Mười ba năm bền bỉ với các hoạt động bảo vệ môi trường, giải cứu động vật hoang dã… Lê Thị Trang đã hai lần được tổ chức quốc tế vinh danh. Một “ngôi nhà thiên nhiên” đang được cô kiến tạo với nhiều hy vọng giúp cho hoạt động bảo tồn tại Việt Nam bền vững hơn.
Tôi biết Lê Thị Trang cách nay bảy năm, khi giải thưởng quốc tế Tương lai cho môi trường thiên nhiên (Future For Nature Award) vinh danh cô là 1 trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới năm 2015. Thế nhưng, phải đến khi Quỹ Đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) của chương trình toàn cầu xướng tên Trang là 1 trong 10 “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” năm 2020 thì tôi mới có ấn tượng mạnh khi nghe ông Jack Tordoff, Giám đốc điều hành CEPF, chia sẻ: “Trang là trung tâm của chiến dịch giải cứu bán đảo Sơn Trà khỏi sự phát triển du lịch không kiểm soát. Cô ấy mang đến sự năng động, sáng tạo và năng lượng vô tận trong công việc. Chính những việc làm của Trang và GreenViet là nguồn cảm hứng đối với riêng tôi…”.
Trong cuộc trò chuyện đầu năm 2022, Trang cho biết cô đã ngừng công tác tại Trung tâm GreenViet gần một năm. “Tôi luôn biết ơn tất cả những trải nghiệm mà tôi đã có trong bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt với GreenViet. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng trong bảo tồn thiên nhiên, giáo dục là quan trọng hơn nhiều để có thể thu hút sự tham gia của cộng đồng. Trong giai đoạn tiếp theo, tôi muốn tập trung cho giáo dục bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo ở vùng nông thôn, miền núi”, Trang nói.
Có tự hào thì mới muốn ở lại bảo vệ
Trang đang tiến hành các thủ tục đăng ký hoạt động cho “ngôi nhà thiên nhiên” mới là tổ chức LVDI International tại Việt Nam. Đây là một tổ chức xã hội thành lập tại Mỹ từ 2015 bởi tiến sĩ John “Andy” Phillips và tiến sĩ Chia Luen Tan, với hơn 70 năm kinh nghiệm làm việc trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Khi thành lập LVDI International, họ ưu tiên tập trung vào giáo dục bảo tồn thiên nhiên.
“Andy và Chia là những người cố vấn thân thiết của tôi từ năm 2013, giúp tôi phát triển các hoạt động cho chương trình Little Green Guards® (Hiệp sĩ nhí rừng xanh) và cùng tham gia với họ để truyền tình yêu thiên nhiên và sự trân trọng động vật hoang dã đến cho trẻ em”, Trang kể.
LVDI International hoạt động dựa trên lực lượng tình nguyện viên, đặt tình yêu thiên nhiên và tình thương trẻ em làm động lực chính. Nguồn quỹ của LVDI International phần lớn đến từ nguồn đóng góp của các công dân Mỹ và những người bạn quốc tế đang công tác trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, từ giữa năm 2021, LVDI International đã phát triển một chương trình mới thuộc chương trình Little Green Guards®, với tên gọi Save The Magnificent Seven (M7), bao gồm các bài học dành cho trẻ em độ tuổi lớp 3 đến lớp 7, nhằm truyền tải và nuôi dưỡng niềm tự hào về tài nguyên thiên nhiên của quê hương, thông qua các bài giảng và sách truyện về 7 loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng: hổ Đông Dương, vượn má vàng Bắc bộ, tê tê, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân nâu, trĩ sao, sao la.
Một series truyện tranh về 7 loài vật này được viết bởi tiến sĩ Andy cũng sắp ra mắt. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh chưa thể đến trường nhưng chương trình M7 đã được nhiều đơn vị liên hệ để tổ chức học online, đông đảo nhất là Trường THCS Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) đã tổ chức cho 337 học sinh theo hình thức hội trại trực tuyến.
Chỉ mới khởi đầu nhưng hiệu ứng từ chương trình M7 rất khả quan. So sánh các câu trả lời của trẻ trước và sau chương trình, dù chỉ từ một buổi học, luôn có sự thay đổi rất rõ. Đơn cử, học sinh sau khi tham gia buổi tìm hiểu về thỏ vằn Trường Sơn, với câu hỏi “Thỏ vằn con sẽ được chăm sóc bởi thỏ bố hay thỏ mẹ”, trước chương trình chỉ có 29,2% trả lời đúng, sau chương trình, con số này tăng lên 68,6%.
“Cốt lõi của chương trình Little Green Guards® là gầy dựng tình yêu thiên nhiên của quê hương cho trẻ em. Con người ta phải có hiểu biết thì mới có yêu thương. Có yêu thương thì mới có tự hào, và chỉ khi có tự hào thì mới muốn ở lại để bảo vệ. Nói thật, tôi ám ảnh với hình ảnh những em học sinh cấp hai cấp ba, nhìn quê hương nghèo nàn lạc hậu chỉ muốn tìm đường ra thành phố học rồi lập nghiệp. Điều mà tôi và các bạn tình nguyện viên ở LVDI International Việt Nam hay mơ mộng là 20 năm sau sẽ có những lãnh đạo đủ bản lĩnh đưa ra các quyết định sáng suốt để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quê hương mình”, Trang trăn trở.
“Giải cứu Sơn Trà” là công sức cộng đồng
Không có tuổi thơ bình thường như những đứa trẻ khác nhưng Trang bảo cô không bất hạnh, trái lại còn được nhiều yêu thương. Cha mẹ chia tay khi Trang còn trong bụng mẹ. Chào đời năm 1986, Trang được gửi cho ông bà ngoại ở Thanh Hóa nuôi dưỡng vì mẹ mưu sinh xa xứ. “Ông bà là những người đầu tiên gieo vào lòng tôi nguồn cảm hứng vô tận với thiên nhiên, dạy tôi biết yêu thương động vật. Ngay từ bé tôi đã dễ dàng ôm hôn mấy con bò chứ không sợ như nhiều trẻ em ngày nay”, Trang kể.
Mười một tuổi, Trang được mẹ đón vào Đà Nẵng. Bảy năm sau cô thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chọn ngành học để trở thành kỹ sư môi trường. Từ năm hai, Trang lập ra câu lạc bộ môi trường để thỏa chí đam mê và cũng bắt đầu làm tình nguyện viên cho Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam. Ra trường, Trang về làm việc chính thức cho Trung tâm, tham gia các chuyến đi điều tra nạn săn bắt, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã ở các tỉnh dọc miền Trung. Những chuyến đi này đã giúp cô nhận thấy việc mua bán động vật hoang dã thực chất vẫn là “chuỗi tiêu thụ” ở những thành phố lớn, và chỉ có hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức người dân ở các thành phố mới có thể thay đổi được chuỗi thảm họa cho thiên nhiên này.
Tôi thấy hay nhất trong câu chuyện giải cứu Sơn Trà chính là bằng cách nào đó, chúng tôi đã chạm được đến mọi thành phần khác nhau trong xã hội ở Đà Nẵng, khiến ai cũng dám đứng ra thành một người anh hùng. Thành công của chiến dịch giải cứu làm nổi rõ hình ảnh cộng đồng chứ không phải một cá nhân nào.
NHÀ BẢO TỒN LÊ THỊ TRANG
Năm 2013, Trang chuyển đến GreenViet, phụ trách truyền thông gắn liền với sứ mệnh đưa voọc chà vá chân nâu trở thành loài biểu tượng của Đà Nẵng. Trang và các cộng sự GreenViet đã nghiên cứu lại toàn bộ số liệu loài voọc chà vá chân nâu. Từ kết quả đó, đưa thông tin đến những nhà bảo tồn để vận động chính sách, giúp chính quyền Đà Nẵng có những cân nhắc và tính toán hợp lý trong quy hoạch, đảm bảo không phá vỡ hệ sinh thái Sơn Trà.
Hàng loạt chương trình truyền thông và giáo dục được Trang cùng cộng sự GreenViet thực hiện nhằm giữ lại sinh cảnh tự nhiên cho quần thể voọc chà vá chân nâu đã tạo nên hiệu ứng rất mạnh, gây chú ý với cả quốc tế, như: chương trình “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà” giáo dục trực quan sinh động về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã dành cho học sinh tiểu học; chương trình “Tôi yêu Sơn Trà” giúp người dân tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của Sơn Trà và sự quý hiếm của tài nguyên đa dạng sinh học ở đây; chương trình truyền thông tại các tụ điểm du lịch (khách sạn, nhà hàng, quán cà phê…) bằng các thông điệp kêu gọi du khách nói không với thực phẩm từ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái bằng những hành động thiết thực… Đặc biệt là nỗ lực huy động đóng góp từ cộng đồng để xây dựng trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà đầu tiên của Đà Nẵng, góp phần lan tỏa các thông điệp về đa dạng sinh học đến hơn 5.000 lượt người dân, du khách mỗi năm…
Nhờ những hoạt động quyết liệt này mà số lượng đàn voọc chà vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng đã được bảo vệ, ý thức người dân và du khách được nâng cao trong phong trào bảo tồn loài linh trưởng này nói riêng, đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà nói chung. Từ sau năm 2017, khi câu chuyện giải cứu Sơn Trà được cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ, nhiều nhóm cộng đồng khác cũng đã chủ động thực hiện các hoạt động giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức cho du khách về tầm quan trọng của đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà.
“Tôi thấy hay nhất trong câu chuyện giải cứu Sơn Trà chính là bằng cách nào đó, chúng tôi đã chạm được đến mọi thành phần khác nhau trong xã hội ở Đà Nẵng, khiến ai cũng dám đứng ra thành một người anh hùng. Thành công của chiến dịch giải cứu làm nổi rõ hình ảnh cộng đồng chứ không phải một cá nhân nào. Mỗi người tham gia vào sứ mệnh này đều có lúc bước lên phía trước để tăng cường tiếng nói cho Sơn Trà, và cũng có lúc lùi về sau để hỗ trợ cộng đồng.
Hiện nay cũng chưa chắc chắn về việc Sơn Trà được giữ gìn hoàn toàn màu xanh nên chúng ta vẫn phải luôn trong tư thế giám sát và bảo vệ cho tài nguyên thiên nhiên trước sức ép của các hoạt động phát triển quá mức. Với hiệu ứng của câu chuyện giải cứu Sơn Trà, và sự phát triển của mạng lưới các tổ chức cộng đồng, các tổ chức xã hội, phi lợi nhuận, tôi tin rằng động lực sẽ lớn dần lên để truyền cảm hứng cho những cộng đồng khác cùng có trách nhiệm, tham gia sâu hơn vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại nơi mình đang sống”, Trang nhận định.
Những tia lửa hy vọng
Trang tự nhận là người “nghiện việc”, không để bản thân rảnh rỗi quá lâu. “Tôi luôn thực hành thái độ tích cực, theo đuổi các giá trị của nhóm tổ chức phát triển, như minh bạch, công bằng, phát triển con người, đề cao giá trị hạnh phúc, quan tâm đến nhóm yếu thế, không khoan nhượng với tiêu cực. Cũng may là những nỗ lực không ngừng nghỉ trong chia sẻ, đấu tranh, truyền cảm hứng cho các giá trị đó cũng góp phần tạo cho tôi một cộng đồng nhất định, đồng tình với những giá trị này. Đây chính là những tia lửa hy vọng vững vàng giúp tôi tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn”, Trang bày tỏ.
Hằng ngày của Trang dành phần lớn thời gian nghiên cứu các giải pháp nhằm thay đổi thái độ của cộng đồng đối với môi trường; các hình thức giáo dục thu hút trẻ em vào các bài học về thiên nhiên; chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ đam mê công việc bảo tồn; tìm các khóa học trong và ngoài nước… Lần gần đây nhất Trang đi học về hệ thống “Không rác thải” ở Philippines, để về thực hiện dự án không rác tại Hội An.
“Hội An là thành phố mà tôi ngưỡng mộ, bởi sự tiến bộ và cởi mở với các ý tưởng mới của lãnh đạo, đã giúp Hội An trở nên bền vững hơn, đặc biệt là về lĩnh vực môi trường. Sự kiện tháng 12.2021 Hội An trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với thịt chó, mèo càng khiến tôi có cảm tình với Hội An. Với những người làm truyền thông phát triển và nâng cao nhận thức cộng đồng ở Việt Nam như tôi, những thành phố hay mô hình tiên phong như Sơn Trà, Hội An… là cực kỳ quan trọng, vì giúp cho cộng đồng “nhìn thấy” được và “tin” được. Từ đó, cộng đồng mới tự tin lên tiếng và tham gia”, Trang nhìn nhận.
Không chỉ hoạt động mạnh tại Sơn Trà, Hội An, bước chân bảo tồn của Trang còn in dấu trên nhiều cung đường rừng núi ở Quảng Nam, Kon Tum…, nơi đang có những quần thể voọc chà vá chân xám quý hiếm cần bảo vệ khẩn cấp. Bằng trải nghiệm của 13 năm “nếm mật nằm gai” trong công tác bảo tồn, Trang cho rằng ba giải pháp quan trọng nhất để chấm dứt nạn săn bắt buôn bán động vật hoang dã chính là: tăng cường công tác quản lý, giám sát thực thi pháp luật tại các điểm tiêu thụ (thành phố, đô thị); nâng cao năng lực để huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động thực vật hoang dã; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên cho học sinh để chuẩn bị lực lượng bảo tồn thiên nhiên cho tương lai.
“Tôi vẫn đang tiếp tục ưu tiên thực hiện các dự án về giáo dục bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều năm qua, các bạn trẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu nói chung, quan tâm đến ô nhiễm không khí, xử lý rác thải nhựa, trồng cây xanh… Tuy nhiên, tôi cho rằng họ cũng cần quan tâm hơn nữa đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái bền vững. Sứ mệnh của tổ chức LVDI International tại Việt Nam mà tôi đang triển khai chính là nhằm đến mục tiêu đó”, Trang nói.
– Ảnh: Trần Lê Lâm