Khác với nhiều kiến trúc nhà ở dân gian nhìn ra đường phố hoặc có sân vườn bao quanh hoặc ở phía trước mặt, nhà cổ truyền ở Syria lại có thiên hướng đối nội. Tất cả nhìn vào bên trong và quay tròn quanh một tiểu viên trung tâm, mà chính giữa là một giếng nước hoặc một đài phun róc rách. Nhờ được nối kết với mạch nước ngầm hoặc đường ống cung cấp nước sạch của thành phố, và che phủ cho nó cũng như nhiều phần nhà là những hàng cây, chậu cảnh dây leo um tùm, rực rỡ, thơm ngát.
Sở dĩ như vậy vì khí hậu ở Syria vốn rất khắc nghiệt, mùa hè cực nóng, còn mùa đông se lạnh cộng với khói bụi, tiếng ồn, nhất là bụi đất của sa mạc dễ ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật. Ngoài ra, còn vì an ninh, sự riêng tư, tôn giáo, sự uy nghiêm, kín đáo, vô ưu. Thành thử, mỗi ngôi nhà giống như một pháo đài yên tĩnh, tránh mọi xô bồ, phiều nhiễu, nhưng vẫn vui, sinh động, sặc sỡ, thậm chí như một lâu đài tráng lệ với nhiều tranh, khảm, phù điêu, vòm cột, hoa lá, chim thú, mây nước hữu tình.
Tuy ở một không gian quây kín, nhưng mọi người vẫn thấy được thế giới náo nhiệt bên ngoài qua nhiều ban công, ô cửa, và ở trong phòng thì lại tiếp cận mọi sự qua hàng loạt họa phẩm mi ni về các sinh hoạt văn hóa, món ăn, trang phục, xe cộ, chân dung, và đặc biệt khi bước ra vườn, được hòa nhập giữa thiên nhiên tươi đẹp. Ở đây, luôn thấy trước mắt những cành cây rủ rỉ bên cửa sổ, tạo thành vô số ô che cho những hoạt động bên dưới, mà phổ biến là các loại hoa hồng, hoa nhài, hoa giấy, dây nho, cam chanh…
Dưới gốc là những lồng chim đủ loại hót véo von hoặc những con thú được thả rông, chạy nhảy tự do trên nền đá, nền gạch sáng bóng. Chính giữa cái sân này, nhỏ thì vài chục mét vuông, lớn thì cả trăm mét vuông, là một hoặc nhiều đài phun cũng đủ kiểu cách, mà thường nhất là hình tròn, bát giác, chữ nhật, hình vuông, gắn hoặc không gắn tượng đài, song luôn có một đến hàng chục vòi phun, và thành rất dày cho phép mọi người ngồi chơi, nghịch ngợm. Cùng lúc ta có thể nghe rõ tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy hoặc rất xa xôi tiếng ô tô, xe máy bên ngoài, vì thế không có gì thư thái bằng.
Góp phần cho điều này, thứ nhất là vì mỗi ngôi nhà cổ truyền Syria có tường rất cao tuy rằng chỉ xây hai tầng. Thứ hai là tường rất dày, được đắp nhiều vữa, gỗ đá cách âm cách nhiệt để có thể dội trả tiếng ồn, phòng chống mưa gió. Lối vào nhà cũng không trực tiếp thông thống, mà được sắp xếp kiểu chữ chi hay bẻ cong và chẽ ra thành một ngả vào nhà (các gian phòng, nơi gia chủ trú ngụ) và một ngả vào vườn- nơi mọi người vui chơi, sinh hoạt. Lối đi này cũng khá nhỏ hẹp nên âm thanh bị cản trở.
Cổng của nó còn là một cánh cửa gỗ cực dày, nẹp chì kiên cố, nên khi đóng vào kín mít. Tất thảy tạo thành một nơi ẩn náu lý tưởng, an toàn. Ấy vậy mà kiến trúc này đã có từ cách đây 3.000 năm, và phát triển cực thịnh từ đế chế Ottoman. Bấy giờ, ở vùng Lưỡng Hà, khí hậu mùa hè vô cùng nóng bỏng, bão cát liên miên làm cả người và vật nhiều khi bị thổi bay. Những người du mục Ả Rập, khi nghỉ chân trên sa mạc, đã nghĩ ra một kế: đó là dựng lên những túp lều xếp vòng tròn, nối tiếp nhau quanh một khu đất trung tâm, nơi họ nằm ngủ, quây nhốt gia súc để hộ thân và bảo vệ tài sản.
Nhờ chúng che chắn, ai nấy đã thoát khỏi mọi nguy hiểm và thậm chí còn có thể vui chơi, ca hát, ngắm sao vô lo nghĩ giữa trời đêm. Và việc này hôm nay đã trở thành lối xây dựng, phong cách sống độc đáo của Syria, với mỗi ngôi nhà truyền thống dù ở đâu cũng đều có hai bộ phận, gồm chỗ ở Ma-awa chống khí hậu khắc nghiệt và chỗ giải trí Maskan, cho mọi người quây quần, văn nghệ, thưởng ngoạn. Mảnh đất giữa nhà hay nội viên sẽ là sân chơi chung, phục vụ các lễ nghi, cưới hỏi, tiệc tùng của cả khu, mà có thể gồm nhiều hộ gia đình.
Đại thể, sẽ có ít nhất 3 dãy nhà xếp vòng tròn ở 3 phía, với mỗi phía đều có những gian phòng hướng ra vườn. Chúng thường được xây bằng đá đen và trắng Al-Ablag, tạo nên một đặc điểm dễ nhận của kiến trúc Syria. Mỗi ngôi nhà thường có hai tầng, song sơn, vẽ, trạm, đắp đa dạng. Đặc biệt, nhà nào cũng có nhiều vòm cột, chạy dài thành dãy quanh một sân vuông.
Trong phòng, từ sát sàn lên tới trần thường ốp gỗ, điêu khắc kinh Qur, an, cùng đó là những dòng chữ thư pháp, hình học cân đối, rát vàng, nạm ngọc đẹp mắt. Mặt sàn cũng được khảm đá, vân hoa hấp dẫn và tạo hình chiếu thảm Ba Tư. Ở nhiều nhà, phần trần còn được đắp nổi và chia múi cho các vòng cung, đường chéo ajami hình lọ hoa, bát quả hoành tráng. Trên trần và các vòm cửa thường treo lủng lẳng những cây đèn chùm thủy tinh sặc sỡ, và dọc hành lang cũng gắn nhiều đèn tường hoa mỹ. Trên tầng thượng và mặt tiền ngôi nhà nhìn ra phố thường có các ban công Mushrabuya quây lưới kín đáo, cho phụ nữ quan sát bên ngoài mà không bị để ý.
Cũng có một số cửa sổ xinh xắn nằm ở tầng hai để ngắm cảnh song tránh ánh mắt soi mói. Chỉ khi nào có lễ hội ngoài đường hay sự kiện trọng đại, người ta mới dùng chúng theo dõi. Về phía vườn, lại thấy khá nhiều bao lơn, ô cửa ngoạn mục cho ánh nắng, không khí trong lành chảy vào các gian phòng. Hàng ngày, mọi người thường sinh hoạt ở tầng trệt ngôi nhà, và gọi nó là Al Salamlek, còn khi ngủ hay làm việc riêng thì leo lên tầng hai với các khu vực riêng tư- Al Haramlek. Tầng trệt rất hay được dùng vào hè do phủ đầy bóng mát và trông ra vườn. Còn tầng hai được dùng vào đông, cũng nhìn ra vườn song ấm cúng hơn nhờ có mành chắn. Các cửa sổ thường mắc ri đô để dễ bề điều tiết ánh sáng, không khí mát hay ấm.
Dù ở đâu, quan trọng nhất trong ngôi nhà này vẫn là sân vườn. Từ cổng đi vào nhà, qua một lối hẹp dihliz, ta sẽ tới một cái sân rộng, được bao bọc bởi nhiều gian phòng mái bằng. Xưa kia, một ngôi nhà đầy đủ thường có hai khoảng sân, ngoại viên barrani và nội viên jawwani, cá biệt nhà lớn có tới bốn khoảng. Trong đó luôn trồng nhiều cây lấy hoa, ăn quả, gia vị để cắm lọ, phục vụ bữa ăn hay tắm rửa.
Cây cối có thể mọc thành giàn, buông rủ hoặc vươn lên, chạm tới những ngọn tháp thông gió, và cùng tháp sản sinh không khí mát mẻ, lọc bỏ khói bụi tổn hại sức khỏe và đồ đạc trong nhà. Như đã nói, mỗi sân vườn đều có một đài phun hay giếng nước tuôn chảy tí tách, và có thể có nhiều cá tôm, chim nước bơi lội tung tăng. Mỗi khi có đám cưới hay lễ Tết, dân gian đều lấy nước ở đây để làm lễ tưới tắm, và ngược lại cũng thả hoa hồng, hoa nhài, hoa cúc, hoa sen vào đài phun, giếng nước cho thơm.
Gần như mọi hoạt động ăn uống, vui chơi, ngắm cảnh trong khu nhà đều diễn ra trên sân vườn. Tuy nhiên, trong khi để trẻ em chạy nhảy, rượt đuổi khắp nơi, thì người lớn thường ngồi đọc sách, uống cà phê và tiếp khách ở góc hóng mát, được thiết kế riêng cho việc thưởng lãm. Có hai nơi bên sân được dùng làm không gian tiếp đón là Iwan và Qa, a.
Vào hè, khách sẽ được mời tới Iwan, một phòng có mái che và ba phía trông ra vườn, thường có hình cung, mái vòm cao ráo và nằm ở phía nam vườn, trông ra hướng bắc đón gió mát. Iwan cũng hay có hai cấp, để mọi người ngồi chơi đàn, quy tụ từ trên xuống dưới ngắm cảnh, xem nhảy múa đằng trước. Hai bên của Iwan thường là hai phòng đối diện từ hai phía của dãy nhà cho ai nấy đổ xô tới chơi, và vì vị trí đắc địa, sang trọng nên mọi thứ rất lộng lẫy, tráng lệ.
- Xem thêm: Đa dạng nhà gỗ cổ truyền Indonesia
Ở đó, ngoài tường được trạm khắc, còn thấy nhiều loại đồ cổ, thư pháp ca ngợi thiên nhiên, thần thánh, truyền thống của gia đình và sự hiếu khách của ông chủ… Mùa đông, họ lại được mời tới Qa, a- một phòng lịch sự bên trong nhà sát vườn và ở phía bắc vườn. Tại Qa, a cũng có hai khu là phòng chờ ataba và phòng tiếp chuyện tazar có bục cao hình vuông để ngồi đàm đạo, với rất nhiều tủ kệ chứa cổ vật, đồ dùng hiếm quý bằng sứ, thủy tinh, vàng bạc.
Trong lúc chủ nhà tiếp khách, các thành viên khác trong gia đình vẫn có thể đi lại, làm việc thoải mái trong các căn phòng, hành lang mà không bị mất tự nhiên, điềm tĩnh vì lối đi trong nhà là lối đi riêng so với vườn cùng sự tách biệt không gian qua các lan can, ri đô hay mành che phong phú. Và như đã nói khi cần làm việc riêng tư, gia chủ có thể lên tầng hai và dành cả tầng một cho các hoạt động biểu diễn văn nghệ, hội hè, hiếu hỷ…
Vì vẻ độc đáo, ấn tượng của nhà cổ truyền Syria, cứ thứ năm hàng tuần, du khách, nhất là khách nước ngoài, đều tới đây vui chơi, giao lưu và học hỏi kiến trúc cùng phong tục, tập quán Syria. Ai nấy đều bất ngờ trước một ốc đảo bí ẩn, xanh tươi giữa lòng các thành phố, và càng ngạc nhiên hơn khi biết chỉ cách một vài bước chân so với đường phố là một thế giới hoàn toàn mới lạ, vừa êm dịu, tĩnh lặng vừa thoáng đãng, trong lành.
Đó là một kỳ quan kiến trúc, kết hợp tinh tế phong cảnh cả trong lẫn ngoài, kín lẫn hở, lạnh lẫn ấm, đất đá- cỏ cây, nước, lửa, không khí là các yếu tố tự nhiên mang tới sự sống thái hòa. Hơn thế, còn là một kiến trúc cổ đại, xinh đẹp, trường tồn, thỏa mãn đa dạng nhiều nhu cầu ăn nghỉ, vui đùa, tu dưỡng khác hẳn các công trình một chức năng.