Nhu cầu về các sản phẩm hữu cơ (organic) và tự nhiên đang tăng mạnh tại thị trường châu Á. Tuy nhiên, nạn “greenwashing” (tạm gọi là “giả xanh”) đang hoành hành và đe dọa tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.
“Greenwashing” hay “green sheen”, là thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực, được đặt ra bởi những nhà hoạt động môi trường với hàm ý diễn tả những hành động đánh lạc hướng người tiêu dùng liên quan đến hoạt động về môi trường của một công ty hoặc liên quan đến những lợi ích về môi trường của một sản phẩm, dịch vụ.
Một hành động được xem là “greenwashing” khi một công ty hoặc tổ chức đầu tư thời gian cũng như tiền bạc để khẳng định sản phẩm của công ty mình là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thông qua quảng cáo và marketing thay vì thật sự đầu tư vào thực tiễn kinh doanh để giảm thiểu những tác động tiêu cực của sản phẩm đến môi trường sống.
Nhận thức về các vấn đề sức khỏe làm cho người tiêu dùng châu Á ngày càng lo lắng về những thứ mà họ ăn và bôi lên da. Theo một nghiên cứu toàn cầu của Nielsen thì có đến bảy trong mười người tiêu dùng ở Đông Nam Á xem sức khỏe là ưu tiên quan trọng và ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của họ.
Nghiên cứu cũng cho thấy 69% người tiêu dùng Đông Nam Á thích những sản phẩm có thành phần hữu cơ, tự nhiên. Nhu cầu và sự chọn lựa này không còn là một trào lưu mà đã là một lối sống. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm kiếm những sản phẩm được chứng thực là có nguồn gốc hữu cơ hay tự nhiên, tốt cho họ và môi trường.
Một thị trường hữu cơ đang tăng trưởng mạnh
Công ty tư vấn Grand View Research cho rằng châu Á – Thái Bình Dương sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất đối với mảng thực phẩm và nước giải khát organic, với tốc độ tăng trưởng kép là 28,5% từ năm 2014-2020 và Trung Quốc là thị trường dẫn đầu.
Thị trường mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ cũng tăng trưởng mạnh, ước tính đạt con số 1 tỉ USD trước năm 2020. Rõ ràng sự thay đổi nhận thức, thu nhập tăng lên và những lo lắng về sức khỏe đã là lực đẩy cho đà tăng trưởng nhanh của thị trường sản phẩm hữu cơ hay có nguồn gốc tự nhiên.
Sự lạm dụng “greenwashing”
Các nhà quan sát thị trường tin rằng thuật ngữ “natural” (tự nhiên) và “organic” (hữu cơ) đã không thể tránh khỏi “cơn lũ lạm dụng”, đặc biệt là ở châu Á, với một số nhà sản xuất hy vọng kiếm nhiều tiền từ nhu cầu đang tăng với các sản phẩm này.
Theo giáo sư May O. Lwin thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), lối marketing “giả”, đánh bóng xanh như thế đã làm người tiêu dùng lúng túng khi tìm kiếm những sản phẩm không có thành phần nhân tạo.
“Nói chung, danh xưng “tự nhiên” thì dễ nói hơn so với danh xưng “organic” vì sản phẩm organic yêu cầu sự kiểm soát rất gắt gao. Qua các cuộc khảo sát của chúng tôi, các nhà làm tiếp thị có xu hướng thử nghiệm gắn nhãn sản phẩm là “natural” (tự nhiên)”, bà May O. Lwin cho biết.
Sau hết, quyết định chọn lựa sản phẩm sẽ thuộc về người tiêu dùng. Điều này dĩ nhiên sẽ làm tăng thêm sự hoài nghi và lúng túng xung quanh các nhãn hàng có thông tin là nguồn gốc tự nhiên hoặc organic.
Người tiêu dùng “rối” với mỹ phẩm organic và có nguồn gốc tự nhiên
Amarjit Sahota, CEO và nhà sáng lập của Organic Monitor, một công ty chuyên về huấn luyện và tư vấn tập trung vào những ngành sản phẩm vì sự phát triển bền vững toàn cầu, đã đề cập trong một báo cáo về ngành mỹ phẩm châu Á rằng hầu hết người tiêu dùng châu Á không nhận thức được sự khác biệt giữa mỹ phẩm thuần tự nhiên hay organic và mỹ phẩm sản xuất theo cách truyền thống.
- Xem thêm: Đầu tư sản xuất thực phẩm hữu cơ
Không giống như tại châu Âu và Bắc Mỹ, châu Á chưa có một tổ chức đóng vai trò “tổng tư lệnh” đối với các tiêu chuẩn về mỹ phẩm organic và tự nhiên.
Hệ quả là có những thương hiệu hoạt động ở châu Á đã có tuyên bố sai sự thật, một số thậm chí sử dụng logo hay nhãn hàng tự thiết kế theo phong cách của mình để định vị sản phẩm là hoàn toàn hữu cơ hoặc tự nhiên. Đó là lý do tại sao một số công ty châu Á đã phải chủ động chấp nhận các tiêu chuẩn của châu Âu.
Công ty Hàn Quốc TheFaceShop là một ví dụ; nhãn hàng Whamisa của thương hiệu này ra đời năm 2010 có những sản phẩm mang chứng nhận của Ecocert – một trong những tổ chức chứng nhận hữu cơ lớn nhất thế giới và có uy tín nhất đối với các nhà sản xuất mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ.
Những quy chuẩn hướng dẫn được lên kế hoạch giới thiệu vào năm 2017
“Một tiêu chuẩn chung có lẽ sẽ xuất hiện trong vài năm tới nhưng trong thời gian này, việc hạn chế vấn nạn marketing giả tạo là tùy vào chính phủ các nước. Và chúng ta sẽ không thấy điều này xảy ra sớm ở châu Á”, Amarjit Sahota nói với vẻ bi quan.
Hiện chính phủ các nước như Nhật, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines đã giới thiệu những quy tắc và tiêu chuẩn cho ngành nông nghiệp hữu cơ cũng như thực phẩm và nước giải khát hữu cơ, việc chứng nhận sẽ do các cơ quan địa phương thực hiện dựa theo tiêu chuẩn quốc gia.
Những tiêu chuẩn trong lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát chưa thể xua tan những băn khoăn và hoài nghi của người tiêu dùng. Theo một tài liệu do tạp chí Journal of Food Products Marketing công bố, người tiêu dùng đang hoài nghi về thông tin nhãn thực phẩm vì cho đây là những công cụ marketing.
Và sự thật là dù nhu cầu sản phẩm hữu cơ và tự nhiên đang tăng cao thì người mua vẫn thấy khó khăn để có thể tìm được các thương hiệu đáng tin cậy do nạn “giả xanh” hay “mặc áo xanh”.
Kiến thức tiêu dùng là điều cần thiết và quan trọng
Các chuyên gia đồng ý rằng để chống lại nạn “giả tự nhiên” và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng thì việc giáo dục kiến thức tiêu dùng là điều quan trọng.
Với người tiêu dùng mong muốn có được các sản phẩm hữu cơ, thuần khiết tự nhiên thì sự hiểu biết của họ là rất cần thiết. Họ cần học cách đọc hiểu những thông tin trên bao bì và phân tích các thành phần một cách thận trọng để phân biệt giữa các thành phần nhân tạo và tự nhiên.
Tiến sĩ Alain Khaiat, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm, Nước hoa và Đồ dùng vệ sinh cá nhân của Singapore kêu gọi mở rộng vấn đề đến các đối tượng như nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà cung cấp trong ngành thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo để cùng nhau thảo luận về các tiêu chuẩn và định hình các sản phẩm hữu cơ hiệu quả.