Nếu như có một lần bạn được ghé chân vào “vườn địa đàng” của chị, nơi cất giữ những loài hoa hoang dại của cao nguyên lộng gió, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. “Hạnh phúc ở đây và ngay giây phút này”, giây phút mà bạn có thể quên đi tất cả những lo toan thường nhật, để hòa vào thiên nhiên, hòa vào vũ trụ.
Tôi gọi khu du lịch của chị gần Suối Vàng là “vườn địa đàng”. Nằm cách xa mọi ồn ào phố thị, ẩn sâu giữa ba ngọn núi cao, hứng chịu biết bao nắng gió, khu vườn của chị như giữ bí ẩn của Đà Lạt. Chị muốn mang đến cho du khách một cách nghỉ dưỡng hoàn toàn khác.
Từ một tiểu thư khuê các trở thành người mẹ tần tảo, chị đã gầy dựng một gia đình trí thức – doanh nhân thành đạt, mà triết lý kinh doanh quan trọng nhất với họ là được thưởng thức cuộc sống ngay trong công việc của mình. “Hạnh phúc ở đây và ngay giây phút này”, câu châm ngôn được đặt trang trọng nơi phòng khách của ngôi nhà chị ở Đà Lạt đã trở thành hiện thực mỗi ngày…
____
Nổi tiếng là hoa khôi một thời của Đà Lạt, con đường trở thành doanh nhân của chị bắt đầu từ khi nào?
Tôi có gien buôn bán từ nhỏ nhờ phụ mẹ với gian hàng bán đủ các loại quần áo ngoài chợ Hòa Bình, đã từng là chủ tiệm vàng, chủ shop thời trang và thẩm mỹ chăm sóc da… Chuyện tôi bước vào nghề kinh doanh vàng cũng rất tình cờ. Lúc ấy cuộc sống gia đình quá vất vả, bạn bè thấy tôi đầu tắt mặt tối suốt ngày với mấy con heo mà thiếu hụt vẫn hoàn thiếu hụt, bèn rủ tôi ra bán tại cửa hàng, ai ngờ tôi bán rất đắt hàng. Thế là ra mở tiệm mà không biết một tí gì về vàng. Được sự hỗ trợ của bạn bè, tôi bắt đầu học nghề vàng và công việc buôn bán trở nên phát đạt. Nhưng khi trào lưu vàng trắng xuất hiện, chạy theo xu hướng đó tôi thấy lương tâm mình dằn vặt rất nhiều, bởi người mua hàng đâu có bán lại được, muốn sửa cũng không xong, coi như mất trắng… rồi đến hột xoàn cũng là cả một vấn đề. Càng đi sâu vô nghề tôi càng hiểu những mặt trái của nó, trong quan hệ với khách hàng, muốn giữ được lâu bền phải bảo đảm quyền lợi hai bên, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt của riêng mình thì không thể gọi đó là thành công. Nhiều khi mình cũng khuyên khách hàng rất nhiều, nhưng khuyên khi người ta đang thích cũng chẳng ích lợi gì. Dù rất yêu nghề nhưng lòng vô cùng áy náy nên tôi đã quyết định bỏ nghề. Đó cũng là một khúc quanh đáng nhớ trong cuộc đời tôi.
Càng ngày nhịp sống công nghiệp càng làm cho con người căng thẳng, bị ngộp vì bao dồn đuổi, người ta muốn bỏ lại tất cả để tìm về mái nhà của mình, một nơi chốn riêng tư giữa thiên nhiên mà mình ước mơ.
____
Điều gì đã giúp chị có đủ kiên nhẫn và sức lực để suốt 17 năm qua theo đuổi giấc mơ gầy dựng khu an dưỡng sinh thái đặc trưng cho thiên nhiên Đà Lạt?
Ý tưởng này xuất phát từ chồng tôi, nhưng từ khi bước vào thực hiện, tình yêu thiên nhiên, hoa cỏ đã khiến tôi ngày càng mê say. Tôi nghĩ càng ngày nhịp sống công nghiệp càng làm cho con người căng thẳng, bị ngộp vì bao dồn đuổi, người ta muốn bỏ lại tất cả để tìm về mái nhà của mình, một nơi chốn riêng tư giữa thiên nhiên mà mình ước mơ. Lẽ ra Đà Lạt phải chiếm ưu thế của mình, với thiên nhiên này, để tạo ra một nơi chốn thư giãn thực sự, thì Đà Lạt lại tổ chức du lịch một cách ồn ào, “công nghiệp hóa”. Đà Lạt chẳng cần làm gì khác ngoài việc kéo trở lại một thiên nhiên cũ, một thiên nhiên bảng lảng, lãng mạn, ngơi nghỉ… Tôi muốn tạo dựng một hệ thống nhà nghỉ dưỡng, spa riêng biệt cho mỗi gia đình, với những kiến trúc riêng như những biệt thự cổ xa xưa của Đà Lạt, cùng những nhu cầu khác biệt từ thưởng thức thiên nhiên, ẩm thực, đến chữa bệnh bằng nước thuốc theo phong cách Nhật Bản… trong một khu vườn như thế này. Những nhà hàng cà phê cũng mang phong cách thiền, êm ái và lãng mạn…
____
Bước vào một vùng đất hoang với công việc của nhà nông mà chưa thấy tiền đâu, ban đầu chị có ngao ngán không?
Không! Mình có cái tật tự biến điều mình đang làm trở nên hấp dẫn. Chưa bao giờ mình buồn chán với khu vườn này cả, lúc nào cũng cảm thấy say mê. Do trong lòng mình thôi, nếu mình thích thì cuộc sống lúc nào cũng vui. Thực sự tôi không bao giờ nghĩ mình có thể trở thành người nông dân, ban đầu cố gắng giữ vườn bởi đó là bao công sức của chồng con, sóng gió dữ lắm vì khi mình làm đẹp lên thì ai cũng muốn chiếm đoạt, phá phách. Đà Lạt mà không có hồ, không có rừng thông, không có đồi cỏ và hoa dại thì đâu ra Đà Lạt. Nhưng để biến một thung lũng nằm giữa năm ngọn núi toàn cỏ năng và lác trở thành khu vườn như thế này không biết bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống. Chúng tôi đã phải gánh từng gánh đất để đắp từng bờ đập, tất cả đều làm bằng tay với chiếc xe cút kít thôi, nhưng đã mơ ước tới ngày nào đó sẽ biến thành khu nghỉ dưỡng sinh thái trong tàn cây lá kim. Từ đó đến nay chúng tôi không chặt bất cứ một cây thông nào, mà chỉ trồng thêm để tạo không khí mát dịu. Đầu tiên là trồng 1.200 cây hồng, nuôi 50 con bò để lấy phân, cải tạo đất, cải tạo các dòng suối, làm thủy lợi để có điện… giống như trở lại thời xa xưa vậy đó. Mảnh đất này có lợi thế là được thiên nhiên bao bọc, nhưng cũng bất lợi là bao nhiêu nước đều đổ xuống rồi cũng chảy đi nơi khác, khó khăn nhất là làm chủ được nguồn nước. Trong diện tích hơn 6 hecta, có đến hơn 2 hecta dành cho chín hồ nước, tất cả đều tự tạo. Hồi xưa đường vô đây còn sình lầy lắm. Tôi nhớ có lần bao nhiêu công thợ đào hồ vừa trả xong, chỉ một cơn mưa là bị trôi mất sạch cả nhà, vỡ hết bờ đập, cá mình nuôi bằng bắp chân cũng trôi mất sạch. Thiên nhiên kỳ bí lắm, chưa biết đường nước đi như thế nào thì làm sao chặn được, mỗi lần mưa là phải đánh kẻng báo động để anh em sẵn sàng ứng chiến giống như đê sông Hồng mùa lũ vậy. Phải từ từ mới hiểu được thiên nhiên để nương tựa vào nó mà không tàn phá nó. Những dòng suối bình thường thì hiền hòa thơ mộng thế nhưng đến mùa lũ thì rùng rợn lắm, có đứng trong mưa bão mới thấy được thiên nhiên dữ dội thế nào. Đến giờ thì mỗi khi mưa lớn tôi vẫn yên tâm nằm ngủ hoặc nghe nhạc. Hệ thống nước sạch, xử lý nước thải cũng đâu vào đấy… Mỗi lần gian khổ quá, vợ chồng tôi lại tự động viên nhau: “Thôi thì cố gắng tạo một nơi nghỉ dưỡng, để trước tiên chính mình được nghỉ dưỡng, sau nữa là bạn bè anh em”. Khi bạn bè tôi rủ nhau về Sài Gòn làm ăn, thì mình lại trở ngược với rừng sâu. Bây giờ lên phố cũng thấy mình hơi lạc lõng…
____
Hình thức spa nghỉ dưỡng cao cấp vẫn còn là một bài toán về chi phí, chị có cách nào để giải bài toán đó cho du khách không?
Quan điểm biến cái “không” trở thành cái “có” theo tôi là cốt lõi trong du lịch sinh thái. Vợ chồng tôi ngày xưa đều đi dạy học, nên khi bước vào kinh doanh resort, spa cũng muốn tạo nên một nét văn hóa riêng. Sẽ thú vị biết bao nếu tự tay bạn trồng một nhành lan, và ngày nào đó bạn biết được rằng cây lan mình trồng đã nở hoa (cười). Cái đẹp không phải chỉ là được ngắm, mà là được nhìn thấy sự trưởng thành. Làm thế nào để du khách cảm thấy khu vườn này trở thành thân thương như của riêng mình, có như vậy mới giúp bạn thư giãn hoàn toàn. Chuyện chi phí cũng phải tính kỹ để có nhiều sự chọn lựa, chứ thư giãn mà còn cờn cợn chuyện tiền nong thì đâu có sướng? Cái tôi băn khoăn là làm thế nào để du khách đừng bị “bó” cái đầu, có cách để nếu không tiền bạn vẫn có thể trở về mái nhà của mình khi cảm thấy mệt mỏi. Nhờ bươn chải kinh doanh mà tôi có nhiều giải pháp cho một vấn đề, và tôi nghĩ bài toán này chắc chắn giải được, quan trọng là mình có nghĩ tới hay không? Mình là người mang đến sự tận hưởng, thì phải làm thế nào cho người khác được tận hưởng hoàn toàn, đến tận cùng chứ.
Trong gia đình tôi luôn tranh luận với nhau dữ dội về mọi vấn đề của cuộc sống, kinh doanh, nhiều người ngoài nghe cứ tưởng cãi nhau, nhưng tôi luôn thích mọi thứ đều phải đi đến cùng, nhất là những gì mình chưa biết, chưa nghĩ tới.
____
Là người luôn đi trước về ý tưởng kinh doanh, chuyện nhập giống hoa ngoại về Đà Lạt, đưa công nghệ mới vào sản xuất hoa đại trà của anh chị cũng đi trước cả Hasfarm?
Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, vốn liếng không có, chúng tôi đã nhập những giống hoa cẩm chướng đầu tiên về Đà Lạt. Có ngày chúng tôi thu hoạch được năm đến sáu triệu đồng từ hoa cẩm chướng, mỗi bông giá hai ngàn đồng, số tiền này lúc ấy là lớn lắm. Sau một thời gian khi Hasfarm sản xuất hoa nhiều, chúng tôi tiếp xúc với một nhà trồng hoa Đài Loan muốn thử nghiệm các giống hoa với một vườn tư nhân. Đó cũng là một cơ duyên, chính họ đã mở đường cho gia đình tôi để mang giống hoa mới về Đà Lạt…
____
Chị học được từ đâu những kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống quý giá?
Khi yêu thích một điều gì, mình cũng tự tìm tòi. Sách là người thầy gần gũi nhất, khách quan nhất, cộng với thực tế mình trải nghiệm. Ngày xưa kinh doanh nữ trang thì mê sách về đá quý, xem người tuổi nào hợp với loại đá nào. Còn bây giờ thì mê sách về hoa cỏ, các loại cây thuốc, tìm hiểu sâu về sự cân bằng môi trường giữa các loài cây cỏ. Vừa rồi được đọc Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, tôi vô cùng xúc động, cứ nghĩ có một ngày nào đó sẽ mời Ngọc Tư lên Đà Lạt, đến khu vườn này của mình. Tôi nghĩ cuộc sống nó là như vậy, đau khổ, cơ cực đến tận cùng, nhưng vẫn lạc quan, nhân bản. Câu kết trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư cứ làm tôi suy nghĩ mãi: “Trẻ thơ luôn luôn tha thứ lỗi lầm cho người lớn…”, oán thù nếu cứ ôm giữ trong mình chỉ là tạo cái ác, sự khổ. Lột tả được những đau khổ như vậy không phải dễ, phải có tâm Phật, một tấm lòng rất nhân từ. Cánh đồng bất tận cũng gây nên sự tranh luận dữ dội trong gia đình và bạn bè tôi, có người nói miền Tây không đến nỗi như vậy, có người lại rất đồng cảm, cho rằng rất hay, rất Nam bộ, rất thật. Đó là sự khủng hoảng về tình con người đối với nhau. Tôi nghĩ mỗi cuốn sách đến với mình đều là một cái duyên. “Quẳng gánh lo đi” là cuốn sách gối đầu giường và “Cuốn theo chiều gió” là tiểu thuyết mà tôi yêu thích nhất. Ngày qua Mỹ thăm con trai, tôi chỉ ước ao đến được Atlanta, để tận mắt nhìn thấy ngôi nhà 12 cây sồi ở Tara và tôi đã làm được. Bức ảnh Rhett Butler và Scarlett O’Hara treo trên tường kia cũng mua về từ chuyến đi ấy… Trong gia đình tôi luôn tranh luận với nhau dữ dội về mọi vấn đề của cuộc sống, kinh doanh, nhiều người ngoài nghe cứ tưởng cãi nhau, nhưng tôi luôn thích mọi thứ đều phải đi đến cùng, nhất là những gì mình chưa biết, chưa nghĩ tới.
____
Gia đình chị còn kinh doanh nhiều ngành khác như resort tại Phan Thiết, giày dép xuất khẩu tại Sài Gòn… Điều đó đã giúp anh chị thực hiện ước mơ của riêng mình?
Ở đây chỉ có một mình tôi “thủ trại”, chồng con tôi hiện phải kinh doanh nhiều ngành khác để nuôi khu vườn này. Cái tâm của cả gia đình đều đặt vào đây, dù mỗi người ở một nơi cách xa nhau. Bởi thiên nhiên nếu không đầu tư cải tạo liên tục, sẽ trở lại y như ban đầu. Ai đã làm vườn thì sẽ hiểu cực khổ đến thế nào. Tôi mong đây sẽ là nơi chốn để tôn vinh những loài hoa dại, hoa bờ hoa bụi. Nơi dành cho những người yêu hoa và chơi hoa.
____
Chị có buồn không khi dư luận báo chí và rất nhiều du khách thất vọng về festival hoa Đà Lạt?
Hy vọng hội hoa 2007 tới khách đến sẽ thưởng thức trọn vẹn hơn, cách làm chuyên nghiệp hơn. Hơn ai hết, người Đà Lạt mong muốn ở Đà Lạt rất nhiều, một Đà Lạt xưa “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, một Đà Lạt “nức nở cả con tim”, với những ngôi biệt thự hoa leo rực rỡ, những làng hoa cổ kính nên thơ… Muốn thế, phải có sự phát động, chuẩn bị của toàn dân Đà Lạt. Cần phải phổ biến rộng khắp trong người dân Đà Lạt cách thức xây dựng, mô hình một thành phố hoa, một ngôi nhà hoa, để từ đó mọi người cùng làm, cùng gìn giữ. Lễ hội là của toàn dân, chứ không thể do một nhóm người mà làm ra lễ hội được.
____
Nghe chị nói về ý nghĩa của từng loài hoa dại mà như chuyện cổ tích…
Ở xứ hoa mà, ngày xưa người Đà Lạt yêu nhau đâu cần phải nói, chỉ cần tặng hoa là hiểu người ta muốn nói gì, ai mà chẳng biết trò bói hoa… chỉ cần nhìn hoa là cảm thấy yêu đời hơn. Hoa cũng như người, tự nó phải có sức sống. Tôi thích những loài hoa dại tự sinh ra từ gió, từ nắng, tự sống và vươn lên chẳng cần ai chăm sóc…
Hoa cũng như người, tự nó phải có sức sống. Tôi thích những loài hoa dại tự sinh ra từ gió, từ nắng, tự sống và vươn lên chẳng cần ai chăm sóc…
____
Làm thế nào để chị vẫn giữ mãi một “Liễu mắt nai” như biệt danh mà bè bạn đã đặt cho từ ngày còn đi học? Chị đã truyền cho năm đứa con mình một tình yêu cuộc sống như thế nào?
Tôi sống rất hồn nhiên, lúc nào cũng thấy vui, yêu đời, một chân trời luôn rộng mở trước mắt mình. Khi đã làm mẹ, nhưng tôi vẫn đầy mơ mộng và ham học hỏi. Lẽ ra tôi đã sẵn sàng xuống Sài Gòn để theo học y khoa, nhưng không ngờ lá đơn tôi xin dạy mẫu giáo lại đến trước, và cuộc đời tôi lại chuyển hướng. Tiếp xúc với trẻ thơ, tôi thấy cái gì cũng quá đẹp, công việc này khiến tôi vừa được là người mẹ thứ hai của các cháu, vừa được dạy dỗ ba đứa con mình. Trong giai đoạn đầy biến động, khó khăn, cuộc sống gia đình tôi có thể sẽ không được bình an nếu như tôi không theo nghề nuôi dạy trẻ. Cả tôi và anh ấy đều chỉ muốn cho con cái mình được là những đứa trẻ bình thường, yêu đời, yêu cái đẹp. Chính tuổi ấu thơ ở Đà Lạt, con người Đà Lạt và thiên nhiên Đà Lạt đã giúp tôi và các con giữ được sự hài hòa.
Không phải là nhờ tôi, mà chính là nhờ chồng và các con tôi, để tôi giữ được sự bình yên. Anh ấy và các cháu luôn tránh cho tôi những xúc động, lo lắng. Mọi khó khăn các cháu đều chỉ nói với bố, và khi tới mình thì mọi cái đều đã qua, đã được gạn lọc, để luôn giữ cho tôi một khoảng cách rất êm đềm. Vai trò của người mẹ giống như kim chỉ đường, các con tôi đều thương mẹ lắm. Tôi nhớ mãi con trai đầu là Hướng Dương, một đứa trẻ dù còn rất nhỏ đã gắn với gia đình trong những giây phút gian khổ nhất. Mới bảy tuổi đầu, cai quản cả một đàn em nhỏ dại, chỉ có cháu là biết trong nhà còn gạo hay không, than bao giờ thì hết? Hôm con heo nái nhà tôi trở dạ, Dương giúp tôi đỡ đẻ cho heo. Một con heo con bị ngộp tím tái cả người, cháu lập tức lấy miệng hô hấp nhân tạo để heo tỉnh lại, cột rún cho heo mà chẳng ngại dơ bẩn gì cả, bởi cháu hiểu nếu heo chết sẽ mất một món tiền lớn đối với gia đình… Bây giờ Hướng Dương đã là một giám đốc thành đạt, cai quản nhiều công việc kinh doanh, nhưng nhiều khi vẫn đi chợ nấu cơm cho cả nhà. Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt, tôi muốn các con mình phải biết hết, nhưng hãy sống thật nỗ lực, biết trọng cái trí, cái đức, để biến nó thành sức mạnh của riêng mình.
____
“Hạnh phúc ở đây và ngay giây phút này”, có phải triết lý sống đó đã giúp cả gia đình chị lúc nào cũng vui như ngày hội?
Hãy sống hết mình với từng giây phút, bởi thời gian không bao giờ trở lại. Cuộc sống cần nhất là niềm vui và sự bình yên. Trong kinh doanh cũng vậy, muốn bền vững cần nhất là cái tâm, hãy làm hết mình, cái gì đến sẽ đến, đừng bao giờ tự cho là mình giỏi, hãy học hỏi không ngừng bởi không ai có thể am hiểu hết mọi điều…