HOSE đã giao dịch trở lại sau hai ngày tạm ngưng vì sự cố trong phiên chiều 22-1 và VN-Index lập tức “bay” ngay khi mở cửa, nhờ sự tăng giá đồng loạt của đa số mã vốn hóa lớn. Có vẻ như dòng tiền bị dồn nén khi buộc phải “nằm” suốt hai ngày, chực chờ thị trường mở cửa để bung ra…
Dù số mã tăng trên sàn HOSE không bằng số mã giảm (142 so với 165), nhưng điểm đặc biệt là những mã ấy đều thuộc nhóm vốn hóa lớn có tác động mạnh đến VN-Index và mức tăng rất lớn, nên chỉ số tăng rất nhanh, có lúc tăng đến hơn 30 điểm so với giá tham chiếu. Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index tăng 17,17 điểm (+1,58%), lên 1.104,57 điểm. Đặc biệt, thanh khoản cực cao, với 510.920.685 cổ phiếu được giao dịch, trị giá lên đến 14.327,622 tỉ đồng.
Trong nhóm VN-30, có đến 4 mã tăng trần là BID, GAS, VCB và VJC và còn hàng trăm ngàn đơn vị dư mua trần vào cuối ngày. Bên cạnh đó, MSN, SSI, DPM, BVH, NVL… cũng tăng mạnh. Chỉ riêng nhóm vốn hóa lớn này đã đủ để “gánh” VN-Index đi lên, chưa kể các nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản… vẫn duy trì đà tăng mạnh mẽ.
Ngoài hai cánh chim đầu đàn BID và VCB tăng trần, nhóm ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền và tăng mạnh bất chấp nhiều mã đang ở vùng giá rất cao. VPB tăng 3.150 đồng/cổ phiếu (6,39%), MBB tăng 1.700 đồng/cổ phiếu (6,07%), HDB tăng 2.500 đồng/cổ phiếu (5,5%), CTG tăng 1.000 đồng/cổ phiếu (3,88%),…
Dòng dầu khí, ngoài GAS-PVD tăng trần, PVS, PVB, PVC… đều tăng. Nhóm bất động sản, trừ VRE bị chốt lời nên giảm mạnh, đa số các mã tên tuổi đều tăng giá, như DXG, HBC, NLG, PDR, SCR, VIC…
Về sự cố ngày 22-1-2018 đối với hệ thống giao dịch của HOSE, ông Lê Hải Trà, Thành viên Hội đồng quản trị Phụ trách Hội đồng quản trị Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cho biết nguyên nhân được xác định là từ phần mềm khớp lệnh, và lấy làm tiếc về sự cố kỹ thuật buộc Sở phải ngừng giao dịch này.
Ông Trà cũng cho biết các chuyên gia đã thực hiện việc phân tích và vá lỗi trong ngày 23-1; ngày 24-1, HOSE đã tổ chức hai phiên kiểm thử giả lập với các công ty chứng khoán trên toàn thị trường dưới sự giám sát của các chuyên gia. Kết quả cho thấy, hệ thống đã hoạt động bình thường.
Dù là sự kiện bất khả kháng, song việc phải đóng cửa thị trường là việc cực chẳng đã, chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo ông Trà, thị trường chứng khoán hàm chứa những rủi ro, trong đó có các sự cố kỹ thuật như đã xảy ra tại các thị trường trên thế giới và Việt Nam.