Với thanh thiếu niên phương Tây, mùa hè đồng nghĩa với sự nghỉ ngơi, thư giãn và những chuyến đi chơi của cả gia đình. Song với những trẻ em không may mắn, mùa hè lại có nghĩa là lao động, làm việc bán thời gian để phụ giúp gia đình. Ở Mỹ, trẻ em lao động vào mùa hè không có nhiều cơ hội chọn lựa công việc, mà phần đông phải lao vào một loại công việc nguy hiểm cho sức khỏe. Đó là lao động trong các nông trại trồng thuốc lá.
Hiện nay, tại Mỹ, bốn bang trồng nhiều thuốc lá nhất là Bắc Carolina, Kentucky, Tennessee và Virginia, đóng góp đến 90% sản lượng thuốc lá toàn nước Mỹ. Năm 2012, thuốc lá sản xuất tại Mỹ trị giá 1,5 tỉ USD, một con số không hề nhỏ. Tại các nông trại trồng thuốc lá, phần lớn trẻ em, có em mới 12 tuổi, xuất thân từ các gia đình người nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha, làm việc để giúp cha mẹ chúng có tiền trả tiền thuê nhà, mua thức ăn và chi trả các chi phí liên quan đến học hành. Gần đây, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã tiếp xúc với 141 em đang làm việc trong các nông trại trồng thuốc lá và phát hiện hai phần ba trong số này bị ngộ độc chất nicotine hoặc bệnh thuốc lá xanh (GTS: Green Tobacco Sickness). Bệnh GTS xảy ra khi chất nicotine ngấm qua da các công nhân trẻ em tiếp xúc với cây thuốc lá, đặc biệt là với những lá thuốc ẩm ướt. Ngoài ra, các em còn có thể bị các chứng buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu. Nhiều chủ nông trại không tổ chức huấn luyện các công nhân trẻ em về an toàn lao động, có những em đi chân đất, có em chỉ mang vớ lội trên những cánh đồng đầy bùn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ, trong năm 2012, cả nước Mỹ sản xuất 360 ngàn tấn thuốc lá, đứng hàng thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Song không như những nước kia, Mỹ lại không quy định tuổi làm việc tại các nông trại trồng thuốc lá. Mới đây, Virginia trở thành bang đầu tiên soạn thảo một dự luật về lao động trẻ em trong ngành nông nghiệp thuốc lá, song dự luật này bị bác bỏ. Một trong những điều khoản chính của dự luật nhằm cấm việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi tiếp xúc trực tiếp với lá thuốc tươi hay khô, ngoại trừ những trẻ em được cha mẹ cho làm việc tại các nông trại gia đình. Song với áp lực từ giới luật gia và các nhà hoạt động xã hội, Hiệp hội những người trồng thuốc lá bang Bắc Carolina (TGANC) và Hội trồng thuốc lá Burley Tobacco ở Kentucky đã thỏa thuận không nhận lao động trẻ em dưới 16 tuổi, với những em 16-17 tuổi, phải có sự đồng ý của cha mẹ. Những điều này cho thấy luật lệ về lao động trẻ em trong nền công nghiệp thuốc lá Mỹ vẫn chưa hoàn chỉnh, cần được hoàn thiện trong tương lai.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph (DNSGCT)