Theo nhận định của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, các nền kinh tế đang phát triển không chỉ đang trải qua một đợt suy thoái mới trên thị trường tài chính, mà có thể là đợt sóng thứ ba trong cục diện khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguy cơ sụp đổ của thị trường tài chính đang yếu kém dần tại các nền kinh tế phát triển, cộng với giá hàng hóa, bao gồm dầu thô và kim loại quý, liên tục tụt dốc và khả năng lãi suất tiền gửi USD tăng trở lại, tất cả khiến cho nhà đầu tư lo ngại tài sản của họ tại các nước đang phát triển sẽ giảm giá trị. Điều này dẫn đến một đợt sóng khủng hoảng tài chính mới, chủ yếu diễn ra tại các nền kinh tế châu Á. Nếu như thị trường địa ốc sụp đổ đánh dấu cuộc khủng hoảng tại Mỹ năm 2008, tiếp đến là cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu năm 2010, rất có khả năng thị trường hàng hóa suy sụp sẽ bắt đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2016. Mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng lãi suất lần đầu tiên trong chín năm qua sẽ tạo ra một làn sóng rút tiền đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dù sau cuộc họp vào tháng 9-2015, FED gây bất ngờ khi tiếp tục duy trì lãi suất ở mức hiện tại, nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo đợt tăng lãi suất mới sẽ sớm xảy ra. Do đó, sự ổn định của thị trường tài chính – tiền tệ tại châu Á chỉ mang tính tạm thời, có khả năng đổ vỡ bất kỳ lúc nào.
Ngoài ra, một lý do khiến giới phân tích tại Goldman quan ngại nhất chính là tình hình lãi suất thấp tại châu Á trong thời gian qua, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã tạo điều kiện gia tăng tín dụng và các khoản nợ xấu, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế một khi khủng hoảng xuất hiện. Một khi nợ xấu “bùng nổ”, sẽ cần thời gian dài để các nền kinh tế khắc phục với các cuộc cải cách kinh tế và thay đổi lãi suất.
Deutsch Asset & Wealth Management thuộc Deutsch Bank cho biết suốt 10 năm qua, chính sách tài chính kinh tế tại các nước đang phát triển khu vực châu Á vẫn thiếu một sự cải tổ trong cấu trúc tài chính cần thiết, bất chấp việc họ đã được chứng kiến sự sụp đổ tại Mỹ và châu Âu. Chính sách tiền tệ mở rộng nhằm kích thích giới doanh nghiệp vay vốn đầu tư kinh doanh đã đẩy các nước này vào tình cảnh không chỉ đối mặt với nguy cơ nợ xấu mà còn có khả năng phá sản, trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Do đó, hơn bao giờ hết, thị trường tài chính các nước đang phát triển trở nên vô cùng mong manh.
Lâm Kiên theo CNBC (DNSGCT)