Ngày thứ Hai (5-6) tuần trước là một ngày đặc biệt. Không chỉ là ngày thứ Hai Chúa thánh thần xuống trần Pentecôte trong Tân ước mà còn là Ngày thế giới môi trường, do Liên Hiệp Quốc tuyên bố năm 1972. Ngày hôm ấy, vì sao lại không vào rừng dạo chơi? Cây cỏ thì thầm, cùng chia sẻ sự phì nhiêu của đất, hỗ trợ, đùm bọc, học hỏi nhau… và chào mừng tất cả những ai đến với thế giới tuyệt vời này.
Tháng Giêng năm nay, nhà lâm học người Đức Peter Wohlleben khảo cứu rừng nguyên sinh đã kể thành một câu chyện lý thú, sinh động, hấp dẫn về sự sống thầm kín, mạnh mẽ của cây cối: những mạng xơ thực phẩm bổ dưỡng do nấm dệt nên, tính quần thể của các cây sồi rừng khiến cho hệ sinh thái khỏe khoắn, đẹp đẽ, ngôn ngữ phong phú của rễ, xung năng tràn trề nhựa sống của cây…
Nghe xong chuyện kể của Wohlleben, vào rừng, sẽ thấy cây cỏ hoàn toàn không vô tri vô giác, mà dạy cho chúng ta bài học chia sẻ, giao tiếp. Chúng đồng sinh, nhưng lại duy trì cái riêng cá thể. Cùng là hạt, nhưng hạt này thì mọc thành cây dưới một lớp đất mỏng, còn hạt bạch dương lại nảy mầm ngay trên mặt đất. Cây rừng có tri thức tinh tế về thời gian đã trải qua, mùa nối mùa. Chúng nhận biết ngày đẹp trời ngập nắng mùa hạ để sinh sôi, rụng lá khi mùa đông giá băng tới để tự vệ.
Wohlleben mong mỏi con người hãy biết thương yêu cây cỏ: “Một khi thấy cây cũng nhạy cảm với cái đau, người ta không còn đốn nó vô tội vạ, không phá môi trường bằng xe – máy ủi tấn công rừng để lấy gỗ. Chúng không có não, không di chuyển, nhưng là cơ cấu sống. Chúng biết tạo hương xua đuổi sâu. Cái hương ấy kích thích cây bên cạnh cùng sinh sản chất diệt sâu – một mối giao tiếp tinh tế, nhạy bén. Phải đối xử với chúng như sinh vật”. “Hãy nâng niu cây rừng cho sự sống của chính chúng ta” là lời kết chuyện kể của Wohlleben.
- Lê Lành theo Die Spiegel