Khi VN-Index đang trên vùng đỉnh, nhà đầu tư cần phải rất bình tĩnh để không bị cuốn vào những pha tăng điểm thần tốc hoặc những cú rơi chớp nhoáng của thị trường. Sa vào một cuộc mua đuổi tức thời ở vùng giá cao hoặc vội vàng bán tháo trong khoảnh khắc thị trường “down” có thể khiến những thành quả lợi nhuận trước đó đổ sông đổ biển…
Nếu như sáng 9-1, chỉ trong 10 phút, VN-Index làm một cú rơi 15 điểm thì phiên chiều 10-1, trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, VN-Index cũng có pha “đổ đèo” hơn 12,6 điểm (từ 1.045,63 điểm xuống 1.033,01 điểm). Không phải nhà đầu tư nào cũng có thể “tham lam khi thị trường sợ hãi và sợ hãi khi thị trường tham lam” để không bị những pha rung lắc dữ dội như vậy ảnh hưởng đến quyết định mua – bán cổ phiếu của mình.
Bỏ qua những rung lắc kiểu đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong một giai đoạn cực kỳ hưng phấn. Số mã tăng giá mở rộng, cổ phiếu chính của các nhóm ngành đều đi lên, đa số cổ phiếu trên thị trường, từ vốn hóa lớn đến vừa và nhỏ đều trong xu thế tăng, đặc biệt là thanh khoản ngày càng cao. Ngày 10-1, số mã tăng trên HSX là 175 trong khi số mã giảm chỉ là 126, VN-Index tăng 4,55 điểm (+0,44%), lên 1.038,11 điểm. Điểm nhấn đến từ thanh khoản, với hơn 375 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá 9.212,582 tỉ đồng. Việc thanh khoản luôn duy trì ở mức cao chính là tiền đề cho những bước tăng trưởng tiếp theo của VN-Index.
Có thể nói ngày giao dịch 10-1 là ngày của dòng dầu khí và bất động sản. Nhiều mã “họ P” tăng trần (PVD, PEQ, PVO, PVC) hoặc tăng khá (GAS, PVS, PVB…). Cổ phiếu bất động sản thì càng về cuối ngày càng dậy sóng. Nhiều mã tăng trần như SCR (ngày thứ hai liên tiếp), SNZ, VRC, trong khi VRE, NLG, PDR, NBB,… cũng tăng rất mạnh.
Cổ phiếu ngân hàng đã bớt sức nóng về giá, dù “xanh vẫn nhiều hơn đỏ” và thanh khoản vẫn ở mức rất cao. STB tiếp tục là “ngôi sao thanh khoản” khi có đến 49.555.650 cổ phiếu này được giao dịch và tăng thêm 750 đồng/cổ phiếu (5,05%).