẩm mỹ kém, đáp ứng thị hiếu tầm thường… Quan điểm của ông thế nào?
Phải nói thật, trong tư duy của tôi, nước ta chưa có nhà phê bình âm nhạc, bởi vì họ chỉ mang những điều đã được học hành áp dụng vào những chỗ không đồng thời, không đồng pha. Tôi cho rằng, đã là nghệ thuật thì kiểu gì cũng phải trở về đích thực. Giống như cha mẹ nào cũng lo lắng cho những đứa con nghịch ngợm của mình, nhưng rồi cuối cùng, đứa nào cũng khẳng định sự nghiệp của nó.
Chỗ này chúng ta góp một vài câu, một vài tác phẩm, chỗ kia cũng thế… tất cả điều đó làm nên nội lực của dân tộc. Nếu dân tộc đã mạt thì tất cả các điều đó sẽ mạt. Không có âm nhạc nào có thể cứu vãn được một dân tộc cả. Nhưng âm nhạc Việt Nam đã từng góp phần giúp Việt Nam thắng Mỹ thì tôi tin tưởng rằng không bao giờ âm nhạc Việt Nam thua kém trong tương lai. Tôi rất tự hào hiện nay có những nhạc sĩ trẻ đang đi trên con đường nối tiếp các nhạc sĩ phía trước bằng những tác phẩm rất lớn.
Ví dụ Trần Mạnh Hùng với các ca khúc và giao hưởng: Giấc mơ màu lá, Lệ Chi viên, Việt Anh – người đã có những ca khúc rất đẹp Không còn mùa thu, Dòng sông lơ đãng, Mưa phi trường; các giao hưởng Khúc tưởng niệm, Vàng son. Hay những ca khúc của Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Giáng Son… Mỗi một thời đại có một số gương mặt như thế là quá hay rồi. Họ đều là những người nối được quá khứ. Có một thực tế là ngày nay truyền thông quá lan tràn, buộc người ta phải nghe quá nhiều thứ. Ngày xưa chỉ có một luồng thôi, còn bây giờ là đa kênh. Đó cũng chính là sự thử thách cho người nghe.
____
Vậy Nguyễn Thụy Kha là ai nếu như ông nói là ở nước ta chưa có nhà lý luận phê bình âm nhạc đích thực, trong khi mọi người vẫn gọi ông là nhà phê bình?
Có lẽ đó là do mọi người thấy tôi hay viết dạng đó thì gọi thế. Tôi chẳng có bằng cấp gì về lý luận phê bình âm nhạc mà chỉ viết theo gợi ý của cụ Văn Cao thôi. Cách đây mấy chục năm, cụ đã nói với tôi: “Viết đi, cảm nhận như thế nào thì viết như thế, dùng kiến thức, hiểu biết của mình mà viết…”. Và thế là “Nửa thế kỷ ca khúc Việt Nam”, “Những gương mặt âm nhạc thế kỷ”, “Huy Du”, “Nguyễn Thiện Đạo, nhạc sĩ bị giời đày”… lần lượt ra đời.
Còn những người có bằng cấp, họ được đào tạo cẩn thận, tôi nghĩ rằng đó là một sự phí phạm, đào tạo sai. Đa số chỉ nói những câu chuyện rất vớ vẩn trong học thuật và chẳng biết gì về đời sống này, bản thân họ cũng không muốn dấn thân, không biết ai vào với ai, nói về từng con người đều rất ấp úng vì họ không có tình yêu. Để làm được lý luận phê bình thì phải có tình yêu với cái nghề của mình, với các tác phẩm, với đồng nghiệp của mình.
Số đó rất trống vắng. Hiện nay, tôi cho rằng chỉ có một vài người có tình yêu ấy, ví dụ như Nguyễn Thị Minh Châu… Nói ra thì những người khác sẽ “xù lông” lên, nhưng thử hỏi họ có một công trình nào không (có thể chỉ qua một tập sách thôi chẳng hạn), rồi sau đó chúng ta cùng đánh giá thì biết ngay họ là ai. Tôi cũng đang trông chờ vào một số người trẻ, mong có vài người có thể dấn thân như tôi, có thể đỡ đần những công việc mà tôi đang làm. Hiện nay, rất ít người viết về âm nhạc bác học ở Việt Nam.
____
Nhiều người lo ngại rằng, âm nhạc đương đại Việt Nam hiện nay không có bản sắc riêng và đó cũng là trở ngại cho việc đưa ra với thế giới. Ông có nghĩ như vậy không?
Tôi cho rằng, hành trình đưa bản sắc dân tộc vào tân nhạc Việt Nam được bắt đầu từ đầu thế kỷ XX và hiện nay vẫn tiếp tục. Đầu thế kỷ trước, âm nhạc truyền thống Việt Nam đứng trước một ứng xử thật tình thế với âm nhạc phương Tây. Khi ấy, chèo truyền thống rời chiếu làng sân đình ra thành thị biến thành chèo Văn Minh và sau đó là chèo Cải Cách.
Ca trù thì co cụm, tồn tại như một thách thức với âm nhạc châu Âu, cũng làm cho nhiều người phương Tây phải kính nể. Tuồng cũng hoàn thiện và phát triển, đã từng biểu diễn tại hội chợ Thuộc địa tại Paris khiến cho nhạc sĩ trường phái ấn tượng Claude Debussy cực kỳ ngạc nhiên và khâm phục. Ca Huế thì phát triển vào đất Quảng trở thành hò Quảng, vào đến Đồng bằng sông Cửu Long thì biến thành đờn ca tài tử. Từ đó, phát triển thành ca kịch cải lương.
Đàn nhạc cải lương đã khoét lõm phím cây guitare Tây Ban Nha, bỏ đi một dây và định âm lại năm dây còn lại theo ngũ cung: Hò, xừ, xang, xê, cống. Đó là cuộc đồng hóa ngược của kẻ bị xâm lược với kẻ xâm lược… Sau phong trào “lời ta, điệu Tây” là đến phong trào “cải cách”. Tân nhạc Việt Nam hoài thai và bắt đầu có tờ khai sinh là việc báo Ngày nay số ra ngày 31-7-1938 cho in bài hát Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát, lời của Thế Lữ.
Rồi khi bắt đầu thay đổi từ những bản ký âm theo nốt của phương Tây trên những dòng kẻ, các nhạc sĩ Việt Nam đã ý thức ngay việc giữ gìn và thể hiện bản sắc dân tộc trong những sáng tác của mình. Đó là một thực tế rất đáng trân trọng, là bản lĩnh sáng tạo của nhạc sĩ Việt Nam. Lịch sử tân nhạc Việt Nam đã cho thấy sự cống hiến của những nhân cách, những nhóm sáng tạo khiến chúng ta luôn cảm thấy an lòng. Họ đã giữ gìn bản sắc dân tộc trong tân nhạc như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt từ chữ Nôm sang mẫu tự Latin.
Lịch sử tân nhạc Việt Nam đã cho thấy sự cống hiến của những nhân cách, những nhóm sáng tạo khiến chúng ta luôn cảm thấy an lòng. Họ đã giữ gìn bản sắc dân tộc trong tân nhạc.
____
Cũng bởi mỗi khi có ai trong giới văn nghệ sĩ mất, chỉ cần gọi điện cho ông và chỉ một hai tiếng sau là đã có bài “điếu” để đăng báo rồi, nên nhiều người hay nói vui với nhau: “Nguyễn Thụy Kha là chuyên gia khóc thuê”. Ông có tự ái không về cái danh “chuyên gia” này?
Có người độc miệng còn ví tôi như con quạ chuyên rỉa… ấy chứ. Tôi chẳng quan tâm, và vì thế cũng chẳng tự ái. Viết về một con người, cũng giống như một bài phê bình, ngoài kiến thức, nhất định phải có một tấm lòng. Tại sao rất nhiều người cũng sống cùng thời với tôi mà lại không quan tâm đến những người sống xung quanh mình? Số thời gian và thậm chí cả kinh phí tôi từng chia sẻ với từng con người đó phải như thế nào chứ? Tôi cho rằng những bài viết của tôi là một cây hương văn hóa để tưởng nhớ đến họ. Tất cả những nhạc sĩ lớn nào mất đi tôi đều có bài viết cả, đôi khi không chỉở một tờ báo…
____
Nghe nói, ông đã từng là thiếu tá trong quân đội, vậy điều gì đã khiến một ông thiếu tá trở thành một người chuyên nghiệp trong giới văn nghệ sĩ, thưa ông?
Tôi là người Hải Phòng. Học Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc, học xong gia nhập quân đội và công trình lớn nhất mà tôi đóng góp trong thời kỳ ở quân đội là công trình thiết kế đường dây thông tin quân sự xuyên Trường Sơn để đánh Buôn Mê Thuột. Trong lúc làm công trình ấy và tham gia vào các chiến dịch, tôi chứng kiến sự hy sinh của những đồng đội.
Đến 30-4-1975, tôi nhận ra rằng mình có nhu cầu làm nhạc, làm thơ, viết báo, thậm chí làm cả điện ảnh… như bây giờ – để “giải tỏa” những tình cảm, tâm trạng của mình. Tôi phục viên bằng một lý do rất đơn giản, trong thời Đổi mới và mở cửa, tôi có viết một bài thơ in trên tạp chí Sông Hương, nói về tình trạng xã hội lúc đó. Sau này, tạp chí Sông Hương bị đóng cửa, người ta nói là có “góp công” của bài thơấy. Đơn vị buộc tôi phải ra quân, vì không có cách nào khác cả. Từ đó đến nay đã hai mươi ba năm rồi.
Hai mươi ba năm không có lương, nhưng nhờ hai mươi ba năm ấy mà tôi có số sách – xếp chồng lên nhau cao gần bằng tôi, cộng với một sự thanh thản. Khi thành lập công ty này, tôi cũng không nghĩ là làm giàu mà chỉ hy vọng là đủ sống để làm những việc mà mình yêu thích, tái tạo sức lao động. Hãy nuôi tôi sống để tôi làm các việc khác có ích hơn. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn sống trong một cái buồng ở một con phố trung tâm chật chội, đông đúc. Rất nhiều người thay đổi được nhà to và họ tự hiểu là họ thay đổi được nhờ cái gì.
____
Lại nói về thơ, ông có hay làm thơ thế sự nữa hay không?
Thực ra, tôi thích thơ lãng mạn, trữ tình hơn. Vì mình nhìn thấy con người có cuộc sống vượt qua thế sự, sự chán nản, sự yêu thương của họ. Năm 1986, tôi có dịp được làm nhạc cho bộ phim về Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Do vậy, khi bài thơấy của tôi ra đời (năm 1989) thì ông có gọi tôi lên, ăn cơm, nói chuyện… Tôi nhận ra, chỉ nói một lần về thế sự, thế là đủ và đó cũng là sự trưởng thành của chính mình.
____
Trong suốt quá trình hai mươi ba năm không có lương ấy, có lúc nào ông cảm thấy rất mệt mỏi, đặc biệt là giữa lúc xã hội đang phát triển rất nóng như hiện nay?
Chưa. Nhưng điều này phải cảm ơn người vợ của tôi. Vì trong lúc tôi bị “đứng đường”, không có việc làm, không có lương thì cô ấy lại cảm thấy “như thế mới là chồng mình”, cô ấy rất vui vẻ. Thời kỳ đó báo chí lại đang phát triển, cứ mỗi ngày tôi viết một bài báo là đủ sống rồi. Chính thời gian đó tôi lại cảm thấy rất vui, vì đủ sống và không phụ thuộc, có thời gian giao lưu với bạn bè.
Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn như thế. Cũng có lúc tôi phải vay tiền bạn bè, thậm chí là vay ngân hàng, nhưng không sợ vì biết rằng mình vẫn có thể trả được nợ. Bởi trong mình vẫn còn tràn đầy sáng tạo. Sáng tạo ở mình bây giờ cũng chưa được coi trọng lắm, nhưng ít nhất vẫn có thể sống được. Thêm nữa, hai mươi ba năm nay không bị ai mắng và không bị nhận những sự giận dữ vô cớở ngoài và được nói thật lòng.
Tôi vẫn nói đùa, tôi làm báo để sống, làm nhạc để vui, làm thơ để chết và làm kinh tế để hồi sinh.
____
Trong các vai trò là nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc, doanh nhân – ông thích nhất vai nào?
Việc nào cũng thích. Tôi là người có thể phân thân.
____
Nhưng như thế, công việc liệu có hiệu quả không, thưa ông?
Nhiều người nghĩ tôi già rồi mà còn ham hố. Hoặc cũng có nhiều người nghĩ rằng “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhưng tôi thì cho rằng quan trọng là nội lực và sự ham sống của mình. Khi ở vai nhà doanh nghiệp thì đừng có đùa với tôi về kiểm soát tài chính. Trước một sự cập nhật đời sống tôi có thể viết ngay một bài báo, đôi khi trong sự cô đơn tôi có thể viết một bài thơ và đôi khi trong một sự hân hoan tôi lại viết một hợp xướng.
Và như thế, tôi có cảm giác mình được sống rất nhiều chiều, đó là một sự sung sướng. Tôi vẫn nói đùa, tôi làm báo để sống, làm nhạc để vui, làm thơ để chết và làm kinh tế để hồi sinh. Có người hỏi tôi mỗi năm làm được bao nhiêu tiền, tôi trả lời rằng lãi của tôi không thể tính bằng tiền. Nó là vô giá… tôi khẳng định thế.
____
Thời gian gần đây, người ta cũng thấy ông hay xuất hiện trên truyền hình, trong các chương trình bàn luận xung quanh các vấn đề âm nhạc, thơ… Vì thế mà người ta cho rằng ông ham hố chăng?
Lý do tôi không từ chối bất cứ cuộc trả lời phỏng vấn hay thậm chí là một bạn trẻ bốc điện thoại lên hỏi, là vì đó chính là cơ hội để tôi được chia sẻ những điều tôi đã biết, đã hiểu cùng mọi người.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông luôn giữ được nội lực sáng tạo của mình.