Nếu ai đã xem bộ phim “trò chơi mô phỏng – an imitation game” nói về Alan Turing, người đã chế tạo ra chiếc máy đọc và giải mã cho máy tạo mật mã Enigma của phát xít Đức, giúp kết thúc thế chiến II sớm hơn hai năm và cứu hơn 14 triệu người thoát chết vì cuộc chiến này thì sẽ cảm thấy rất háo hức khi nhìn thấy tận mắt phiên bản Enigma trong bảo tàng quân đội nằm trong điện Invalides (Paris) của nước Pháp.
Lần đầu tiên tôi được tham quan một bảo tàng quân đội lớn như vậy và ấn tượng để lại khá sâu sắc. Gần hai tiếng đồng hồ chỉ để đi qua “hai cuộc chiến tranh thế giới”, đương nhiên cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Đến những bảo tàng như vậy, chúng tôi mới giật mình nhận ra (cần nói thêm là lúc trước đã nghe “người ta nói”, nhưng không thể có được cảm giác thực) rằng các chương trình giáo dục về lịch sử trong sách giáo khoa của nước ta thực sự quá khô khan và hầu như không đọng lại gì nhiều trong đầu của học sinh. Nhớ năm lớp 9, thi tốt nghiệp môn lịch sử, học thuộc lòng nguyên một cuốn sách “bộ đề”, thi cũng được mười điểm nhưng sao bây giờ trong đầu chỉ lảng vảng vài thông tin kinh điển “quân ta tiêu diệt được… tên địch, bắt sống… tên địch”. Thật lòng, thời điểm đi học ấy, tôi đã cảm thấy rất chán vì thông tin một chiều, các tác giả – vô tình hay cố ý – muốn gieo rắc sự thù hận và căm phẫn hơn là giúp học sinh hiểu biết về lịch sử đúng nghĩa. Mà không chỉ riêng tôi, mà bạn bè, các em, các cháu sau này đều vậy. Nghe con cháu đi học kể lại, giờ học lịch sử luôn là giờ… buồn ngủ nhất và học bài lịch sử cho các kỳ thi là nhiệm vụ khó khăn nhất. Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây vài năm, khi biết tin không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử, nhiều học sinh đã ném đề cương môn này xuống trắng cả sân trường… Nghe mà đau lòng, nhưng sự thực là không thể cưỡng ép học sinh phải yêu thích điều gì đó trái với lòng mình. Thiết nghĩ, quá khứ là quá khứ, đừng bắt nó phải sống trường tồn. Con người cần phải biết lịch sử để phát triển và không giẫm đạp lên những sai lầm của quá khứ. Có lẽ ý nghĩa của lịch sử là vậy nhưng sách giáo khoa nước ta lại xem chúng là công cụ tuyên truyền nên mới dẫn đến tình trạng học sinh chán ghét học lịch sử chăng.
Trở lại với bảo tàng quân đội nằm trong điện Invalides, bên trong bảo tàng, các vật chứng, hình ảnh tiêu biểu trong các cuộc chiến điển hình đều có đầy đủ nhưng không hề đe dọa, nhuốm máu. Các video ở mỗi khu chỉ chiếu những đoạn phim từ 3-5 phút, đủ để người xem tập trung, lắng đọng mà không chán. Các bản đồ về những cuộc tấn công được làm chuyển động để người xem cảm nhận rõ ràng. Chúng tôi là người lớn mà còn thấy bị thu hút huống hồ trẻ em. Hôm chúng tôi đi tham quan, ở đây có cả du khách, học sinh, có cả những quân nhân (có lẽ mới nhập ngũ). Tất cả đều chăm chú, yên lặng bước đi và quan sát tỉ mỉ nếu bắt gặp những món đồ, hình ảnh, tư liệu mình quan tâm.
Ở đây, tôi cũng thấy cả chiếc áo dài của danh tướng Nguyễn Tri Phương nước mình, người thống lĩnh đội quân chống Pháp vào những năm gần cuối thế kỷ XIX và chiếc chuông đồng chùa Tuyên Quang. Thông tin bên cạnh đầy đủ cả. Ở đây, người ta không chối bỏ thất bại, không tự ti vì thua cuộc mà chỉ ghi nhận lại lịch sử…
Ở đây, tôi cũng có ấn tượng sâu sắc với những bức tranh sơn dầu. Có những bức chẳng có máu me gì, đơn thuần chỉ vẽ một buổi chiều mưa và mọi người chộn rộn nhập ngũ, không khí buồn đến nao lòng. Chẳng ai thích chiến tranh, chẳng ai mê đổ máu. Theo bức tranh thể hiện, chiến tranh chỉ là trò chơi của một số vị tướng lĩnh nào đó thích thể hiện uy quyền, còn những người lính chỉ là những quân cờ sống trong tay họ. Tôi nghĩ thế.
Ở đây, tôi gần như được chạm vào những vũ khí được sử dụng trong hai cuộc chiến tàn khốc của thế kỷ XX hoặc những mô hình thu nhỏ, những phiên bản công cụ hỗ trợ cuộc chiến.
Ở đây, tôi cũng thêm được nhiều kiến thức về những vùng đất bị quân Pháp xâm lược thông qua trang phục của những người lính. Tất cả đều được thiết kế phù hợp với không chỉ địa hình, khí hậu mà còn mang hơi hướm văn hóa đặc trưng của những nơi họ đi qua…
Nếu tách bạch rõ ràng việc đi tham quan để nhìn nhận lại lịch sử và bình lặng để không bịảnh hưởng bởi sự thù hận đối với kẻ đã từng “xâm lăng” đất nước mình, ắt hẳn, bạn cũng như tôi, sẽ đều có một chút gì đó ngưỡng mộ họ.
Ở trong nước, tôi cũng từng tham quan bảo tàng chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần, TP. Hồ Chí Minh. Ở đó, việc bài trí quả là có ấn tượng mạnh đối với du khách, từ những vật chứng, hình ảnh cho đến ánh sáng trong từng căn phòng nhỏ như muốn chụp xuống người xem về một quá khứ đầy kinh khủng và ghê rợn. Sau nhiều năm, tôi vẫn còn cảm giác sợ mà không hiểu được chính xác lịch sử đã nói gì ngoài sự ám ảnh. Tôi được biết có nhiều trường tiểu học có chương trình đưa học sinh tham quan bảo tàng này và thực sự không hình dung được các em nhỏấy sẽ thu hoạch được những gì sau buổi tham quan như vậy? Cháu tôi từng đi một chuyến như vậy chỉ cho biết ngắn gọn “nhìn sợ và hơi chán”. Tôi ước ao rằng, giá như chúng tôi được học lịch sử theo đúng như ý nghĩa của nó – ghi chép lại cho thế hệ sau những sự kiện đã diễn ra một cách trung thực, không bị áp đặt bởi bất cứ ý muốn chủ quan của một ai. Tôi cũng ao ước các con tôi, cũng như con của các bạn được tiếp cận lịch sử một cách dễ chịu, thoải mái và đầy cuốn hút như trẻ em của các nước tiên tiến khác, để chúng hiểu rằng, lịch sử là cái đã qua, những việc chúng sẽ làm rồi cũng trở thành lịch sử sau này nhưng được xây dựng đẹp đẽ hơn, nhân văn hơn…