Ngày Hội sách châu Âu 2018 được diễn ra từ ngày 5-5 đến 17-5 tại Hà Nội; từ ngày 12-5 đến 20-5 tại TP.HCM, với 34 các hoạt động lớn nhỏ, bao gồm giới thiệu sách, triển lãm, đọc truyện, thảo luận văn học, chiếu phim…
Và đặc biệt tuần lễ tôn vinh và giảm giá sách châu Âu tại Đường sách Hồ Chí Minh. Mười nước châu Âu mang đến ngày hội văn học sôi động này rất nhiều hoạt động dành cho khán giả yêu văn học như Đọc sách cùng tác giả, Giới thiệu sách, Hội thảo, Trao đổi, Triển lãm và cả chiếu phim. Đây là lần thứ tám Ngày hội Sách châu Âu (trước đây có tên Những ngày Văn học châu Âu), tổ chức tại Hà Nội và lần thứ ba tại TP.HCM.
Từ năm 2011, Những ngày Văn học châu Âu đã được EUNIC, Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu tổ chức thường niên tại Hà Nội. Sự kiện đã vươn rộng tới TP.HCM là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự quan tâm của độc giả Việt Nam tới văn học châu Âu. Năm nay có nhiều sách hơn, nhiều hoạt động hơn, nhiều cơ hội giúp cho công chúng tìm hiểu tốt hơn về văn học, phong cách sống và văn hóa châu Âu. Với rất nhiều loại sách truyện đến từ Áo, Đan Mạch, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Wallonie-Bruxelles (Bỉ), Phần Lan, Thụy Điển, CH Séc, chắc chắn mỗi độc giả sẽ tìm thấy ở đây điều mình quan tâm.
Những địa điểm diễn ra sự kiện tại Hà Nội năm nay bao gồm Đại sứ quán Séc, Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace, Trung tâm Văn hóa Ý Casa Italia và Làng châu Âu. Tại TP.HCM, các địa điểm gồm Đường sách Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Tổng hợp và Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy.
Ông Emmanuel Labrande, Chủ tịch EUNIC cho biết, chương trình Ngày Hội sách châu Âu 2018 được tổ chức với các tác phẩm đa dạng. Đặc biệt, một số tác phẩm văn học kinh điển của châu Âu nổi tiếng tại Việt Nam sẽ được phân tích sâu hơn qua các tọa đàm, buổi giới thiệu như: Thế giới huyền bí của Hans Christian Andersen, Những cuộc phiêu lưu của Don Quixote lừng danh và giám mã Sancho Panza, Thời nắng lịm của Eugen Ruge, Đời ong của Maurice Maeterlinck, Cái trống thiếc của Gunter Grass… Cùng đó, các cuốn sách, công trình nghiên cứu của tác giả châu Âu về Việt Nam cũng được giới thiệu trong dịp này. Trong đó, nổi bật là hai buổi giới thiệu những tác phẩm kinh điển của các học giả Pháp viết về Tây Nguyên, được Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM, là Rừng người Thượng (Henri Maitre) và Chúng tôi ăn rừng (Georges Condominas).
Nhân sự kiện này, nhiều nhà xuất bản đã giới thiệu các sách của châu Âu. Bộ sách đầu tiên phải kể đến là sự trở lại của huyền thoại truyện tranh Pháp Những cuộc phiêu lưu của Astérix của NXB Kim Đồng. Bạn đọc sẽ gặp lại cặp đôi ăn ý Astérix và Obélix thông minh, quả cảm, là đại diện tiêu biểu cho tính cách hài hước của người Pháp, và cùng khám phá những địa danh, đặc sản nổi tiếng của Pháp thời bị La Mã xâm chiếm. Nhà xuất bản Kim Đồng và Trung tâm Văn hóa Pháp phối hợp tổ chức triển lãm Chuyến đi vòng quanh xứ Gaule của Astérix. Triển lãm hội tụ 35 tranh minh họa đặc sắc nhất, giới thiệu với bạn đọc quá trình sáng tác qua những trang bản thảo đầu tiên của hai tác giả René Goscinny và Albert Uderzo.
Với gần 200 ngàn bản Cách mạng được phát hành trong đợt in đầu tiên năm 2016 và được dịch ra trên 20 thứ tiếng, Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á đầu tiên chuyển ngữ cuốn sách này thông qua First News. Đây là tác phẩm đặc biệt do Tổng thống Pháp Macron viết và ra mắt bạn đọc thế giới vào tháng 5-2016, tác phẩm là niềm tin, tầm nhìn, ý chí và câu chuyện về cuộc Cách mạng Dân chủ mà Tổng thống kiên trì theo đuổi. Cuộc đấu tranh vì nước Pháp đã lan tỏa tinh thần cách mạng với dân chủ là ưu tiên hàng đầu, loại bỏ “mô hình kiểu Pháp” đã trở nên cũ kỹ và lỗi thời trong thế giới mới đầy biến động.
Viện Goethe giới thiệu bốn cuốn sách Đức mới được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tác giả Eugen Ruge giới thiệu bản dịch cuốn Thời nắng lịm của ông. Eugen Ruge (sinh năm 1954 tại thành phố Sverdlovsk, Liên Xô cũ) là con trai của nhà sử học CHDC Đức Wolfgang Ruge, người đã bị chính quyền Xô Viết đưa đi lưu đày tại Siberia. Mẹ ông là người Nga. Khi 2 tuổi, ông đã cùng cha mẹ trở về Đông Berlin. Tiểu thuyết có nội dung gắn với đời sống thực của tác giả.
Mười cuốn đầu tiên trong bộ sách khoa học Thế nào và Tại sao của Tessloff; Bản dịch mới Cái trống thiếc của Günter Grass và cuốn sách trẻ em Snöfrid ở miền đồng thảo – Câu chuyện giải cứu xứ Bắc hoàn toàn khó tin của Andreas H. Schmachtl cũng đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.