Tuần qua, báo chí Hàn Quốc liên tục đưa tin Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Posco (Posco E&C) đã thông đồng với các nhà thầu phụ để kê khống chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam từ năm 2009 đến 2012, lấy tiền chênh lệch lập quỹ đen lên xấp xỉ 200 tỉ đồng rồi chuyển về Hàn Quốc để biển thủ. Một cựu giám đốc của Posco E&C bị tình nghi đóng vai trò chủ chốt này đã bị tạm giam và đã nhận mọi trách nhiệm với Phòng Công tố của quận trung tâm Seoul, trong đó có việc bỏ túi riêng 4 tỉ won (hơn 3,68 triệu USD) từ nguồn quỹ đen trị giá 10 tỉ won (hơn 9,2 triệu USD). Tờ Korea Times còn đưa tin các công tố viên Hàn Quốc nghi ngờ giới quản lý Posco E&C đã hối lộ các chính trị gia thông qua chủ của một công ty tư vấn họ Jang và tư gia của ông Chung Dong Hwa – cựu Phó chủ tịch Tập đoàn Posco cũng đã bị khám xét
Trước tình hình đó, dù chưa có thông tin chính thức từ phía Hàn Quốc cũng như Tập đoàn Posco, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát các gói thầu mà Posco thực hiện ở các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Với tư cách đại diện chủ đầu tư, VEC đã chính thức đưa ra ý kiến của mình.
Cụ thể, đối với các công trình do VEC làm chủ đầu tư, Posco là nhà thầu thi công ba gói thầu xây lắp A1, A2 và A3 thuộc dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, được triển khai thi công từ năm 2009 và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2014. Tại dự án Xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Posco là nhà thầu thi công gói xây lắp số 3 và gói xây lắp 5A, lần lượt được khởi công vào các năm 2009, 2013 và hiện cũng đã hoàn thành, đi vào khai thác. Theo hợp đồng đã ký kết với Posco và các nhà thầu khác tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư thì phương thức, hình thức thanh toán giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ thuộc thẩm quyền của nhà thầu chính, VEC không can thiệp vào việc này. VEC chỉ thanh toán cho nhà thầu chính các khối lượng hoàn thành đảm bảo chất lượng đã được bên tư vấn giám sát xác nhận và cơ quan kiểm soát chi là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cùng Bộ Tài chính và nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chấp thuận. Posco E&C đã từng giao thầu phụ thực hiện dự án với giá cao hơn giá họ trúng thầu thì điều đó làm tăng chi phí cho doanh nghiệp này chứ không làm tăng giá trị hợp đồng của VEC đã ký với Posco E&C, không gây thất thoát cho dự án.
Cùng vụ việc này, Công ty Louis Berger Group (LBG) của Mỹ cũng bị nghi vấn đã hối lộ để thực hiện dự án Giao thông nông thôn 3 và dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tổng cộng khoảng 500 triệu USD. Theo WB, do có dấu hiệu đã hối lộ cho các quan chức Việt Nam nên LBG bị cấm tham gia vào các dự án dùng vốn của WB để thực hiện trong vòng một năm. Tập đoàn mẹ của LBG là Berger Group Holdings (BGH) cũng bị chế tài. WB còn đặt ra một số hạn chế đối với BGH khi tập đoàn này tranh thầu các dự án thực hiện bằng vốn của WB. Lý do là BGH không giám sát hoạt động của LBG nên phải chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của công ty con. LBG phải tự làm rõ các sai phạm và gửi báo cáo cho WB.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)