Ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1 (31-1) có diễn biến trái ngược với một ngày trước đó. Gần như suốt ngày, VN-Index có màu xanh đầy hy vọng, nhưng lại nhuốm sắc đỏ khi kết thúc phiên ATC, do những lệnh bán dồn dập vào cuối ngày.
Cũng vì thế, VN-Index “nằm” ở mốc điểm 1.110 ba ngày liên tiếp, dù đã rung lắc mạnh trong quãng thời gian đó. Chỉ số “đi ngang” nhưng vẫn có sự phân hóa khá rõ rệt trong nhóm VN-30 nói riêng và cả thị trường nói chung. Chẳng hạn cùng dòng dầu khí, trong khi GAS, PVO và PXS tăng trần thì PVS và PVD lại giảm sàn.
Những cổ phiếu đã có mức tăng tốt nhiều ngày qua bị bán ra chốt lời nên giảm khá mạnh, trong đó có các mã ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Có thể kể: SSI giảm 2.400 đồng/cổ phiếu (6,57%), DPM giảm 1.700 đồng/cổ phiếu (6,5%), BID giảm 1.800 đồng/cổ phiếu (5%), STB giảm 850 đồng/cổ phiếu (4,97), BVH giảm 3.700 đồng/cổ phiếu (4,3%),…
Dù số mã tăng ít hơn (trong VN-30 chỉ 11 mã tăng so với 18 mã giảm) nhưng nhờ có mức tăng khá mạnh (GAS và ROS tăng trần), nên mức độ giảm của VN-Index là không lớn. Tính chung trên HOSE, bất chấp số mã giảm tỏ ra lấn lướt (168 mã giảm so với 124 mã tăng), VN-Index chỉ giảm rất nhẹ 0,2 điểm (-0,02%), còn 1.110,36 điểm. Thanh khoản tiếp tục tích cực với 351.213.683 cổ phiếu được giao dịch, trị giá 9.886,255 tỉ đồng.
Sau phiên dậy sóng với hàng loạt mã tăng trần, nhóm bất động sản – xây dựng đã phân hóa mạnh, chỉ còn DXG, HAR, VRC giữ màu xanh, CTD, VPH, QCG, SJS, SCR… giảm khá mạnh, DIG thậm chí còn giảm sàn.
Như đã nói, dù thị trường có lúc trồi lúc sụt, nhưng với việc dòng tiền vào dồi dào, thanh khoản 8.000-9.000 tỉ đồng/ngày như hiện nay, việc VN-Index điều chỉnh sâu là điều rất khó xảy ra. Dòng tiền vẫn đang tích cực luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu để kiếm tìm lợi nhuận.