Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 kết thúc với kết quả khó thể tốt hơn cho VN-Index khi chỉ số này chính thức vượt qua vùng kháng cự mạnh 600-605, đạt mức điểm cao nhất trong gần nửa năm qua. Thanh khoản của thị trường ở mức khá cao và lực cầu của khối ngoại là điểm nhấn đáng chú ý của lần tăng điểm này. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng (kể từ nửa cuối tháng 4) và chỉ trong ba phiên giao dịch đầu tháng 5, họ đã mua ròng gần 300 tỉ đồng trên HSX, tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip và các trụ cột. Dù không tạo ảnh hưởng quá lớn đến chỉ số, nhưng động thái của khối ngoại cũng hỗ trợ đáng kể cho xu hướng tăng điểm của VN-Index.
Nếu như trong nửa cuối tháng 4, các cổ phiếu thuộc dòng dầu khí tăng mạnh do giá dầu thế giới hồi phục về vùng giá 43-44 USD/thùng và làm “đầu kéo” cho các chỉ số của thị trường chứng khoán nước ta thì sang tháng 5, các cổ phiếu thuộc dòng ngân hàng lại tạo “sóng”. Có thể nói, sức nóng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là động lực giúp VN-Index bứt phá thành công qua mốc 600 điểm, điều mà những phiên giao dịch cuối tháng 4 chưa làm được. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy xu hướng lên của VN-Index khá chênh vênh, bằng chứng là số mã giảm giá đang áp đảo số mã tăng giá và thanh khoản có dấu hiệu giảm dần cho thấy nhiều nhà đầu tư cá nhân đang nghi ngờ xu hướng tăng điểm của thị trường nên chỉ theo dõi chứ không đồng hành mua vào cùng khối ngoại. Có lẽ vì điều này mà một số cổ phiếu trụ cột như VNM, MSN, VIC… không còn duy trì được đà tăng. Ngoài ra, HNX-Index cũng không tăng cùng VN-Index trong giai đoạn vừa qua.
Những thông tin hỗ trợ từ trong nước cũng không quá đặc biệt, ngoại trừ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 khả quan và các ngân hàng lớn cam kết giảm lãi suất cho vay, đã được phản ánh vào giá cổ phiếu tương ứng. Dĩ nhiên, các kết quả báo cáo kinh doanh quý I của các công ty niêm yết cũng dẫn đến sự tăng giá cổ phiếu tương ứng của các doanh nghiệp có kết quả tốt. Tuy thế, hoạt động này thời gian tới sẽ khó lòng gây “sóng gió” cho chỉ số, bởi các doanh nghiệp đình đám đều đã công bố. Chính vì vậy, thị trường sẽ xuất hiện một khoảng trống thông tin và những nhà đầu tư thận trọng đang quan sát chứ chưa lao vào cuộc đua để trông chờ vào một đợt tăng điểm mới. Không những thế, nhóm cổ phiếu ngân hàng – trụ đỡ lớn của thị trường trong việc tăng điểm – nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trước áp lực chốt lời, bởi giá của những cổ phiếu nhóm này đã ở mức cao. Kể cả Vietcombank (VCB), ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và có tốc độ tăng lợi nhuận tốt thì giá cổ phiếu cũng được đánh giá là không còn hấp dẫn nữa.
Ngay các nhà bình luận cũng tỏ ra dè dặt trước khả năng tăng điểm trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán nước ta. Trong một phân tích mới nhất, HSBC dù đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế thị trường sơ khai được quản lý tốt trên thế giới và vẫn còn lạc quan về triển vọng dài hạn, cũng cho rằng giá cổ phiếu hiện đang tương đối đắt hơn so với các quốc gia thị trường sơ khai khác và thiếu các chất xúc tác trong ngắn hạn.
Tất nhiên, mọi dự báo chỉ mang tính tham khảo, bởi sự vận động của thị trường chứng khoán đôi khi không tuân theo các phân tích thông thường, mà được quyết định bởi tâm lý của nhà đầu tư. Dù vậy, những nhà đầu tư thận trọng có thể ngược dòng xu thế, không mở vị thế mua mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay, trừ khi đó là những cổ phiếu của các doanh nghiệp giá trị, không bị ảnh hưởng bởi nhịp lên xuống của thị trường.
Ngọc Khang (DNSGCT)