Đền Parthenon of Books ở Kassel (Đức) theo đúng khuôn mẫu của đền Parthenon Hy Lạp 500 năm trước công nguyên, đang trưng bày 100.000 ấn bản của những cuốn sách bị kiểm duyệt trên khắp thế giới.
Kassel là một thành phố nhỏ, cách Berlin hơn bốn tiếng đồng hồ, được biết tới với cuộc triển lãm tổ chức năm năm một lần về nghệ thuật hiện đại. Đặc biệt năm nay có “ngôi đền sách” Parthenon of Books. Đây là một sáng kiến tuyệt vời để vinh danh những tác giả đã bị cấm, bị đe dọa, bị tù đày, bỏ mạng vì tự do tư tưởng, để nhắc nhở mọi người rằng quyền tự do ngôn luận luôn luôn và vẫn tiếp tục bị đe dọa.
Bà Martha Minujinn, người Argentina, xây đền này bằng những thanh sắt, theo đúng khuôn mẫu đền Parthenon (cao 10m, dài 70m, rộng 30m). Ngôi đền được xây ngay tại nơi trước đây Hitler đã ra lệnh đốt sách của các tác giả Do Thái hồi năm 1933.
Những cuốn sách được bọc trong bao nylon để tránh mưa nắng, phủ đầy mái đền và 46 cây cột lớn. Đó là 100.000 ấn bản của 17.000 cuốn sách đã từng bị cấm, do dân chúng khắp nơi gửi về sau lời kêu gọi của Martha Minujinn, từ Thánh kinh tới Gatsby Le Magnifique, Les Vertes Coraniques, từ Lewis Caroll tới Soljenitsyne, Rushdie Salman.
Đền sách cấm mở cửa cho công chúng từ tháng 6 đến giữa tháng 9-2017, sau đó sách sẽ được gỡ đi và phân phát cho dân địa phương cùng du khách.
Trong lịch sử thế giới, có 70.000 cuốn sách đã bị cấm, theo thống kê những cuốn sách nổi tiếng. Nếu kể cả những sách gần như vô danh hay chỉ có tầm vóc địa phương, con số đó sẽ nhiều gấp đôi. Danh sách những tác giả có tác phẩm một thời bị cấm dài không dứt, trong đó có những tên tuổi lớn như Homère, Diderot, Molière, Joyce, Kundera… Người ta có đủ lý do để cấm đoán, kiểm duyệt. Gallilée, Corpenic vì những khám phá khoa học; Orwell, Huxley vì chống đối chế độ. Flaubert (Madame Bovary), Beaudelaire (Les Fleurs du mal), Nabokov (Lolita) vì lý do luân lý. Voltaire, Victor Hugo vì đề cập tới nhân quyền.
- T.T
Xem thêm:
- Phát hiện chiếc hòm chứa 4 tấn vàng trong tàu của phát xít Đức
- Sản phẩm của Đức được tin cậy nhất
- Đức cải tiến luật để tự vệ trước làn sóng đầu tư của Trung Quốc