Cựu tuyển thủ Anh David Beckham vào ngày 9/5 đã đến tòa trị an Bromley để nghe phán xử về tội dùng điện thoại khi điều khiển xe ô tô. Tờ Guardian (Anh) cho rằng việc Beckham lựa chọn bộ vest màu xám than và cà vạt cùng tông màu phần nào thể hiện sự tôn trọng luật pháp.
Cùng thời điểm tại Mỹ, diễn viên Felicity Huffman mặc áo khoác cardigan và váy xám, tạo hình ảnh về một “bà mẹ nhạy cảm” khi ra tòa. Felicity Huffman – nữ diễn viên được biết đến nhiều nhất qua bộ phim truyền hình “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” – là một trong nhóm người nổi tiếng dính líu đến bê bối chạy trường đại học gây xôn xao Mỹ trong thời gian gần đây.
Mặc dù chăm chút kỹ lưỡng cho hình thức khi ra tòa nhưng cả David Beckham và Felicity Huffman đều không nhận được phán quyết như mong muốn.
Beckham bị treo bằng lái xe trong nửa năm, còn nữ diễn viên Huffman đối mặt với khả năng ngồi tù hoặc bị quản thúc bằng còng điện tử.
Nhà nghiên cứu Susanna Cordner tại Học viện Thời trang London (Anh) nhận xét: Đôi khi trang phục được các bị cáo sử dụng để “bộc lộ cảm xúc khác”.
Nữ diễn viên Mỹ Winona Ryder trong năm 2002 khi ra tòa vì cáo buộc ăn trộm đồ của Marc Jacobs đã mặc ngay bộ trang phục của nhãn hiệu thời trang này.
Tuy nhiên, trang phục dường như không đem lại thay đổi gì đối với phán quyết của tòa án. Nhà sản xuất điện ảnh Hollywood Harvey Weinstein bị cáo buộc tấn công tình dục đã ra tòa trong chiếc áo len cổ chữ V và áo trắng – trang phục phổ biến của nam giới trung tuổi. Bà Cordner cho rằng nếu ông Harvey Weinstein lựa chọn trang phục này để nhận thương cảm thì dường như điều này hoàn toàn vô tác dụng.
Tòa án là địa điểm của công lý và phán xét. Những vụ xét xử gây quan tâm thường được báo chí và truyền hình đăng tải. Vì vậy việc các bị cáo lựa chọn trang phục đôi khi cũng tạo ra sự chú ý đặc biệt.