Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 18-11 khẳng định: Theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người lao động có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao, độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Vấn đề lao động theo Hiệp định TPP được Thủ tướng trả lời trong nội dung trả lời chất vấn tại Quốc hội vì có một số câu hỏi của đại biểu liên quan đến nội dung này.
Theo ông, TPP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên có quy định về nội dung lao động nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động được nêu trong tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam là thành viên của ILO nhiều năm nay, đã phê chuẩn năm trong số tám công ước cơ bản của ILO và đang chuẩn bị phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại.
Trong TPP, theo Thủ tướng, các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, vùng, theo đúng trình tự đăng ký pháp luật và công khai, minh bạch. Mặt khác, tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của tổ chức người lao động ở cấp cao cũng phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của Việt Nam và không trái với các quy định của ILO.
Theo toàn văn Hiệp định TPP được công bố ngày 5-11 vừa qua, TPP không buộc các nước phải nâng cao tiêu chuẩn về lao động so với hiện hành. TPP chỉ yêu cầu tuân thủ các quy định về lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Đặc biệt, TPP cho phép quyền tự do thành lập công đoàn riêng, độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thay vì phải gia nhập tổ chức này.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam ngày 20-11 đã hoan nghênh và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đối với việc tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Việt Nam và các đối tác gần đây đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Liên minh Châu Âu (EU) – Việt Nam.
Các thỏa thuận này tham chiếu đến Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động (1998), ràng buộc các nước thành viên ILO với việc tôn trọng và tuân thủ tám công ước cơ bản của ILO trong các lĩnh vực chủ yếu về tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Theo ILO, kinh nghiệm quốc tế cho thấy điều đó đóng góp cho sự tăng trưởng công bằng hơn và quan hệ lao động hài hòa vì nó giúp tạo ra sự cân bằng quyền lực hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động và cho người lao động có tiếng nói trong việc xác lập tiền lương và các điều kiện làm việc thông qua đối thoại.
Gia Minh (DNSGCT)