Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa, Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – Mười hai năm trước ông là một cán bộ về hưu với tỷ lệ mất sức 61%, đã thành lập Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa ở tuổi năm mươi ba.
Đây là một trung tâm cai nghiện ma túy tư nhân được xây dựng hầu như dựa trên niềm tin, vì trước đó chưa có mô hình mẫu về lĩnh vực này. Tài liệu về công tác cai nghiện ma túy vẫn còn rất hạn chế, chỉ có những hướng dẫn của Bộ Y tế về cai nghiện ma túy bằng cắt cơn – giải độc đơn thuần. Trong lúc đó, cắt cơn – giải độc chỉ là khởi đầu cho một quá trình cai nghiện lâu dài và liên tục, không phải là phương pháp điều trị thực sự đối với bệnh nhân nghiện ma túy.
Mấy năm đầu làm việc trong Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa, ông và đồng nghiệp liên tục gặp khó khăn vì chưa có kinh nghiệm chuyên môn. Quá trình tham khảo bạn bè, đồng nghiệp ở các bệnh viện khác không thu kết quả khả quan. Dù chỉ có khoảng ba mươi học viên nhưng bạo động xảy ra liên tục đến nỗi một số đồng nghiệp của ông tỏ ra chán nản. Ông chia sẻ: Mười hai năm qua là quãng thời gian vô cùng gian nan và vất vả của tôi cùng tất cả các bác sĩ, chuyên gia tư vấn tâm lý trong trung tâm. Vất vả không chỉ vì chưa có kiến thức nhiều trong lĩnh vực này mà so với trung tâm cai nghiện của Nhà nước, trung tâm cai nghiện tư nhân không được trang bị các công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui… nên việc kiểm soát hành vi gây rối của người nghiện rất khó khăn.
____
Nhưng ông vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của trung tâm, bất chấp khó khăn?
Vâng, vì tôi đã từng chứng kiến nhiều con người bị hủy hoại vì ma túy. Năm 1975-1976, tôi trực tiếp điều trị cho hàng ngàn phạm nhân tại tạm giam T20, sau đó là trại tạm giam Chí Hòa. Với tư cách thành viên Hội thẩm đoàn Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến 1999, tôi đã từng tham gia xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Thật đau xót khi thấy người buôn bán và sử dụng ma túy ngày càng nhiều. Họ tìm nhiều cách để có tiền mua ma túy như trộm cắp trong nhà, trộm cắp ngoài đường hoặc bán ma túy cho những người khác. Theo đó, nghiện ngập không chỉ làm gia tăng tệ nạn xã hội mà còn làm băng hoại giá trị đạo đức con người, phá hoại hạnh phúc gia đình và nhấn chìm một bộ phận thế hệ trẻ trong bệnh tật, chết chóc. Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm phát triển trung tâm nhỏ này để cố cứu những người nghiện muốn trở lại với cuộc sống.
Tôi dành hầu hết thời gian để tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến ma túy và cai nghiện, đặc biệt là các liệu pháp về tâm lý. Nhờ kiến thức từ trường đại học y khoa và nghiên cứu sau này nên tôi đọc, hiểu và nhớ tài liệu về cai nghiện ma túy rất nhanh. Sau đó, tôi tổng hợp lại thành một tập tài liệu bài bản rồi chia sẻ cho các đồng nghiệp khác. Hướng đi của tôi đã cho kết quả như mong đợi. Đến nay, trung tâm có hơn năm trăm học viên nhưng các bác sĩ hiếm khi phải giải quyết xung đột. Việc điều trị cho người nghiện ma túy cũng cho những kết quả khả quan.
____
Phải chăng những người nghiện hoàn toàn từ bỏ ma túy thì đồng nghĩa với việc họ đã cai nghiện thành công?
Cai nghiện thành công không chỉ nhằm giúp người nghiện không tái sử dụng ma túy mà còn đòi hỏi đối tượng tái lập được một lối sống lành mạnh, luôn có ý thức tự quản lý bản thân và thay đổi sâu sắc trong nhận thức theo hướng tích cực.
Vì nghiện ma túy gần như là một căn bệnh mãn tính, khó điều trị mà dễ tái nghiện, do đó việc cai nghiện đòi hỏi phải kiên nhẫn thực hiện liệu pháp tổng hợp một cách đồng bộ, xuyên suốt, khép kín, linh hoạt và kịp thời.
____
Kiên nhẫn ở người nghiện hay từ phía cán bộ cai nghiện, thưa ông?
Cả hai, nhưng chủ yếu là ở cán bộ cai nghiện. Người nghiện vốn đã có những thương tổn về não bộ và tâm lý nên khó có được sự kiên nhẫn như mong muốn. Cán bộ phải thật sự kiên nhẫn thực hiện các liệu pháp tâm lý nhằm giải tỏa những mâu thuẫn, khúc mắc trong nội tâm người nghiện.
Kiên nhẫn ở đây không hoàn toàn là thái độ nhẹ nhàng mà cần có lúc cương, lúc nhu thích hợp. Người cai nghiện vẫn phải thực hiện một số kỷ luật giống trong doanh trại quân đội như thức dậy, tập thể dục đúng giờ, dọn dẹp nơi sinh hoạt sạch sẽ, học tập và lao động đúng quy định… Tất cả những điều này chủ yếu giúp người nghiện tái lập những thói quen lành mạnh đồng thời tạo sự kính nể nhất định với cán bộ, bác sĩ.
____
Hai năm nay, công tác tuyên truyền phòng chống ma túy không mạnh mẽ như các năm trước. Phải chăng tỷ lệ người nghiện ma túy đang có chiều hướng giảm?
Không đúng. Theo Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ Lao động và Thương binh Xã hội), đến cuối tháng 6-2011, cả nước có 149.900 người nghiện ma túy (tăng khoảng 2,7 lần với mức tăng xấp xỉ 6.000 người nghiện/năm vào cuối năm 1994). Đặc biệt, cuối năm 2010, người dưới ba mươi tuổi nghiện ma túy chiếm gần 70% (so với khoảng 42% năm 1995). Tỷ lệ nữ giới nghiện ma túy cũng đang có xu hướng tăng trong những năm qua.
Tại trung tâm này, tôi từng cảm thấy vô cùng xót xa khi bắt gặp khuôn mặt, ánh mắt non nớt của những đứa trẻ nghiện ma túy ở tuổi mười một, mười hai. Sau khi được chữa trị về tâm lý, các em đã khóc, nhận ra mình đã làm khổ cha mẹ trong nhiều năm. Tuy nhiên, các em vẫn may mắn vì được cai nghiện sớm. Còn nhiều hy vọng đang chờ các em ở tương lai phía trước. Đau lòng hơn khi người nghiện là những người trưởng thành, đủ chín chắn để suy nghĩ về cuộc sống vì họ đã làm cha mẹ của những đứa trẻ. Bản thân họ hoàn toàn không thể là một tấm gương để con cái học theo.
____
Vậy ông có cho rằng những người này thật đáng trách vì họ là gánh nặng của gia đình và xã hội?
Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cảm thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Với tôi, một đứa trẻ sinh ra như tờ giấy trắng. Người vẽ lên tờ giấy đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu cha mẹ, nhà trường và xã hội vẽ những nét màu tươi tắn thì trang giấy không thể nhuốm màu đen.
Như vậy, tính cách và con đường đi của mỗi người là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó gia đình là quan trọng nhất. Nếu cha mẹ nuôi dạy con tốt, nhà trường giáo dục tốt thì rất hiếm khi con cái rơi vào con đường nghiện ngập. Không ai muốn mình lún vào bùn sâu, chỉ khi có những yếu tố như gia đình không hạnh phúc, bị ngược đãi, bạo hành, bỏ rơi, quá nuông chiều, dư giả tiền bạc, thất vọng… mới xô đẩy họ đến với ma túy.
Bản thân người nghiện phải chịu đau đớn về thể xác và tinh thần nhiều nhất, họ sống trong đau khổ, dằn vặt và tiếp tục tìm đến ma túy chỉ để thoát ra tình trạng đau đớn và dằn vặt đó.
Một đứa trẻ sinh ra như tờ giấy trắng. Người vẽ lên tờ giấy đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu cha mẹ, nhà trường và xã hội vẽ những nét màu tươi tắn thì trang giấy không thể nhuốm màu đen.
____
Theo ý ông thì trách nhiệm thuộc về gia đình và xã hội? Tôi lại cho rằng trách nhiệm cá nhân cũng quan trọng không kém, vì cùng một hoàn cảnh nhưng nhiều người vẫn biết vươn lên, tìm hướng đi đúng cho mình.
Tôi đồng ý, một phần trách nhiệm thuộc về cá nhân, nhưng trách nhiệm của gia đình vẫn là quan trọng nhất. Vì ý chí, nghị lực của con cái được cha mẹ quan tâm, rèn luyện từ nhỏ đến lớn chứ không thể hình thành trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, cha mẹ luôn là tấm gương gần gũi nhất để con cái noi theo.
Một khi cha mẹ đã không thể hướng con cái đi đúng đường, để con nghiện ma túy thì cha mẹ hãy là “cây gậy” hướng con thoát ra khỏi ma túy.
____
Xin ông giải thích rõ hơn?
Khi phát hiện ra con em mình nghiện ma túy, cha mẹ phải đưa con đến ngay trung tâm cai nghiện uy tín để được điều trị. Khi con bạn muốn tự cai nghiện và hứa sẽ không sử dụng ma túy nữa, cha mẹ đừng vội tin. Bởi vì người nghiện ma túy thường xuyên và liên tục ở trong tình trạng đói ma túy. Nếu không sử dụng ma túy sau tám đến mười hai tiếng, người nghiện sẽ phát sinh đau đớn, thể xác và tinh thần bị hành hạ đến không thể chịu đựng nổi, buộc phải tìm đến ma túy bằng mọi giá. Lời hứa lúc này không còn quan trọng bằng việc chấm dứt trạng thái đau đớn của hàng ngàn mũi kim châm vào da thịt.
Trong trường hợp đã đưa con vào trung tâm cai nghiện, cha mẹ phải quyết tâm cho con điều trị theo đúng quy trình của bác sĩ, tuyệt đối không tạo điều kiện cho con tiếp xúc với ma túy. Tôi đã thấy một người mẹ van xin đứa con trai duy nhất vào trại cai nghiện, nhưng một tuần sau chính bà mẹ này là người cung cấp ma túy cho con vì cậu ta nói: “Nếu mẹ không mang ma túy vào cho con sử dụng, con sẽ đập đầu vào tường để chết”. Chúng tôi đã theo dõi và phát hiện kịp thời nhưng việc xử lý lại rất khó khăn. Mặc dù hiểu rõ nỗi đau khổ và tình thương của người mẹ, nhưng chúng tôi vẫn phải xử lý đúng quy định.
Người sau cai nghiện có thể tái nghiện bất cứ lúc nào. Do đó, cha mẹ luôn phải theo dõi chặt chẽ sinh hoạt của con để phát hiện những điều bất thường. Khi con tái nghiện phải đưa trở lại trung tâm cai nghiện để được chữa trị kịp thời.
____
Phát hiện tái nghiện có phải là những lần sử dụng ma túy trở lại đầu tiên sau cai nghiện không, thưa ông?
Giai đoạn đầu sử dụng ma túy sau cai nghiện chỉ là sa ngã, chưa phải là tái nghiện. Bệnh nhân sau khi rời khỏi trung tâm rất dễ sa ngã, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: gặp bạn nghiện cũ, trong tình huống cũ, gặp xung đột lớn về tâm lý, căng thẳng, đau đớn, thất bại… Một hoặc nhiều nguyên nhân đó gợi cho bệnh nhân nhớ về những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác ngây ngất do ma túy tạo ra khiến cảm giác thèm ma túy quay về. Chỉ khi bệnh nhân đầu hàng, hành vi tái nghiện mới xảy ra.
____
Thuốc Naltrexone được sử dụng rộng rãi trong các trung tâm cai nghiện có phải là phương pháp chống tái nghiện ma túy hiệu quả không thưa ông?
Tôi xin giải thích một chút về thuốc Naltrexone. Đây là thuốc giúp giảm dần cảm giác thèm nhớ và tìm kiếm ma túy. Người sử dụng ma túy uống Naltrexone sẽ không còn có cảm giác “phê ma túy” nữa, thậm chí có thể bị ngộ độc nếu sử dụng ma túy.
Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa đã triển khai chống tái nghiện bằng Naltrexone từ năm 2008, kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, thuốc dạng viên nén, cần khoảng ba mươi phút mới tan nên nhiều người nghiện đã móc họng để lấy ra khi thuốc chưa kịp tan. Chúng tôi đã “cải tiến” viên thuốc nén thành dạng viên nang, có thể tan chỉ sau ba phút. Bệnh nhân rất khó bỏ thuốc.
Sau nhiều nghiên cứu, tôi hiểu rằng thuốc chỉ là liệu pháp hỗ trợ, không phải là phương pháp điều trị chính. Chương trình cai nghiện ma túy theo hướng dẫn của Bộ Y tế là phải điều trị, giáo dục, gọt dũa, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách, giải quyết vấn đề bức xúc, mâu thuẫn nội tâm của người nghiện. Vì người nghiện bị xuống cấp rối loạn nhận thức – hành vi – nhân cách nên phải tư vấn bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp giáo dục. Đồng thời, người nghiện có những phức tạp, mâu thuẫn nội tâm nên cần tư vấn bằng liệu pháp tâm lý, liệu pháp xã hội.
Chẳng hạn, khi người nghiện bi quan, cán bộ tâm lý phải hiểu họ đang cảm thấy thất vọng về tương lai hơn thời gian trước, hay họ không mong chờ những gì tốt đẹp sẽ đến, hoặc họ cảm thấy tuyệt vọng đến không muốn sống… Nguyên nhân bi quan là do thất tình hay thất bại trong sự nghiệp hoặc gia đình không hạnh phúc… Từ những hiểu biết này, cán bộ mới giúp người nghiện nhận thức đúng về bản thân, sửa chữa lỗi lầm, xóa bỏ sự cô độc, mặc cảm, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, vui vẻ, cởi mở hòa đồng với mọi người, định hướng được cuộc sống và hành động trong tương lai.
Tôi nhận thấy nhiều trung tâm chưa áp dụng chương trình điều trị trên. Họ vẫn chú trọng điều trị bằng thuốc và đào tạo nghề cho người nghiện. Tôi cho đó là sự lãng phí về các cán bộ tâm lý trong trung tâm cai nghiện.
Không ai muốn mình lún vào bùn sâu, chỉ khi có những yếu tố như gia đình không hạnh phúc, bị ngược đãi, bạo hành, bỏ rơi, quá nuông chiều, dư giả tiền bạc, thất vọng… mới xô đẩy họ đến với ma túy.
____
Nhưng đào tạo nghề cũng là cách để người nghiện có việc làm, giúp họ quên đi ma túy và dễ hòa nhập với cộng đồng?
Chỉ đúng một phần. Vì điều quan trọng là hãy giúp họ cai nghiện xong rồi hãy nghĩ đến đào tạo nghề. Nghĩa là hãy giúp họ giải quyết hết những khúc mắc, những mảng tối trong tâm hồn, trong tâm trí của họ, giúp họ yêu đời và ước mong sống có ích trở lại, tự họ sẽ từ bỏ ma túy và muốn học bao nhiêu nghề cũng không muộn. Một khi chưa giải quyết triệt để những vấn đề này, việc tái nghiện là điều có thể dự đoán trước.
____
Theo tôi được biết thì tỷ lệ tái nghiện hiện nay lên đến 95%. Vậy hoạt động của các trung tâm cai nghiện có đạt hiệu quả thật sự?
Như tôi đã nói, người nghiện ma túy thường ở trong tình trạng đói ma túy thường xuyên, ngay cả sau cai nghiện. Khả năng tái nghiện rất cao nếu sau cai nghiện, họ không tiếp tục dùng thuốc và được sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, chỉ khi các trung tâm cai nghiện đều làm việc có trách nhiệm và đúng phương pháp thì tình trạng tái nghiện mới giảm đáng kể.
Tôi cho rằng con số 95% tái nghiện không hoàn toàn chính xác, cần đánh giá tỷ lệ tái nghiện theo từng giai đoạn sau cai nghiện như sáu tháng, một năm, hai năm, ba năm… Tái nghiện không có nghĩa thời gian cai nghiện là vô ích mà do điều trị chưa đủ. Nếu phát hiện kịp thời tái nghiện để được điều trị kịp thời thì việc điều trị sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn.
____
Như trên ông nói, người nghiện ma túy rất đáng thương. Vậy những người xa lánh người nghiện có phải là người đáng trách?
Không hoàn toàn như vậy vì mọi người có lý do chính đáng để không thể gần gũi người nghiện. Ma túy làm não bộ của con người bị tổn thương nghiêm trọng, nhận thức, hành vi nhân cách cũng bị rối loạn. Họ thường xuyên bị lú lẫn, giảm khả năng xét đoán, xử lý thông tin, mất ý chí, mất khả năng tự chủ, mất khả năng tư duy làm việc, suy sụp tinh thần, sức khỏe. Mâu thuẫn nội tâm sâu sắc và khả năng kiểm soát hành vi kém khiến người nghiện có thể có những hành vi gây nguy hiểm cho người xung quanh. Mọi người buộc phải tự bảo vệ mình trước người nghiện bằng một khoảng cách nhất định.
____
Sau cai nghiện, những thương tổn này có được cải thiện đáng kể?
Sẽ cải thiện nhiều trong trường hợp người nghiện tìm được những cán bộ cai nghiện ma túy có tâm. Vì cán bộ cai nghiện không chỉ hướng dẫn người nghiện tập thể dục, tham gia hoạt động lao động chân tay mà phải giúp người nghiện xóa dần những ức chế trong tâm lý, tinh thần. Người cán bộ không chỉ làm cho đủ giờ mỗi ngày mà quan tâm, chia sẻ với người nghiện như bác sĩ với bệnh nhân. Cán bộ tuyệt đối không tìm cách kiếm lợi trên nỗi đau của người nghiện.
Nếu kết hợp tốt điều trị bằng thuốc và các liệu pháp về tâm lý thì các thương tổn này sẽ được cải thiện phần lớn nhưng không phải hoàn toàn. Thương tổn do ma túy để lại vô cùng nghiêm trọng, cần điều trị chuyên tâm trong thời gian dài. Đặc biệt, sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần của gia đình, bạn bè là rất cần thiết đối với người quyết tâm cai nghiện.
____
Sau cai nghiện, người nghiện vẫn chưa hoàn toàn phục hồi những thương tổn trí não lẫn tâm lý, chúng ta có nên giữ một khoảng cách nhất định với họ?
Tuy chưa hoàn toàn phục hồi nhưng họ đã phần nào làm chủ được suy nghĩ, hành vi của mình. Chúng ta nên tỏ thái độ tôn trọng và cởi mở với họ hơn. Tránh thái độ kỳ thị, xa lánh có thể khắc sâu thêm sự mặc cảm, cô độc, dễ dẫn họ đến con đường tái nghiện.
____
Một câu hỏi cuối cùng, thưa ông. Với một hướng đi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy thì thành quả là ông đã cứu được bao nhiêu con người thoát khỏi nghiện ngập?
Thời gian qua, chúng tôi đã giúp hơn 9.000 lượt học viên cai nghiện ma túy. Với tôi, không có gì vui mừng bằng việc chứng kiến những người mẹ đã khóc òa trong nỗi vui mừng con mình thoát khỏi ma túy.
Nhiều học viên sau cai nghiện ngỏ ý trở lại giúp đỡ những người nghiện khác nhưng tôi không đồng ý. Tôi luôn nói vui với họ rằng hãy tránh xa nơi có ma túy, người nghiện để quên đi quá khứ. Thật ra, đa số người nghiện ma túy có trình độ học vấn hạn chế, chưa đủ khả năng tư vấn cho các học viên khác. Hơn nữa, tâm trí người nghiện rất dễ hồi tưởng về ma túy nên nếu để họ tiếp xúc thường xuyên với người nghiện, khả năng tái nghiện rất cao.
____
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.