Diễn biến giá cao su có nhiều thay đổi khiến các doanh nghiệp cao su tỏ ra thận trọng hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh.
Giá cao su xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2016
Giá cao su đang chịu áp lực giảm mạnh trên thị trường thế giới bởi tác động của nhiều yếu tố. Tính tới phiên ngày 25-6, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo giảm 1,1%, xuống 1,57 USD/kg, tương đương khoảng 34,5 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 7-10-2016.
Tại Việt Nam, theo Bộ Công thương, giá xuất khẩu cao su trung bình 15 ngày đầu tháng 6-2018 chỉ ở mức 1.435 USD/tấn, thấp hơn 1,3% so với mức giá xuất khẩu trung bình 15 ngày trước đó và thấp hơn 9,3% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-6-2018, giá xuất khẩu cao su trung bình của Việt Nam chỉ ở mức 1.460 USD/tấn, thấp hơn 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá giảm mạnh nên xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm tháng đầu năm mặc dù tăng 17,4% về lượng, ước đạt 424 nghìn tấn nhưng lại giảm gần 20% về giá trị.
Một trong các nguyên nhân đẩy giá cao su xuống thấp là sau thời gian hồi phục, giá dầu có xu hướng đi xuống, góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng cao su tổng hợp, qua đó tác động tiêu cực tới cao su thiên nhiên. Ngoài ra, những ngày đầu tháng 6-2018, giá cao su trên thị trường châu Á giảm do nguồn cung cao su ở mức cao khi tồn kho lớn; thị trường lo ngại Malaysia tăng cường xuất khẩu cao su trong bối cảnh đồng ringgit giảm giá và tâm lý lo ngại nhu cầu tiêu thụ lốp xe Nhật Bản giảm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo xem xét việc áp thuế đối với ôtô nhập khẩu.
Thuế nhập khẩu ôtô vào Mỹ tăng có thể sẽ ảnh hưởng mạnh tới các hãng sản xuất ôtô tại châu Á như Toyota, Nissan, Honda và Hyundai, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ lốp xe ôtô. Một nhân tố khác là những tuần gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang khiến giới đầu tư vô cùng lo ngại về khả năng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong thời điểm hiện tại với tỷ trọng khoảng 70%.
Doanh nghiệp cao su thận trọng
Diễn biến giá cao su có nhiều thay đổi khiến các doanh nghiệp cao su tỏ ra thận trọng hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh. Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) tại đại hội cổ đông mới đây đã đưa ra kế hoạch giá bán cao su của năm 2018 thấp hơn nhiều so với năm 2017. Cụ thể, giá bán cao su trung bình trong năm 2018 DPR đưa ra là 36,5 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ kế hoạch đạt 16.500 tấn.
Theo DPR, công ty điều chỉnh giảm giá bán trung bình dựa trên giá bán thực tế trong quý IV-2017 và dự báo xu hướng năm 2018. Trên thực tế, trong năm tháng đầu năm, giá bán bình quân mủ cao su của DPR chỉ là 35,9 triệu đồng/tấn (thấp hơn cả kế hoạch giá bán bình quân và giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó riêng tháng 5, giá bán giảm về 34,1 triệu đồng/tấn. Trong bối cảnh đó, lãi gộp về sản xuất kinh doanh của DPR năm tháng đầu năm chỉ đạt 148 tỉ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận từ mảng kinh doanh cao su giảm mạnh chỉ đạt 14,2 tỉ đồng, giảm gần 70%. Về kế hoạch cho cả năm 2018, DPR dự kiến đạt 781 tỉ đồng doanh thu và 245,7 tỉ đồng LNTT – đều sụt giảm mạnh so với năm 2017.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) đặt kế hoạch doanh thu năm nay ở mức 1.606 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 400,5 tỉ đồng; giảm lần lượt 2,8% và 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong quý I vừa qua, doanh thu của PHR giảm mạnh từ 412 tỉ đồng xuống 268 tỉ đồng, khiến lãi gộp giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, PHR đang trong giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu vườn cây nên có thể thu được những khoản lợi nhuận bất thường từ thanh lý vườn cây và tiền đền bù đất trồng cao su từ các khu công nghiệp. Do vậy, PHR hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận nêu trên (thậm chí vượt mức) nhờ các khoản thu nhập bất thường.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) cũng đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay sụt giảm nhiều so với thực hiện năm trước. Cụ thể, HRC phấn đấu đạt doanh thu 145,6 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 5,5 tỉ đồng, giảm lần lượt 14% và 35%. Hết quý I-2018, HRC chỉ đạt 1 tỉ đồng lợi nhuận ròng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước và mới hoàn thành 18% kế hoạch năm.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu cao su đã có phản ứng với diễn biến khó khăn chung của ngành, khi đồng loạt quay đầu giảm giá. Chỉ tính hơn 10 phiên từ ngày 14-6 đến ngày 26-6, giá cổ phiếu PHR giảm 12,1%, cổ phiếu TRC giảm 3,4%, cổ phiếu HRC giảm 9,5%, DPR giảm 4,1%…