Cải tạo lại công trình mà mình từng ưng ý là một công việc nhiều thách thức và không phải là một trải nghiệm sáng tạo lôi cuốn, hấp dẫn sục sôi, nếu không muốn nói là… khá nhàm chán. Có lẽ không ít nhà thiết kế sẽ đồng ý quan điểm này của KTS Trần Lê Quốc Bình. Dù vậy, kết quả cuối cùng của những can thiệp kiến trúc như thế này sẽ đem đến cho người thụ hưởng những luồng sinh khí tươi mới trong hình thức kiến trúc tiệm cận trào lưu đương đại.
Sau 16 năm, ngôi nhà phố được yêu cầu cải tạo lại cho phù hợp với lối sống mới của những người chủ cũ. Những đứa trẻ nay đã trưởng thành cần không gian riêng thể hiện cá tính. Trong khi các bậc phụ huynh mong muốn tổ ấm của mình có thể kích thích các thành viên gia đình năng tương tác hơn. Ý tưởng thiết kế cải tạo ngôi nhà thể hiện rõ rệt niềm yêu thích của các kiến trúc sư trong việc cân bằng tính riêng tư của mỗi cá nhân với không gian được “mở hết cỡ”.
Phối hòa kỹ lưỡng về ánh sáng và công năng với vẻ ngoài đơn giản, ngôi nhà mới bỏ qua những “kể lể” về giải pháp sửa chữa, cải tạo. Nó tiết lộ nhịp sinh hoạt gia đình, kết nối mỗi thành viên với hệ sinh thái tự nhiên xung quanh, chia sẻ cảm nhận của họ với những biến đổi của thời tiết.
Dựa trên ý tưởng tận dụng triệt để vẻ đẹp của ánh sáng tự nhiên, công trình “sửa” lại toàn bộ những điểm chưa hài lòng của kiến trúc gần hai thập kỷ trước.
Hầu như những điểm nổi bật của thiết kế 16 năm trước đều được dỡ bỏ. Nếu như ngôi nhà cũ tôn vinh vẻ đẹp thị giác với những bố cục gây ấn tượng mạnh về hình khối thì không gian mới chú trọng đưa cảm nhận trong trẻo vào từng góc nhà.
Sự chia cắt rõ nét của bố cục không gian cũ với nhiều góc nhấn, nhiều lối đi riêng biệt mang đậm hiệu ứng kiến trúc, nhưng hạn chế tầm nhìn và tương tác, đã được mạnh tay phá vỡ. Bớt tam cấp và trải rộng không gian hơn.
Cầu thang mở hết các vách kính cũ để đón gió, dẫn dắt ánh sáng và mảng xanh vào nhà nhiều hơn. Đây là điểm nhấn hoàn hảo của lần cải tạo này. Chiếc trục xương sống của ngôi nhà mở ra những tầm nhìn rộng lớn, kết nối giao tiếp không chỉ từ bên trong ra không gian chung, mà còn từ bên ngoài vào các không gian khác. Nó mang đến cho mỗi thành viên gia đình sự cân bằng chung – riêng không bị xáo trộn bởi hoàn cảnh xung quanh.
Bên trong hình thức hiện đại là cảm quan ấm áp, thân thiện. Chiếc cầu thang đóng vai trò như lá phổi di chuyển không khí đi lên các tầng, lọc “bức xạ” gây bức bối, khó chịu, là bức mành chuyển đổi độ mượt trong của ánh sáng đi vào từng góc nhà; mời gọi mọi người bước ra khỏi ốc đảo riêng, giao tiếp cùng nhau, hoặc chỉ đơn giản là tương tác với những đổi thay trong ngày của tự nhiên. Nắng sớm trong vắt xuyên qua tán cây. Nắng trưa tiếp xúc sâu. Ánh sáng chiều có ngày xám, ngày rực rỡ như cầu vồng. Cảm nhận làn gió lướt khi trời chuyển nhiệt, mùi không khí ẩm khi sắp mưa… Đó là sự sống. Và cũng là một quan điểm… sống xa xỉ trong lòng đô thị.
“Có một cây khế trồng trong sân kỷ niệm thời điểm ngôi nhà bắt đầu xây dựng. Cây khế lớn lên. Chúng ta cũng trưởng thành. Mọi thứ đang vận động. Và ngôi nhà cũng vậy. Đó là tinh thần mà tôi nghĩ đến cho ý tưởng cải tạo tổng thể”.
KTS Trần Lê Quốc Bình chia sẻ.
Điều này giải thích vì sao điểm độc đáo của thiết kế không phải là hiệu ứng kiến trúc, mà là hiệu ứng cảm quan. Sự tươi mát, trong trẻo len lỏi trong không gian, mà chỉ những người sinh hoạt trong nó mới cảm nhận rõ nét ý nghĩa của những đổi thay.
Sửa công trình của chính mình là một công việc thách thức năng lực vượt qua sự nhàm chán. Bởi việc tự tạo hứng thú cho bản thân cũng áp lực như khả năng sáng tạo đem đến giá trị tươi mới, độc đáo, có công năng cho không gian cũ.
Dự án: “Màu” khế xanh
222/1C Nguyễn Thái Bình, Q. Tân Bình, TP.HCM
Thiết kế và Thi công: Qbi.Corp
KTS Trần Lê Quốc Bình, Đặng Thanh Tiến, Trần Ngọc Diệu
Năm hoàn thành: 2006
Năm cải tạo: 2022
Hình ảnh: Đổ Sỹ
- Xem thêm hình ảnh: Ngôi nhà ‘trưởng thành’ cùng người ở