Vỗ đá mà chơi

Với tôi, những bức tranh đá này (triển lãm tranh “ký tự đá” – Nhặt và Cảm) như những con mắt không chớp. Không trừng trừng chọc đục bản thể người đối diện, mà ánh nhìn đầy an nhiên như đã lìa bỏ được tạp niệm. U buồn và thật hiền với đời sống.

Âm nhạc

Cho nên, những cặp đôi như nguyên lý âm dương, dù có được sắp đặt tình cờ, bất chợt hạnh ngộ hay cố ý, rồi tưởng chừng đá vô tri bỗng bất ngờ khai khẩu, rằng hãy sống, yêu thương, đau xót, mừng vui. Tôi đọc ở từng viên đá trên tranh một nguồn năng lượng của núi lửa tái sinh sau những nham thạch phun trào, để từ đó cây trường sinh sẽ mọc.

Nếu tác giả – nhà báo Nguyễn Thanh Minh – trần tình rằng, bệnh đau cột sống trong phút leo- cầu-thang- chạm-tuổi- 70, là do ngồi xếp đá thành tranh, thì đó cũng chẳng có gì lạ. Nghệ thuật đến là tình cờ, nhưng để nắm nó thì đành chịu “nghề chơi cũng lắm công phu”. Và vì thế sự tình cờ này là một cơn “đày đọa” tự rước.

Nỗi niềm riêng
Ký ức lắng sâu
Giáng sinh an bình
Những người chơi đá, là mặc định trong mình một bảng quang phổ triết học về đời sống, thân phận, mà tên gọi là cô đơn, dù rất sang trọng, một kiểu sang trọng của người mơ mộng. Chơi đá là chơi với sắp đặt và đập phá tâm thế để định hình, nhận dạng mà đi, hoặc dừng lại trong biến hóa của trời đất. Tôi đã thấy ở tranh đá này rất nhiều giọt nước mắt đã hóa thạch. Cái cúi đầu chắp tay trước ngọn lửa bất diệt Thích Quảng Đức với trái tim xá lợi bất hoại của một vị phật sống hiện hình (Trái tim xá lợi). Lời đá vàng chỉ có thể dành cho tình yêu, dẫu thề nguyền nếu vì căn cớ nào đó mà chập chùng đứt gãy, thì vẫn còn như câu hát “thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không”. Một lời ăn năn, hình như thế, từ đây (Lời đính ước).Tác giả bộc bạch về bức Ma trận: “Tác phẩm thứ hai tôi sáng tác dành cho bạn bè trong CLB Dân vũ quốc tế Sài Gòn mà tôi là thành viên. Thế mạnh của CLB là những bài vũ dân gian các nước với đội hình hình vuông mà người ta gọi là phương hợp vũ. Tôi xếp đặt bốn cụm đá ở trung tâm của bốn cạnh hình vuông như bốn cặp đang chơi dân vũ. Do những viên đá Cẩm thạch hình khối vuông nên tôi xếp đặt sao cho hợp lý, không ngờ qua cách xếp đặt của tôi lại trùng hợp với việc tập hợp phương vị cửu cung – bát quái, có khả năng biến đổi khôn cùng như trái tim nhân thế và người bạn đặt tên cho tác phẩm này là Ma trận”. Có lẽ đây là một lời cảnh tỉnh: Sẽ không gì hằng cửu, bất biến, ngay cả trái tim cũng là con rối trong cơn biến dịch của trời đất. Nhưng chính vì thế, nó cần một lời xác quyết rằng, ngay cả phương vị ma trận của bát quái cửu cung, tạo hóa dạy rằng: cứ lấy tâm tĩnh mà chế động, tìm cho được sanh trong khắc và khắc trong sanh, âm chi vị dương và ngược lại, thì ắt hóa giải được. Một thông diệp của kẻ đọc triết và tình cờ gặp đá?Tác giả không giấu được nỗi đau của kẻ cô đơn muôn trùng giữa đời sống bê tông, tìm đây một chỗ ngồi cho sinh linh xanh lên tiếng (Nhịp sống đô thị). Không sai, khi ông tin rằng tranh mình sẽ “cảm”, cùng tần số với người thưởng ngoạn, khi ta, ngay một sát na hít thở này thôi, cũng đang bội thực ngạt thở bởi đời sống bê tông đang như thác đổ.
Nhịp sống đô thị.
Bồ đề tâm nguyện

Một trái tim nhờ đá cất lời, tưởng ngồi trên đá mà chơi, ai ngờ Nối vòng tay lớn. Tình cảm tha thiết với đời sống, được gửi dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ ngôi sao xa xôi có đứng một mình cũng tìm đến kết đôi, lẽ phải lương tri là gì nếu không phải là bàn tay nâng niu đời sống. Tác giả cũng không làm ngơ trước máu bao thế hệ đã và đang nhỏ xuống nơi biển đảo xa xôi để giữ từng hải trình cha ông để lại (Giữ yên biển đảo).

Giữ yên biển đảo

Những bậc thang, vòng tay, kim tự tháp, đồng hồ, chiếc lá, cả niềm tin về sự trỗi dậy của rất nhiều cây, nhiều cánh rừng như sự sống là phép thần thánh mà không thế lực nào ngăn cản được. Những biểu trưng khác nhau về hình thể, màu sắc, dù có bộc bạch rằng mình không muốn triết lý gì cả, nhưng rõ ràng, dù biểu hiện dưới bất kỳ hình thái nào, thì cũng dễ thấy tác giả đồng qui mọi thứ về nhất thể. Bày biện cuộc chơi âm dương từ điều hiển nhiên của tồn tại thực hữu, mà muốn duy trì nó, thì hãy nương theo nó mà sống bằng tình yêu. Có lẽ nên cất khúc Lời đá vàng từ đây.

Cuối theo chiều gió
lên Trăng

Tôi cũng nhận thấy ở đó Hà Đồ – Lạc Thư trong Kinh Dịch được tái hiện bằng vô số con đường, nếu nhìn kỹ nhiều bức hình, trung điểm của nó bao giờ cũng chiếm choán và chiếm đa số trong triển lãm này. Đó là thổ, là Đá, là con số 5. Dù nó là số trung tâm, là trời đất, ngũ hành 4 mùa có nó cả, nhưng sao thấy chẳng đặng đừng, bởi cuộc chơi này hẳn sẽ không dừng, mà 5 là lẻ, là dương, đâu có được, mình ông thì buồn quá, phải có người nữa vỗ đá mới thoát nhịp cô đơn chứ?

Exit mobile version